Các lãnh đạo khu vực châu Á-Thái Bình Dương hôm 19/11 kêu gọi thương mại tự do và đa phương để hỗ trợ một nền kinh tế toàn cầu bị tàn phá vì virus corona chủng mới, một số hy vọng Hoa Kỳ sẽ tham gia tích cực hơn dưới một chính quyền do Joe Biden lãnh đạo.
Có mặt trong một hội nghị trực tuyến quy tụ 21 thành viên của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bác bỏ chủ nghĩa bảo hộ, nói rằng toàn cầu hóa là “không thể lật ngược được”, một ngày trước khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tham gia hội nghị.
“Chúng ta sẽ không lật ngược hoặc đi ngược lại xu hướng lịch sử bằng cách ‘tách riêng’ hoặc thành lập một nhóm nhỏ để loại những bên khác ra”, ông Tập nói trước khi diễn đàn sẽ diễn ra trực tuyến từ Kuala Lumpur vào thứ Sáu 19/11.
Ông Tập nói: “Chủ nghĩa đơn phương, bảo hộ, bắt nạt cũng như kháng cự đối với toàn cầu hóa kinh tế đã làm tăng rủi ro và bất định trong nền kinh tế toàn cầu”.
Tổng thống Trump đã đề ra những chính sách bảo hộ mậu dịch từ khi ông lên nắm quyền năm 2017, kể cả tăng thuế quan đánh vào hàng tỉ đôla hàng hóa Trung Quốc, việc này đã phát động cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Hội nghị thượng đỉnh quy tụ các lãnh đạo APEC diễn ra giữa lúc các nền kinh tế thế giới đang tìm cách hồi phục sau tác động của đại dịch Covid-19 và vài ngày sau khi ông Trump thất bại trong cuộc bầu cử để giành thêm một nhiệm kỳ tổng thống thứ nhì.
Ông Trump vẫn chưa công nhận thất cử để bắt đầu chuyển tiếp sang một chính quyền do Tổng thống tân cử Joe Biden đứng đầu.
Dự kiến ông Trump sẽ đại diện cho Hoa Kỳ tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến trong ngày thứ Sáu 20/11, một giới chức Mỹ cho biết. Đây sẽ là lần đầu tiên ông Trump tham gia hội nghị thượng đỉnh APEC tính từ năm 2017, lần duy nhất ông có mặt tại diễn đàn này.
Ông Biden đã ra dấu hiệu sẽ quay lại với chủ nghĩa đa phương mà nhiệm kỳ Tổng thống Obama theo đuổi trước đây, mặc dù vẫn còn nghi vấn về liệu tân Tổng thống Mỹ có sẽ lật ngược các chính sách thời Trump hay không.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nói tại diễn đàn APEC rằng ông dự báo chính quyền Biden sẽ có nhiều giới chức theo chủ nghĩa đa phương hơn.
“Tôi tin rằng họ sẽ ủng hộ WTO và APEC nhiều hơn. Tôi không chắc họ có sẽ hăng hái mở rộng cửa, hay gia nhập CPTPP hay không, vì quyết định đó còn tùy thuộc vào các vấn đề chính trị trong nước”, Thủ tướng Lý Hiển Long nói.
Chính sách “Nước Mỹ trên hết” của ông Trump khiến Hoa Kỳ rút ra khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào năm 2017. Từ đó các thành viên còn lại đã đổi tên thành Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Hoa Kỳ không có chân trong Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) - thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới do Trung Quốc dẫn đầu, vừa được ký kết vào tuần trước.
Thủ tướng Singapore còn nói các chính sách thương mại của Mỹ dưới thời Trump đã làm trì chậm tiến bộ của khối APEC trong mấy năm gần đây. Tại hội nghị APEC năm 2018, các nước thành viên không đưa ra một thông cáo chung, lần đầu tiên trong lịch sử của khối, giữa lúc Hoa Kỳ và Trung Quốc đối đầu nhau trong các đàm phán về thương mại và đầu tư.
Thủ tướng Malaysia Muhyidin Yassin nói các nước APEC đang làm việc hướng tới viễn kiến “hậu 2020”, và ông nhấn mạnh rằng thương mại tự do đa phương là điều kiện thiết yếu để hồi phục kinh tế.