Phiên xử sơ thẩm lần hai vụ Hà Văn Thắm và 47 cá nhân bị cáo buộc “tham ô tài sản”, “lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, “cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, khiến Ngân hàng Đại dương (Ocean Bank) thiệt hại gần 2.000 tỉ đồng đã bước sang ngày thứ 11.
Khác với phiên xử sơ thẩm lần đầu (diễn ra từ 27 tháng 2 đến 8 tháng 3, sau đó Tòa án quyết định hoãn xử, trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung vì nhiều vấn đề còn tù mù), diễn biến phiên xử sơ thẩm lần hai sôi động hơn hẳn vì có rất nhiều thông tin trước nay vẫn được xem như tin đồn, giờ được thừa nhận là chính xác…
Đúng là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) – “anh cả” của nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa đã từng đem hàng trăm ngàn tỉ đồng gửi vào Ocean Bank để lấy lãi, có lúc, số tiền mà PVN gửi cho Ocean Bank lên tới 25.000 tỉ đồng. Ngoài việc trả lãi theo thỏa thuận trên giấy trắng, mực đen, Ocean Bank còn trả thêm cho PVN và 400 doanh nghiệp, cơ quan chủ yếu thuộc nhà nước một khoản nữa gọi là “lãi ngoài” mà mức độ chênh lệch giữa thực định với thực trả lên tới 1.500 tỉ đồng.
Khoản tiền khổng lồ ấy chưa xác định được đã vào túi của những ai còn ông Hà Văn Thắm và các thuộc cấp – vốn là những nhân viên cao cấp của Ocean Bank đang hầu tòa.
Hôm 31 tháng 8, trước Tòa, các nhân viên của Ocean Bank đồng loạt kêu oan. Bà Nguyễn Thị Nga, người từng là Kế toán trưởng của Ocean Bank, nghẹn ngào nói thay cho các cựu giám đốc khối, cựu giám đốc chi nhánh của Ocean Bank rằng họ chỉ là người thừa hành, thực hiện lệnh của thượng cấp, không tư lợi, không biết bí đạo của “lãi ngoài” nên không hề giấu diếm, che đậy và do đó, sổ sách rất rõ ràng,… thành ra các cơ quan tiến hành tố tụng buộc tội rất dễ dàng.
Bà Lê Thị Thu Thủy, cựu Phó Tổng Giám đốc Ocean Bank rồi bà Nguyễn Hoài Nam, cựu Giám đốc Khối nguồn vốn của Ocean Bank, cùng nhấn mạnh một sự thật là dẫu Ocean Bank được Ngân hàng Nhà nước và thanh tra nhiều ngành giám sát chặt chẽ nhưng suốt từ năm 2009 đến 2013, không cơ quan hay viên chức nào cảnh báo hoặc ngăn chặn. Họ ai oán, chính cung cách quản lý bất nhất của các cơ quan nhà nước đẩy họ vào tù!
Mới đây, lần đầu tiên, một cơ quan truyền thông ở Việt Nam chính thức chỉ ra những điểm bất thường trong tương quan PVN – Ocean Bank. Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn, lẽ ra Ocean Bank đã chết nếu không được hà hơi, tiếp sức bằng nguồn tiền khổng lồ từ PVN. Vấn đề chưa được làm rõ là tại sao cả PVN lẫn các doanh nghiệp thành viên của PVN, các liên doanh với PVN, các đơn vị trực thuộc (Viện Dầu khí, Đại học Dầu khí,…) đều cùng chọn Ocean Bank để gửi tiền? Nếu không có chủ trương, không có chỉ đạo từ thượng tầng thì các doanh nghiệp, thành viên, các liên doanh với PVN, các đơn vị trực thuộc PVN có đồng loạt chọn Ocean Bank để gửi tiền hay không?
Nếu lời khai của ông Hà Văn Thắm và ông Nguyễn Xuân Sơn - cựu Tổng Giám đốc Ocean Bank vào thời điểm ngân hàng này chi hàng ngàn tỉ đồng cho “lãi ngoài” – là thật thì khoản tiền khổng lồ đó đã thành “lộc” của nhiều cá nhân. Tuy nhiên do chi “lãi ngoài” là giao nhận trực tiếp giữa lãnh đạo Ocean Bank với lãnh đạo các đơn vị là “khách hàng” của Ocean Bank, không có chứng từ, không có cá nhân nào nhìn nhận thành ra chẳng phải chỉ có ông Thắm, ông Sơn mà các nhân viên cao cấp của Ocean Bank cũng lãnh đủ.
***
Kết quả kiểm toán PVN năm 2011 xác định, tổng số tiền mặt của PVN là 96.014 tỉ đồng, song tổng số nợ mà PVN vay mượn các nơi vào thời điểm đó lên tới 90.728 tỉ đồng – những khoản nợ ấy dẫu được Bộ Tài chính bảo lãnh nhưng đều phải trả lãi.
Dù ghi nhận PVN đem 800 tỉ góp cho Ocean Bank và mất trắng 800 tỉ này vì Ocean Bank phá sản (Ngân hàng Nhà nước phải tiếp quản theo phương thức “mua lại với giá 0 đồng”) là “sai phạm nghiêm trọng” nhưng cả Kết luận Điều tra của Bộ Công an lẫn Cáo trạng của Viện Kiểm sát Tối cao chỉ chú trọng chuyện ông Hà Văn Thắm và ông Nguyễn Xuân Sơn “tham ô”, “lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt” 246 tỉ đồng, rồi cùng với các nhân viên cao cấp của Ocean Bank “cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, gây thiệt hại 1.500 tỉ đồng, chứ hoàn toàn không bận tâm đến chuyện ai đã nhận “lãi ngoài”.
Tương tự, các cơ quan tiến hành tố tụng cũng không hề ngó ngàng xem việc PVN góp 800 tỉ và dòng tiền chuyển dịch giữa PVN với Ocean Bank trong giai đoạn cuối thập niên 2000, đầu thập niên 2010, được ước đoán là hàng trăm ngàn tỉ liên quan thế nào đến chuyện ông Hà Văn Thắm từ thương nhân bình thường, chuyên kinh doanh vỏ xe hơi, rồi dầu ăn trở thành một trong mười người giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam suốt từ 2011 đến 2013? Ngoài ông Thắm ai hoặc những ai phải chịu trách nhiệm về hậu quả mà Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group) tạo ra không chỉ trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng mà còn tác động tới nhiều lĩnh vực khác như bất động sản, thương mại?..
Một câu hỏi khác: Bí đạo của “lãi ngoài” có phải là lý do khiến ông Nguyễn Xuân Sơn được điều chuyển từ vị trí Tổng Giám đốc Công ty Tài chính Dầu khí (PVFC) thuộc PVN sang Ocean Bank làm Tổng Giám đốc năm 2008, sau khi hoàn tất nhiệm vụ nhận và chuyển “lãi ngoài” cho những nhân vật bí ẩn, ông Sơn rời khỏi Ocean Bank, quay về PVN làm Phó Tổng Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng thành viên như một phần thưởng? Công chúng suy đoán đó là do sự sắp đặt của ông Đinh La Thăng, suy đoán ấy có thể đúng song chưa đủ vì ông Thăng không phải Thủ tướng. Chỉ Thủ tướng mới có thẩm quyền bổ nhiệm – miễn nhiệm Chủ tịch Hội đồng Thành viên PVN. Người bổ nhiệm ông Sơn làm Chủ tịch Hội đồng Thành viên PVN tháng 7 năm 2014 và cho ông Sơn thoái nhiệm vào tháng 7 năm 2015, hai ngày trước khi công an khởi tố ông Sơn là ông Nguyễn Tấn Dũng.
Nhiều cơ quan hữu trách của cả Đảng lẫn chính quyền Việt Nam từng thi nhau nhập cuộc để xác định trách nhiệm quy hoạch, bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh sau khi ông Thanh khiến Tổng Công ty Xây lắp dầu khí (PVC) thua lỗ 3.200 tỉ nhưng chưa cơ quan hữu trách nào xác định trách nhiệm quy hoạch, bổ nhiệm ông Nguyễn Xuân Sơn sau những hậu quả ông Sơn gây ra cho Ocean Bank và PVN. Chẳng lẽ việc qui hoạch, bổ nhiệm ông Sơn không đáng để bận tâm?
***
Từ năm 2000 đến nay, Việt Nam đã thực hiện ba đợt “tái cơ cấu” hệ thống ngân hàng. Đợt “tái cơ cấu” nào cũng có chuyện đóng cửa một số ngân hàng thương mại, cho ngân hàng này mua lại ngân hàng khác, hợp nhất ngân hàng thương mại cổ phần nông thôn với công ty tài chính cổ phần, chuyển ngân hàng thương mại cổ phần nông thôn thành ngân hàng thương mại cổ phần đô thị, sáp nhập các ngân hàng thương mại cổ phần vào với nhau.
Mỗi đợt tái cơ cấu lại tạo ra những đại gia mới và theo sau đó là hàng loạt đại án ngân hàng: Nguyễn Đức Kiên – Ngân hàng Á châu (ACB), Phạm Công Danh – Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB), Hà Văn Thắm – Ngân hàng Đại Dương (Ocean Bank), Trầm Bê – Ngân hàng Phương Nam (PNB) và Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). Những đại gia này kéo theo nhiều thuộc cấp vốn chỉ thực hiện mệnh lệnh của ông chủ vào tù và chỉ có thế mà thôi. Theo thời gian, thiệt hại mà các đại án ngân hàng gây ra cho kinh tế - xã hội càng ngày càng lớn và càng ngày, các đại án càng có quan hệ mật thiết với nhau.
Sau khi mua đa số cổ phần của Ngân hàng Nông thôn Hải Hưng chỉ vì “thấy thích, chứ chưa có kế hoạch gì” vào năm 2003, ông Thắm trở thành Chủ tịch Hội đồng Quản trị ngân hàng này vào năm 2004. Nhờ chủ trương “tái cơ cấu” ngân hàng, năm 2006, Ngân hàng Nông thôn Hải Hưng được chuyển từ ngân hàng khu vực nông thôn thành ngân hàng khu vực đô thị rồi xin đổi tên. Ocean Bank ra đời. Năm 2007, vốn điều lệ của Ocean Bank chỉ có 1,2 tỉ đồng nhưng đến cuối năm 2013 tăng lên thành 11.424 tỉ đồng, gấp…7.000 lần!
Theo các cơ quan tiến hành tố tụng thì năm 2012, ông Thắm dọa bà Hứa Thị Phấn – người nắm giữ 85% cổ phần của Ngân hàng Đại Tín - là sẽ bạch hóa những sai phạm của bà Phấn trong điều hành Ngân hàng Đại Tín để ép bà Phấn bán lại toàn bộ cổ phần với giá 4,5 tỉ. Có một điều mà ông Thắm không dè là nợ xấu của Ngân hàng Đại Tín quá lớn. Khi thấy bị hố, ông Thắm gạ bán Ngân hàng Đại Tín cho ông Phạm Công Danh và đòi khoản hoa hồng cho việc môi giới là 800 tỉ. Để ông Danh có thể làm chủ Ngân hàng Đại Tín, ông Thắm dùng tiền của Ocean Bank cho một công ty của ông Danh vay 500 tỉ. Mua được Ngân hàng Đại Tín, ông Danh xin đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB). VNCB vỡ nợ gây ra khoản thiệt hại 9.500 tỉ, trong đó Ocean Bank mất 500 tỉ mà ông Thắm đã cho ông Danh vay để mua Ngân hàng Đại Tín. Xử ông Danh không thể bỏ qua ông Thắm và chẳng còn cách nào khác hơn là phải bắt ông Trầm Bê vì ông Bê phải chịu trách nhiệm về việc cho ông Danh vay 1.800 tỉ sai qui định…
Năm 2016, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam loan báo, tỉ lệ nợ xấu đã giảm xuống còn 2,46% tính trên tổng số tiền mà hệ thống ngân hàng tại Việt Nam đã cho vay. Thế nhưng đến tháng 6 năm nay - một năm sau khi ông Nguyễn Tấn Dũng thôi làm Thủ tướng, ông Nguyễn Văn Bình thôi làm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, chính phủ Việt Nam thú thật, tỉ lệ nợ xấu hiện là… 17,21% tính trên tổng số tiền mà hệ thống ngân hàng tại Việt Nam đã cho vay. Tổng nợ xấu chừng… 600.000 tỉ đồng và vì các đại biểu Quốc hội được nhắc nhở rằng đó là tiền của dân nên họ lập tức thông qua “Nghị quyết về xử lý nợ xấu” (ấn định các giải pháp hỗ trợ hệ thống ngân hàng, kể cả sử dụng công quỹ để bù đắp những khoản từng cho vay, giờ gần như không thể thu hồi).
Chưa ai tính xem nợ xấu làm bao nhiêu công trình phúc lợi liên quan tới dân sinh bị đình trệ, nợ xấu tương ứng thế nào với tình trạng tận thu thuế và phí vắt kiệt sức dân. Bởi tạo ra nợ xấu, gây ra thiệt hại, các “đại gia” đã và sẽ phải trả giá bằng tự do, thậm chí bằng sinh mạng của họ, song còn trách nhiệm của những cá nhân ban hành các chủ trương, phê duyệt các quyết định, góp phần biến những cá nhân vốn hết sức bình thường thành “đại gia” tung hoành ngang dọc một thời thì sao?
Tiếp tục xí xóa như đã từng thì không chỉ không đòi lại được những khoản bị cưỡng đoạt mà trong tương lai sẽ tiếp tục mất thêm nhiều ngàn tỉ khác.