Trung Quốc đã có được RCEP. Biden sẽ đưa Mỹ trở lại TPP?

Tổng thống Donald Trump (trái) ký sắc lệnh rút Mỹ ra khỏi TPP ngay khi nhậm chức vào tháng 1/2017 và liệu Tổng thống đắc cử Joe Biden (phải) sẽ đưa Mỹ trở lại thoả thuận này như ông từng nói khi tranh cử tổng thống hồi năm ngoái?

Khi còn đang trong chiến dịch tranh cử hồi năm ngoái, ông Joe Biden nói rằng nếu được bầu là tổng thống, ông sẽ đàm phán lại hiệp định thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ ra khỏi ngay sau khi nhậm chức. Giờ đây là tổng thống đắc cử và trước việc Trung Quốc vừa ký kết hiệp định thương mại lớn nhất thế giới với khối châu Á Thái Bình Dương (RCEP), trong đó không có Mỹ, liệu ông Biden sẽ đưa Washington trở lại TPP hay gia nhập RCEP để Bắc Kinh không thể “tự do đặt ra các quy tắc thương mại cho thế kỷ 21” như ông từng nói?

Hiệp định thương mại TPP, mà nay đã trở thành CPTPP sau khi 11 quốc gia khu vực châu Á-Thái Bình Dương ký kết mà không có Mỹ, đã có thể đặt khoảng 40% nền kinh tế thế giới về phía Hoa Kỳ – so với tỷ trọng của Trung Quốc là khoảng 20% GDP toàn cầu, theo nhận định của Giáo sư Đại học Harvard Graham Allison, người từng là trợ lý bộ trưởng quốc phòng dưới thời Tổng thống Bill Clinton.

Chính phủ Tổng thống Obama đã thương thảo TPP với các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương. Dù được 12 quốc gia, trong đó có Mỹ, Nhật, Canada, Úc và Việt Nam, ký kết vào tháng 2/2016 nhưng hiệp định được kỳ vọng là lớn nhất khi gói trọn 1/3 lượng thương mại toàn cầu không được Quốc hội Mỹ thông qua trước khi ông Obama kết thúc nhiệm kỳ cuối cùng của mình.

Ngay khi nhậm chức vào tháng 1/2017, Tổng thống Trump đã lập tức rút Mỹ ra khỏi hiệp định này khiến 11 quốc gia còn lại phải tái đàm phán và ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vào tháng 3/2018.

Việc Trung Quốc có mặt trong RCEP và Mỹ không có mặt trong bất kỳ một hiệp định thương mại nào ở châu Á có nghĩa rằng các công ty của Mỹ sẽ bất lợi ở khu vực này.
Murray Hiebert, nhà nghiên cứu cấp cao của CSIS


Ông Biden, người ủng hộ mạnh mẽ TPP khi là phó Tổng thống dưới thời ông Obama, từng nói trong một buổi tranh luận với các đối thủ tranh cử tổng thống của đảng Dân chủ hồi tháng 1/2019 rằng ông sẽ đàm phán lại TPP nếu trở thành tổng thống.

“Hoặc là Trung Quốc sẽ đặt ra các quy tắc thương mại của thế kỷ 21 hoặc là chúng ta sẽ làm điều đó,” ông Biden nói trong buổi tranh luận ở Detroit.

Cũng trong thời gian tranh cử vào năm ngoái, ông Biden nói với trung tâm nghiên cứu Council on Foreign Relations rằng dù TPP không phải là một hiệp định hoàn hảo, nhưng nó là một phương thức tốt cho các quốc gia cùng tập hợp lại “để kiềm chế sự thái quá của Trung Quốc.”

Cạnh tranh Mỹ-Trung

Kể từ sau khi Mỹ rút khỏi TPP, Trung Quốc đã quyết tâm hơn trong việc hoàn thành một hiệp định cạnh tranh có tên RCEP. Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này đã cùng 14 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, ký kết RCEP, hiện là hiệp định thương mại lớn nhất thế giới khi bao phủ 1/3 dân số và GDP toàn cầu, tại Hà Nội qua hình thức trực tuyến hôm 15/11 sau 8 năm đàm phán.

Việc thương thảo RCEP – hiệp định của khối 10 quốc gia ASEAN và 5 nước khác trong khu vực Thái Bình Dương gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Úc, Nhật và New Zealand – được bắt đầu vào năm 2013 trong khi các cuộc thương lượng của TPP đang được tiến hành. Do sự vắng mặt của Trung Quốc trong hiệp định TPP mà Mỹ là nước dẫn đầu, nhiều nhà quan sát cho rằng RCEP là một phương thức để Bắc Kinh đối trọng sự ảnh hưởng của Hoa Kỳ ở châu Á-Thái Bình Dương.

Hoàn toàn có khả năng là Chính quyền Biden sẽ xem xét Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương. Phiên bản gốc của hiệp định này, TPP, đã được thay đổi để mở ngỏ những khả năng cho việc giải quyết những quan ngại của Hoa Kỳ trong trường hợp Mỹ quyết định tham gia trở lại.
Carl Thayer, Giáo sư Đại học New South Wales


Việc hiệp định thương mại do Trung Quốc hậu thuẫn này được ký kết sẽ là một sự bất lợi cho ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, theo ông Murray Hiebert, thành viên cao cấp của Chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ ở Washington.

“Việc Trung Quốc có mặt trong RCEP và Mỹ không có mặt trong bất kỳ một hiệp định thương mại nào ở châu Á có nghĩa rằng các công ty của Mỹ sẽ bất lợi ở khu vực này,” ông Hiebert nói với VOA. “Các công ty của Mỹ sẽ phải trả thuế cao hơn khi bán hàng cho Trung Quốc so với các nước cạnh tranh khác (là thành viên RCEP) như Nhật và Úc do đó (các công ty Mỹ) có thể sẽ mất đi thị trường.”

Nhà nghiên cứu của CSIS còn cho rằng Trung Quốc cũng sẽ có mặt khi các quốc gia châu Á đặt ra các luật lệ thương mại mà có thể “làm cho các công ty của Mỹ bị bỏ lại xa ở phía sau.”

Các chuyên gia đều cho rằng RCEP là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy cả sức mạnh của Trung Quốc và ảnh hưởng đang suy yếu của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Theo tạp chí Time, các nhà quan sát đều lưu ý rằng ngay cả các đồng minh trong hiệp ước của Mỹ, như Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc, cũng chuyển sang thương lượng với Trung Quốc khi không có giải pháp thay thế.

Biden và TPP

“Khi việc hội nhập kinh tế ở châu Á có sự tham gia của Trung Quốc tiến triển theo RCEP, nó có thể thúc đẩy và tạo thêm áp lực khiến ông Biden nghĩ rằng Mỹ cần quay trở lại TPP,” Keisuke Hanyuda, CEO của tập đoàn Owls Consulting Group Inc. và là cựu quan chức bộ Thương mại Nhật Bản tham gia đàm phán TPP nói với Japan Times.

Chính quyền của ông (Biden) sẽ phải cân bằng lợi ích trong nước và tái đàm phán TPP theo cách tương tự với phiên bản ban đầu
Graham Allison, Giáo sư Đại học Harvard


Anh đang có nguyện vọng muốn gia nhập CPTPP – phiên bản mới của TPP – với sự ủng hộ của Việt Nam và Nhật Bản, và điều này, theo các giới chức Nhật Bản, có thể làm “tăng sự hấp dẫn” đối với chính quyền Biden, được cho là muốn hợp tác với các đồng minh để gây sức ép lên Trung Quốc.

Theo Japan Times, Nhật Bản đang hy vọng việc RCEP được ký kết sẽ thúc đẩy Mỹ quay trở lại một khuôn khổ thương mại đa quốc gia mặc dù việc trở lại của Washington là không dễ dàng vì nó đòi hỏi sự ủng hộ của cả Đảng Cộng hoà và Đảng Dân chủ.

“Hoàn toàn có khả năng là Chính quyền Biden sẽ xem xét Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương,” Giáo sư Carl Thayer của Đại học New South Wales nói với VOA. “Phiên bản gốc của hiệp định này, TPP, đã được thay đổi để mở ngỏ những khả năng cho việc giải quyết những quan ngại của Hoa Kỳ trong trường hợp Mỹ quyết định tham gia trở lại.”

Tuy nhiên, vị giáo sư người Mỹ đang sống ở Úc và chuyên theo dõi các vấn đề khu vực, không cho rằng Chính quyền Biden có thể gia nhập CPTPP vì hai lý do mà ông đưa ra.

“Trước hết, một Thượng viện do đảng Cộng hoà thống trị nhiều khả năng sẽ không thông qua hiệp ước thương mại này,” GS Thayer nói. “Thứ hai, các thành viên đảng Dân chủ bị chia rẽ về vấn đề hiệp định thương mại đa phương và sẽ không muốn làm bùng lên vấn đề có khả năng gây ra sự bất đồng.”

Theo GS Thayer, Chính quyền Biden nhiều khả năng sẽ tìm cách thương lượng song phương để cải thiện các điều khoản thương mại với từng nước cụ thể.

Nhận định về khả năng của Chính quyền Biden trong việc đưa Mỹ quay trở lại hiệp định thương mại với khu vực châu Á-Thái Bình Dương, GS Allison cho rằng đây sẽ là một “thách thức khó khăn” nhưng là một điều mà Tổng thống đắc cử Biden “sẽ quan tâm tới.”

“Chính quyền của ông ấy sẽ phải cân bằng lợi ích trong nước và tái đàm phán TPP theo cách tương tự với phiên bản ban đầu,” GS Đại học Harvard nói.

Những loại thuế quan mà Mỹ áp lên Trung Quốc không làm “thay đổi Trung Quốc” nhưng “tái gia nhập hiệp định thương mại Thái Bình Dương sẽ có thể làm được điều đó.”
Wendy Cutler, Phó Chủ tịch và Giám đốc điều hành Asia Society


TPP đã không được Quốc hội Mỹ thông qua sau khi có sự bất đồng ý kiến từ cả các thành viên đảng Dân chủ và Cộng hoà về sự cạnh tranh của các doanh nghiệp Mỹ với các đối thủ nước ngoài trong hiệp định này.

Theo nhà nghiên cứu Hiebert của CSIS, nhiều thành viên của cả hai đảng của Quốc hội Mỹ có cái nhìn tiêu cực về những thoả thuận thương mại đa phương và ông Biden “sẽ phải rất khó khăn để có thể có được sự ủng hộ của quốc hội đối với một hiệp định thương mại như vậy.”

RCEP là “một hồi chuông thức tỉnh nữa cho nước Mỹ” về cuộc cạnh tranh thương mại, theo Phó Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Asia Society, Wendy Cutler. Cựu quan chức về thương mại của chính phủ Mỹ cho rằng những loại thuế quan mà Mỹ áp lên Trung Quốc, đặc biệt từ cuộc chiến thương mại do chính quyền Trump khởi xướng từ 2018 chống lại Bắc Kinh, không làm “thay đổi Trung Quốc” nhưng “tái gia nhập hiệp định thương mại Thái Bình Dương sẽ có thể làm được điều đó.” Cùng nhận định trên, nhà nghiên cứu Hiebert của CSIS cho rằng với việc Mỹ có mặt trong TPP, cùng với Nhật, Úc, Singapore, Việt Nam và những nước khác, Trung Quốc “sẽ cảm thấy bị áp lực hơn từ một liên minh của các quốc gia, chứ không chỉ một mình Washington, cùng chống lại (Bắc Kinh).”

Ông Biden, người tuyên bố thắng cử tổng thống Mỹ hôm 7/11, không cho biết liệu ông sẽ tái gia nhập hiệp định này hay không trong một buổi họp báo hôm 16/11 ở Delaware, nhưng vị tổng thống đắc cử nói sẽ công bố một kế hoạch chi tiết vào ngày 21/1 năm sau, tức 1 ngày sau lễ nhậm chức tổng thống. Tại cuộc họp báo này, ông nhấn mạnh rằng, Hoa Kỳ cần phải cùng kết hợp với các nền dân chủ khác để cùng họ, chứ không phải Trung Quốc, có thể đặt ra những luật lệ về thương mại.