Việc Trung Quốc miễn visa cho khách du lịch tới Hải Nam bắt đầu từ ngày 1/5 có thể lót đường cho một số du khách có tính hiếu kỳ tham quan các thực thể trong vùng biển đang trong vòng tranh chấp với các nước khác.
Tỉnh Hải Nam sẽ miễn thị thực cho công dân của 59 quốc gia bắt đầu từ ngày 1 tháng 5, truyền thông nhà nước cho biết. Trong thời gian 30 ngày được miễn thị thực, một số người có thể đặt chân lên một số thực thể nơi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền như các bãi cạn hay rạn san hô ở phía đông nam đảo Hải Nam, ông Zhao Xijun, Phó Hiệu trưởng Phân khoa Tài Chính, Đại học Renmin của Trung Quốc cho biết.
Một số các địa điểm này là thuộc Hoàng Sa, một quần đảo đang nằm dưới quyền kiểm soát của Trung Quốc nhưng Đài Loan và Việt Nam tuyên bố có chủ quyền.
Thông điệp chính trị đàng sau hoạt động du lịch
Một số nhà phân tích cho rằng mở quần đảo Hoàng Sa cho du khách nước ngoài có thể giúp Trung Quốc về mặt chính trị.
Ông Collin Koh, chuyên gia nghiên cứu an ninh hàng hải tại Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore nhận định:
"Làm như vậy sẽ cho phép Trung Quốc khẳng định chủ quyền của mình, mà không chỉ có thế, TQ còn khẳng định họ có ‘quyền quản lý trên thực tế’ đối với khu vực".
Brunei, Malaysia, Việt Nam và Philippines cũng đòi chủ quyền tại một số vùng trong Biển Đông vốn giàu tài nguyên thủy sản và năng lượng dưới biển. Trung Quốc và Đài Loan tuyên bố chủ quyền trên toàn bộ diện tích biển 3,5 triệu km vuông.
Các nước khác bày tỏ phẫn nộ về việc Trung Quốc cơi nới các đảo nhỏ trong các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa để dùng vào các mục đích quân sự. Trung Quốc, nước có lực lượng vũ trang hùng mạnh nhất châu Á, đang xây các công trình trên ít nhất ba hòn đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, theo một think-tank Mỹ cho biết hồi năm ngoái.
Đảo Phú Lâm, hòn đảo phát triển nhất thuộc quần đảo Hoàng Sa, có dân số ước lượng vào khoảng 1000 người. Trong các tiện nghi trên đảo này, có một phi đạo và các đơn vị tên lửa, cũng như một bệnh viện và một siêu thị.
Một phát ngôn viên của dịch vụ đặt vé du lịch Trung Quốc Ctrip.com nói hiện chưa rõ liệu khách du lịch nước ngoài có được phép đến thăm Hoàng Sa hay không.
Một giới chức thành phố Tam Á, địa điểm du lịch ở phía nam đảo Hải Nam và là thành phố gần nhất với Hoàng Sa, hôm thứ Sáu cho biết là trang web của hội đồng thành phố sẽ đăng các thông tin về những ai có thể đi thăm Biển Đông.
Viễn ảnh ngành du lịch
Khách du lịch ra Hoàng Sa sẽ đặt kỳ vọng nơi giới hữu trách Trung Quốc phải giữ môi trường biển sạch, để họ có thể tham quan khung cảnh hoang sơ nguyên thủy của nó, theo Lin Qi, trợ lý nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Biển Nam Trung Hoa ở tỉnh Hải Nam.
"Từ góc nhìn cởi mở hướng tới du lịch, chắc chắn chúng ta cần một địa điẻm có môi trường tự nhiên tốt để nâng cao giá trị của nó", Lin nói. "Tác động tương ứng là các ngành công nghiệp khác như đánh cá sẽ giảm. Nếu du lịch mở cửa thì các hoạt động thương mại đánh bắt cá sẽ bị cắt giảm xuống nhiều."
Du lịch khả thi nhưng khung cảnh hoang sơ
Trung Quốc đang cố gắng mở rộng du lịch đến vùng biển tranh chấp, với mục tiêu dài hạn là phát triển các hoạt động giải trí như lướt sóng và lặn trong vùng biển nhiệt đới.
Chuyến tàu du lịch đầu tiên của Trung Quốc khởi hành tới quần đảo Hoàng Sa vào năm 2013, tới năm 2016, một hãng hàng không Trung Quốc đã mở các chuyến bay thuê bao từ thủ phủ Hải Khẩu của Hải Nam đến đảo Phú Lâm. Tháng 3 năm 2017, một tàu du lịch Trung Quốc chở 300 người đến quần đảo Hoàng Sa. Việt Nam mạnh mẽ phản đối, nói rằng quần đảo này là thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Phó Giám Đốc đặc trách chiến lược và phát triển kinh doanh của hãng hàng không Textron ở Thượng Hải cho biết thủy phi cơ tư nhân có thể bay tới các đảo nhỏ không có sân bay, theo lời ông Michael Shih, ông nói các chuyến bay du lịch đã được thực hiện ở tỉnh Hải Nam.
Đảo nằm dưới quyền kiểm soát của Trung Quốc thiếu cơ sở hạ tầng du lịch có tầm cỡ, như khách sạn và nước uống. Ông Zhao nói những sự thiếu sót đó có thể hạn chế hoạt động du lịch.
Malaysia và Việt Nam cũng đang mở các đảo nhỏ trong vùng biển tranh chấp cho khách du lịch, như một cách để khẳng định tuyên bố chủ quyền của mình.
Theo ông Christian de Guzman, phó chủ tịch của công ty đánh giá tín dụng Moody's tại Singapore nói các quốc gia quảng cáo du lịch với hy vọng có thể thúc đẩy những đòi hỏi chính trị của nước họ.