Tổng thống Vladimir Putin sẽ tới Việt Nam trong tuần tới, theo các nguồn tin và truyền thông Nga, giữa lúc Kremlin bị cô lập và người đứng đầu nước Nga đang chịu lệnh bắt giữ của tòa quốc tế vì cuộc chiến ở Ukraine.
Thông tin về chuyến thăm của ông Putin được đưa ra không lâu sau khi Việt Nam kiện toàn được ‘bộ tứ’ lãnh đạo hàng đầu sau một thời gian khủng hoảng các vị trí chủ tịch nước và chủ tịch quốc hội.
Một nguồn tin nói với VOA rằng chuyến thăm của ông Putin đã được Hà Nội ấn định cho ngày 19 và 20 tháng này. Reuters cũng trích dẫn một quan chức giấu tên cho biết chuyến thăm Việt Nam của người đứng đầu nước Nga được dự kiến vào thời gian như trên nhưng chưa được khẳng định. Đài truyền hình NHK của Nhật Bản dẫn các nguồn ngoại giao giấu tên, trong đó có các quan chức cấp cao của Nga, nói rằng ông Putin đang chuẩn bị thăm Triều Tiên và Việt Nam vào tuần tới.
Đại sứ Nga tại Triều Tiên Alexander Matsegora được truyền thông Nga, gồm Vedomosti và Moscow Times, trích lời nói hôm 10/6 rằng ông đang “tích cực” chuẩn bị cho chuyến thăm của ông Putin tới Bình Nhưỡng trong khi một quan chức ngoại giao dấu tên được trích dẫn cho biết ông Putin sẽ đi thăm Việt Nam sau đó.
Trả lời phóng viên hôm 10/6 về chuyến thăm của ông Putin tới Triều Tiên và Việt Nam, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết “khi thời điểm đến, chúng tôi sẽ đưa ra thông báo thích hợp,” theo Moscow Times. Trước đó hôm 30/5, ông Peskov nói với Sputnik rằng chuyến thăm của ông Putin tới Việt Nam đang được chuẩn bị và ngày giờ cụ thể sẽ được thông báo vào thời điểm thích hợp.
Đại sứ quán Nga ở Hà Nội không trả lời yêu cầu bình luận của VOA về thông tin chuyến thăm của ông Putin tới Việt Nam. VOA đã gửi yêu cầu bình luận tới người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam. Người phát ngôn Phạm Thu Hằng tháng trước nói rằng hai bên vẫn đang chuẩn bị cho chuyến thăm này và sẽ thông tin chi tiết khi phù hợp.
Nga đang chịu hàng nghìn chế tài từ Mỹ và các nước phương Tây do cuộc xâm lược của họ ở Ukraine trong khi Tổng thống Putin bị Tòa án Hình sự Quốc tế phát lệnh bắt giữ vào tháng 3 năm ngoái vì cáo buộc chịu trách nhiệm về tội ác chiến tranh trục xuất bất hợp pháp trẻ em khỏi Ukraine.
Việt Nam, giống như Trung Quốc và Triều Tiên, đã không bỏ phiếu chống lại Nga trong các nghị quyết của Liên Hợp Quốc và vẫn tiếp tục quan hệ hợp tác với Nga trên nhiều mặt dù Kremlin bị cô lập khỏi thế giới phương Tây.
Tổng bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã mời ông Putin đến thăm trong một cuộc điện đàm diễn ra hôm 26/3 ngay sau khi ông Putin tái đắc cử tổng thống Nga và theo truyền thông trong nước, ông Putin đã nhận lời.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hôm 23/5 nói rằng Kremlin đề cao “quan điểm hợp lý” của Hà Nội về cuộc khủng hoảng Ukraine và rằng các lãnh đạo Việt Nam”vẫn tuân thủ các tiếp cận cân bằng và có trách nhiệm.” Việt Nam khẳng định rằng họ “không chọn bên mà chọn chính nghĩa” khi bị chỉ trích từ truyền thông quốc tế vì quan điểm “tránh đối đầu” với Nga.
“Việt Nam khẳng định không đứng về bên nào trong cuộc chiến Nga-Ukraine. Nhưng việc trốn tránh Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình Ukraine ở Thụy Sỹ, trong khi tiếp đón ông Putin đến thăm cùng thời điểm gửi đi một thông điệp khá mâu thuẫn,” Tiến sỹ Huong Le Thu, phó giám đốc về châu Á của tổ chức nghiên cứu toàn cầu Crisis Group, nói trong một đăng tải trên X hôm 11/6, ngụ ý tới việc Việt Nam chưa có tuyên bố gì về việc có cùng 90 nước tham gia Thượng đỉnh Hòa bình Ukraine sẽ được tổ chức ở Burgenstock từ 15-16 tháng này hay không.
Ông Putin được cho là đã dự kiến tới thăm Việt Nam trên đường trở về từ chuyến thăm Trung Quốc vào ngày 16-17 tháng 5. Reuters lúc đó cho biết rằng Việt Nam đã trì hoãn cuộc họp với quan chức hàng đầu của Liên minh châu Âu về các biện pháp trừng phạt Nga trước chuyến thăm có thể diễn ra của ông Putin tới Hà Nội. Nhưng đài DW của Đức sau đó tiết lộ chuyến thăm của ông Putin dự kiến vào thời gian đó có thể không thành hiện thực trong lúc Đảng Cộng sản Việt Nam rơi vào hỗn loạn do đấu đá nội bộ và chưa bầu được chủ tịch nước mới. Vị trí chủ tịch Quốc hội của Việt Nam lúc đó cũng đang bị bỏ trống.
Ông Putin đã có 4 chuyến thăm tới Việt Nam trong thời gian nắm quyền, bao gồm chuyến thăm gần đây nhất vào năm 2017 khi nhà lãnh đạo Nga tới Đà Nẵng tham dự Diễn đàn APEC.
Việt Nam và Nga dự kiến sẽ bàn thảo để thống nhất các phương hướng hợp tác chiến lược, nhất là về thương mại và thanh toán trong chuyến thăm của ông Putin vào tuần tới, theo nguồn tin của VOA. Nguồn tin không muốn nêu danh tính nói rằng hai bên sẽ ký kết hàng chục văn kiện, trong đó có việc giữ liên doanh dầu khí, và thúc đẩy phát triển năng lượng hạt nhân.
Một quan chức được Reuters trích dẫn nói rằng nghị trình vẫn còn được bàn thảo nhưng các vấn đề chính dự kiến sẽ được thảo luận trong chuyến thăm của ông Putin bao gồm năng lượng, hợp tác quân sự, giải quyết các khoản thanh toán và thỏa thuận trong lĩnh vực giáo dục.
Theo nguồn tin của VOA, Việt Nam muốn tranh thủ sự ủng hộ của ông Putin về các vấn đề Biển Đông, Mekong và người Việt ở Nga.
Ông Ian Storey, nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS-Yusof Ishak có trụ sở ở Singapore, nói với VOA hồi tháng trước rằng ông Putin sẽ sử dụng chuyến thăm Việt Nam “để đán tính hiệu tới thế giới rằng chính sách ‘Hướng Đông’ của chính phủ ông vẫn đi đúng hướng và phương Tây đã thất bại trong việc cô lập Nga.”