Sau khi một cựu thủ lĩnh sinh viên trong cuộc biểu tình lịch sử ở Quảng trường Thiên An Môn bước vào một cuộc tranh cử quốc hội ở New York năm 2022, một đặc vụ tình báo Trung Quốc ngay lập tức thuê một thám tử tư để truy tìm xem ông ta có bất kỳ nhân tình nào hay bất kỳ vấn đề gì về thuế để loại bỏ việc tranh cử của ông ấy, các công tố viên cho biết.
“Cuối cùng,” đặc vụ Trung Quốc bảo thám tử tư đó rằng sử dụng “bạo lực cũng được.”
Khi một nhà báo kiêm nhà hoạt động người Iran sống lưu vong ở Hoa Kỳ lên tiếng chỉ trích việc Iran vi phạm nhân quyền, Tehran chăm chú dõi theo. Theo Bộ Tư pháp Mỹ, các thành viên của một băng nhóm tội phạm có tổ chức ở Đông Âu đã theo dõi tư gia của ký giả này ở Brooklyn và âm mưu sát hại bà trong một kế hoạch ‘đâm thuê giết mướn’ do Iran chỉ đạo. Bộ Tư pháp Mỹ đã triệt phá âm mưu này và truy tố hình sự.
Các vụ việc này phản ánh các biện pháp cực đoan mà các quốc gia như Trung Quốc và Iran thực hiện nhằm đe dọa, quấy rối và đôi khi âm mưu tấn công các đối thủ chính trị và các nhà hoạt động sống ở Hoa Kỳ. Chúng cho thấy những hậu quả đáng sợ mà căng thẳng địa chính trị có thể gây ra đối với thường dân khi các chính phủ vốn thường không dung chấp bất đồng chính kiến bên trong biên giới của họ đang ngày càng theo dõi chặt chẽ những người lên tiếng chỉ trích cách xa hàng ngàn dặm.
Nhà báo Iran Masih Alinejad nói trong một cuộc phỏng vấn: “Chúng tôi không sống trong sợ hãi, chúng tôi không sống trong hoang tưởng, nhưng thực tế rất rõ ràng – rằng Cộng hòa Hồi giáo Iran muốn chúng tôi chết và chúng tôi phải cảnh giác mỗi ngày”.
Vấn đề này đã thu hút sự chú ý của Bộ Tư pháp Mỹ, cơ quan trong 5 năm qua đã buộc tội hàng chục nghi phạm về hành vi đàn áp xuyên quốc gia. Các quan chức cấp cao của FBI nói với hãng tin AP rằng các chiến thuật này ngày càng tinh vi hơn, bao gồm cả việc thuê các điều tra viên tư nhân và các thủ lĩnh tội phạm có tổ chức, và rằng các quốc gia sẵn sàng vượt qua “ranh giới đỏ nghiêm trọng” từ quấy rối sang bạo lực khi họ tìm cách phô trương quyền lực ở nước ngoài và dập tắt bất đồng chính kiến.
Các quan chức cho biết, các đối thủ nước ngoài đang ngày càng ưu tiên các chiến dịch đe dọa được tài trợ dồi dào cho các cơ quan tình báo của họ và nhiều quốc gia hơn - bao gồm cả một số quốc gia không được coi là có truyền thống đối địch với Mỹ - đã nhắm mục tiêu vào những người chỉ trích ở Mỹ và các nơi khác ở phương Tây, các giới chức nói với điều kiện giấu tên khi thảo luận về cuộc điều tra của họ.
Chẳng hạn, Bộ Tư pháp Mỹ đã công bố một âm mưu bị phá vỡ vào tháng 11 năm ngoái nhằm giết một nhà hoạt động theo đạo Sikh ở New York mà các quan chức cho biết do một quan chức chính phủ Ấn Độ chỉ đạo. Còn Rwanda đã bắt giữ ông Paul Rusesabagina trong vụ “Khách sạn Rwanda” và đưa về nước trước khi thả ông trở lại Mỹ vào năm ngoái. Trong khi đó, Ả Rập Xê Út thì quấy rối những người chỉ trích trực tuyến và trực tiếp.
Phụ tá Bộ trưởng Tư pháp Matthew Olsen, quan chức an ninh quốc gia hàng đầu của Bộ Tư pháp, nói: “Đây là một ưu tiên lớn đối với chúng tôi”, đồng thời mô tả “sự gia tăng đáng báo động” về hành vi quấy rối do chính phủ chỉ đạo.
Ông cho biết việc truy tố không chỉ nhằm buộc những kẻ quấy rối phải chịu trách nhiệm mà còn gửi một thông điệp rằng các hành động này “không thể chấp nhận được từ góc độ chủ quyền của Hoa Kỳ và bảo vệ các giá trị của Hoa Kỳ - các giá trị xung quanh quyền tự do ngôn luận và tự do hội họp”.
Các quốc gia khác cũng có các trường hợp tương tự tăng đột biến.
Một báo cáo tháng 4 của Tổ chức Phóng viên Không Biên giới đã gọi London là “điểm nóng” về các cuộc tấn công của Iran nhắm vào các phóng viên nói tiếng Ba Tư, trong khi cảnh sát chống khủng bố của Anh đang điều tra vụ tấn công một tháng trước đó nhắm vào một người dẫn chương trình truyền hình Iran bên ngoài tư gia của ông ở London.
Tại Anh và các nơi khác ở châu Âu, các vụ quấy rối và tấn công nhắm vào người Nga, bao gồm cả một nhà báo lâm bệnh do nghi ngờ bị đầu độc ở Đức, từ lâu được quy trách nhiệm cho các cơ quan tình báo Nga bất chấp sự phủ nhận từ Moscow.
Ở Mỹ, xu hướng này càng đáng lo ngại hơn vì mối quan hệ ngày càng xấu đi với Iran và căng thẳng với Trung Quốc về mọi thứ, từ thương mại, ăn cắp tài sản trí tuệ đến can thiệp bầu cử. Và các công nghệ mới nổi như AI được tạo ra có thể sẽ bị khai thác để quấy rối trong tương lai, các quan chức tình báo Mỹ cho biết trong một đánh giá về mối đe dọa gần đây.
Ông Olsen nói: “Đàn áp xuyên quốc gia là biểu hiện của cuộc xung đột rộng lớn hơn giữa các chế độ độc tài và các nước dân chủ”. “Đó là một chủ đề nhất quán về cách thế giới đang thay đổi từ quan điểm địa chính trị trong thập niên qua.”
‘Tôi không thực sự cảm thấy an toàn’
Các quan chức và những người ủng hộ cho biết, hai trong số những thủ phạm hàng đầu là Trung Quốc và Iran.
Email gửi tới phái đoàn Iran tại Liên hiệp quốc đã không được trả lời. Phát ngôn viên của Tòa đại sứ Trung Quốc tại Washington phản bác việc Bắc Kinh tham gia vào hoạt động này, nói trong một tuyên bố rằng chính phủ Trung Quốc “tuân thủ nghiêm ngặt luật pháp quốc tế và hoàn toàn tôn trọng chủ quyền thực thi pháp luật của các nước khác”.
Tuyên bố nói: “Chúng tôi kiên quyết phản đối ‘cánh tay tài phán kéo dài’.”
Tuy nhiên, các quan chức Mỹ cho biết Trung Quốc đã tạo ra một chương trình để thực hiện chính xác điều đó, phát động “Chiến dịch Săn Cáo” để truy tìm những người Trung Quốc ở nước ngoài bị Bắc Kinh truy nã, với mục tiêu ép buộc họ quay về nước để truy tố.
Một cựu quan chức chính quyền thành phố Trung Quốc sống ở New Jersey tìm thấy một tờ giấy ghi chữ Trung Quốc dán trước cửa nhà ông có nội dung: “Nếu ông sẵn lòng quay trở lại Hoa lục và ngồi tù 10 năm thì vợ con ông sẽ được yên ổn. Chuyện này đến đó là kết thúc,” theo một vụ án của Bộ Tư pháp năm 2020 truy tố một nhóm đặc vụ Trung Quốc và một điều tra viên tư nhân người Mỹ.
Hầu hết các bị cáo bị buộc tội trong các âm mưu đàn áp xuyên quốc gia đều sống ở quê hương của họ khiến việc bắt giữ và truy tố khó diễn ra. Tuy nhiên, vụ án cụ thể vừa kể đã dẫn đến việc kết án vào năm ngoái đối với thám tử tư và hai công dân Trung Quốc sống ở Mỹ.
Ông Bob Fu là một mục sư Tin lành người Mỹ gốc Hoa. Tổ chức ChinaAid của ông ủng hộ tự do tôn giáo ở Trung Quốc. Ông nói ông đã phải chịu đựng các chiến dịch quấy rối trên diện rộng trong nhiều năm. Những đám đông biểu tình đã tụ tập nhiều ngày liền bên ngoài tư gia của ông ở phía tây Texas, dẫn đến các hành động phối hợp chặt chẽ mà ông tin rằng có thể có liên quan đến chính phủ Trung Quốc.
Việc đặt phòng khách sạn giả mạo đã được thực hiện dưới tên ông, cùng với những báo cáo bịa đặt với cảnh sát về đe dọa đánh bom nói rằng ông định kích nổ chất nổ. Những tờ rơi mô tả ông là ác quỷ đã được phân phát cho hàng xóm. Ông nói rằng ông đã học được cách đề phòng khi đi du lịch, bao gồm cả việc yêu cầu nhân viên của ông không đăng trước hành trình của ông, và dọn sang chỗ ở khác.
Ông Fu nói với AP: “Tôi thực sự không cảm thấy an toàn. Khi nói đến việc trở về Trung Quốc, nơi ông lớn lên và rời bỏ hơn 25 năm trước với tư cách là một người tị nạn tôn giáo, ông nói: “Tôi có thể quay trở lại, nhưng đó là tấm vé một chiều. Tôi chắc chắn mình nằm trong danh sách truy nã của họ.”
Ông Wu Jianmin, cựu lãnh đạo sinh viên trong phong trào ủng hộ dân chủ năm 1989 của Trung Quốc, đã bị một nhóm người biểu tình nhắm đến vào năm 2020 bên ngoài tư gia ở Irvine, California. Sự quấy rối kéo dài hơn hai tháng.
“Họ hô khẩu hiệu bên ngoài nhà tôi và lăng mạ tôi bằng lời nói,” ông nói. “Họ diễn hành trong khu phố, phân phát đủ loại hình ảnh và tờ rơi rồi bỏ vào hộp thư của hàng xóm.”
Ông Wu tin rằng thủ phạm của các âm mưu quấy rối bao gồm các đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc đã nghỉ hưu sống ở Mỹ, con cái của họ, thành viên của các hiệp hội Trung Quốc có liên hệ chặt chẽ với chính phủ Trung Quốc và thậm chí là cả những kẻ chạy trốn đang tìm kiếm sự mặc cả với Bắc Kinh.
“Mục tiêu cuối cùng là như nhau,” ông Wu nói trong một cuộc phỏng vấn. “Nhiệm vụ của họ, theo sự phân công của Đảng Cộng sản, là đàn áp các nhà hoạt động dân chủ ở nước ngoài.”
Năm ngoái, Bộ Tư pháp Mỹ buộc tội khoảng ba chục nhân viên trong lực lượng cảnh sát quốc gia Trung Quốc sử dụng mạng xã hội để nhắm mục tiêu vào những người bất đồng chính kiến ở Hoa Kỳ, bao gồm cả việc tạo các tài khoản giả để chia sẻ video và bình luận quấy rối, đồng thời bắt giữ hai người đàn ông mà họ cho rằng đã giúp thành lập một đồn cảnh sát bí mật ở khu phố Tàu của Manhattan thay mặt cho chính phủ Trung Quốc.
Năm trước, các công tố viên liên bang ở New York đã tiết lộ một loạt âm mưu trên phạm vi rộng nhằm bịt miệng những người bất đồng chính kiến, chẳng hạn như kế hoạch đào bới thông tin bẩn về một ứng cử viên quốc hội ít được biết đến và cuối cùng không thành công.
Các mục tiêu khác bao gồm vận động viên trượt băng nghệ thuật người Mỹ Alysa Liu và cha cô, Arthur, một người tị nạn chính trị mà các công tố viên cho biết đã bị một người đàn ông đóng giả là thành viên ủy ban Thế vận hội theo dõi và yêu cầu họ cung cấp thông tin hộ chiếu.
Một tác phẩm điêu khắc do một nghệ sĩ bất đồng chính kiến ở California tạo ra mô tả virus corona với khuôn mặt của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng bị tháo dỡ và đốt thành tro.
“Chúng ta không nên ảo tưởng rằng đây là những kẻ lừa đảo hoặc những người không liên kết với chính phủ Trung Quốc,” Dân biểu Raja Krishnamoorthi của Illinois, đảng viên Đảng Dân chủ hàng đầu trong một ủy ban của Hạ viện Mỹ chuyên trách về Trung Quốc, nói về các đặc vụ Trung Quốc đã bị buộc tội.
‘Cắt đầu ông ta’
Đôi khi bạo lực đã được lên kế hoạch để đáp lại các sự kiện trên thế giới.
Các công tố viên vào năm 2022 đã buộc tội một đặc vụ Iran trả 300.000 đô la để “loại bỏ” cố vấn an ninh quốc gia John Bolton của chính quyền ông Trump để trả thù cho cuộc không kích giết chết vị tướng quyền lực nhất của Iran.
Một mối đe dọa mới của Tehran đã được tiết lộ trong năm nay khi Bộ Tư pháp Mỹ buộc tội một người Iran mà các quan chức xác định là kẻ buôn bán ma túy kiêm tình báo cũng như hai người Canada – một người là thành viên “chính thức” của băng đảng mô tô Hells Angels – trong một âm mưu giết mướn nhắm vào hai người Iran đã trốn khỏi đất nước và đang sống ở Maryland.
“Chúng ta phải cắt đầu ông ấy,” một trong những người Canada được thuê đã nói như vậy, theo cáo giác, trước khi âm mưu bị phá vỡ.
Bà Alinejad, nhà báo người Iran, đã trở thành mục tiêu ngay cả trước khi âm mưu giết mướn bị Bộ Tư pháp công khai vào năm ngoái. Các công tố viên vào năm 2021 đã buộc tội một nhóm người Iran được cho là đang làm việc theo lệnh của cơ quan tình báo nước này với kế hoạch bắt cóc bà.
Bà Alinejad vẫn là một nhà báo nổi tiếng và là một nhà hoạt động đối lập mạnh mẽ. Bà nói rằng bà quyết tâm tiếp tục lên tiếng, kể cả tại buổi tuyên án năm ngoái đối với một phụ nữ mà các công tố viên cho rằng đã vô tình tài trợ cho âm mưu bắt cóc bà.
Nhưng các chi tiết của âm mưu vẫn in sâu trong tâm trí bà. Các vụ án hình sự này đã vạch trần mức độ nghiêm trọng của mối đe dọa mà bà phải đối mặt cũng như sự theo dõi chặt chẽ và những bước chuẩn bị khủng khiếp có liên quan, bao gồm cả việc nghiên cứu cách đưa bà Alinejad ra khỏi New York trên một chiếc tàu cao tốc kiểu quân sự và thảo luận về những chiêu dụ để đưa bà ra khỏi nhà - chẳng hạn như xin hoa từ khu vườn bên ngoài.
Một trong những bị cáo trong âm mưu giết mướn đã bị bắt vào năm 2022 sau khi ông ta bị phát hiện đang lái xe quanh khu phố Brooklyn mà bà Alinejad sinh sống với một khẩu súng trường đã nạp đạn và nhiều băng đạn. Một nghi phạm khác đã bị dẫn độ từ Cộng hòa Czech vào tháng 2 năm nay để đối mặt với cáo buộc. Hai người khác cũng đã bị bắt giữ.
FBI đã phá vỡ âm mưu nhưng cũng khuyến khích bà Alinejad dời đi chỗ khác, điều mà bà đã làm.
Bà Alinejad nói: “Họ không giết tôi về mặt thể xác, nhưng họ đã giết chết mối quan hệ của tôi với khu vườn của tôi, với những người hàng xóm của tôi”.