Trung Quốc hôm nay, 1/11, chính thức ra mắt máy bay chiến đấu tàng hình Thành Đô J-20, chứng tỏ sức mạnh quân sự, khiến người Việt “rất quan tâm”.
Hai chiếc đấu cơ có thể “né” radar này, theo Reuters, đã bay chớp nhoáng trong chưa đầy một phút tại cuộc triển lãm hàng không lớn nhất nước này, trước sự reo hò của hàng trăm người.
Các nhà quan sát nhận định rằng J-20 giúp Trung Quốc thu hẹp khoảng cách về công nghệ quân sự với Hoa Kỳ, trong bối cảnh Bắc Kinh đang ngày càng thể hiện củng cố tuyên bố chủ quyền ở biển Đông.
Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Trường, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ Quốc tế ở Hà Nội, nhận định với VOA Việt Ngữ rằng “người Việt Nam rất quan tâm và theo dõi sát tin ra mắt máy bay này”.
Tuy nhiên, ông nói thêm:
“Việt Nam đọ gì với Trung Quốc. Đây là cuộc chạy đua giữa Trung Quốc và Mỹ và có thể là thêm Nga, Ấn Độ nữa. Chứ còn Việt Nam làm sao mà tham gia vào cuộc đua này được”.
Báo chí trong nước cũng loan tải nhiều về sự kiện ở quốc gia đông dân nhất thế giới. Trang Soha chạy tít “Siêu tiêm kích J-20 của Trung Quốc ‘xuất đầu lộ diện’”. Trong khi đó, báo điện tử VnExpress viết: “Tiêm kích tàng hình tối tân của Trung Quốc bị nghi dùng động cơ Nga”.
Báo Tuổi trẻ dẫn lại nguồn nước ngoài viết rằng “những bức ảnh không chính thức về phác họa đầu tiên của nguyên mẫu J-20 trong năm 2010 từng tạo ra một làn sóng tranh luận về cân bằng quyền lực trong khu vực”.
Your browser doesn’t support HTML5
Việt Nam đã gia tăng chi tiêu quân sự đáng kể trong những năm gần đây trong bối cảnh tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, nhưng theo giới quan sát, vẫn còn kém xa so với Bắc Kinh.
Khi được hỏi rằng liệu Việt Nam có nên gác chính sách “ba không” sang một bên để lập liên minh quân sự với một số nước để làm đối trọng với Trung Quốc hay không, tiến sỹ Trường nói:
“Trong bố cục chiến lược chung về đối ngoại thì vẫn giữ vững như thế. Chứ còn không vì Trung Quốc thêm một loạt vũ khí mới mà Việt Nam phải điều chỉnh chiến lược đối ngoại thì cái đấy không có. Đứng về mặt đọ sức về mặt quân sự thì chưa phải ở cấp độ đó [đọ được với Trung Quốc]. Về mặt chiến lược, Việt Nam bây giờ phải gia cố bố cục đối ngoại của mình, vốn đã là tương đối tốt trong mấy năm qua”.
Việt Nam lâu nay vẫn theo đuổi chính sách “ba không”: không để nước ngoài thiết lập căn cứ quân sự tại Việt Nam, không đi với nước này để chống nước kia và không cho nước khác sử dụng lãnh thổ của mình để chống lại một nước khác.
Your browser doesn’t support HTML5
Năm ngoái, chi tiêu quân sự của Việt Nam đạt 4,4 tỉ đôla, chiếm 8% tổng chi tiêu chính phủ, theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Thế giới Stockholm (SIPRI). Đó là sự gia tăng đáng kể từ năm 2005, khi Việt Nam chỉ chi tiêu vào khoảng 1 tỉ đôla. Các con số này có thể không đầy đủ vì chính phủ không công bố ngân sách quốc phòng.
Còn chuyên viên phân tích Công nghiệp Quốc phòng châu Á Thái Bình Dương tại IHS Jane's, Jon Grevatt, ước tính, chi tiêu quốc phòng của Việt Nam sẽ tăng lên tới 5 tỉ đôla trong năm nay và 6,2 tỉ đôla đến năm 2020.
Theo SIPRI, các con số này có thể gia tăng nhanh chóng nhưng vẫn kém xa so với các nước chi tiêu nhiều cho quốc phòng nhất thế giới. Mỹ dẫn đầu với 596 tỉ đôla trong năm 2015 và Trung Quốc đứng thứ hai với 215 tỉ đôla.
Trong những năm gần đây, khoảng 80% đơn hàng quân sự đến từ Nga. Việt Nam sử dụng các khoản chi để hiện đại hóa khả năng – đặc biệt là các đội tàu ngầm và chiến hạm.
Việt Nam cũng tăng cường phòng vệ bờ biển với việc mua pháo và tên lửa chống hạm. Lực lượng không quân chủ yếu sử dụng máy bay chiến đấu do Nga sản xuất.