'Trung Quốc phải tránh dùng vũ khí thương mại trong tranh chấp lãnh hải'

Xe tải chở hàng tại cửa khẩu Tân Thanh để vào Trung Quốc từ tỉnh Lạng Sơn, Việt Nam (D. Schearf / VOA)

Việt Nam nói Trung Quốc nên tránh dùng vũ khí thương mại trong các tranh chấp chủ quyền lãnh hải theo kiểu những căng thẳng ngoại giao hồi gần đây dẫn đến việc xuất khẩu của Nhật Bản vào Trung Quốc giảm mạnh khi người tiêu dùng Trung Quốc tẩy chay hàng hóa Nhật.

Hãng tin Blommberg hôm thứ hai trích lời Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Quang Vinh nói rằng “Sức mạnh kinh tế không nên áp dụng vào việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ,” các tranh chấp đó nên được giải quyết thông qua luật pháp quốc tế.

Trong cuộc phỏng vấn hôm 28 tháng 11, Thứ trưởng Vinh nói rằng ông “theo dõi sát” diễn tiến các mâu thuẫn của Nhật Bản với Trung Quốc.

Hồi tháng trước, Nhật Bản cho hay mức xuất khẩu vào Trung Quốc giảm 12%.

Bloomberg nói việc Trung Quốc nổi lên thành thị trường xuất khẩu quan trọng của Nhật Bản và Nam Triều Tiên đã trở thành một chiếc đòn bẩy để Bắc Kinh đẩy mạnh tuyên bố chủ quyền vùng biển đảo tranh chấp Senkaku hay Ðiếu Ngư ở Biển Ðông Trung Hoa, nơi được cho là có trữ lượng dầu khí dồi dào.

Các giới chức Việt Nam dự kiến sẽ họp với các nước láng giềng Ðông Nam Á vào ngày 12 tháng này để tìm cách giải quyết các mâu thuẫn với Trung Quốc.

Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh nói rằng Việt Nam mở ngỏ khả năng hợp tác khai thác dầu khí tại các khu vực Việt Nam tuyên bố chủ quyền và những khu vực đó nằm ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Ông Vinh nói rằng Việt Nam “không thể chấp nhận” bất cứ hành động nào của Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc khai thác tài nguyên trong các khu vực đang trong vòng tranh chấp chủ quyền chồng chéo. Theo Công ước Liên hiệp quốc về luật biển, một vùng đặc quyền kinh tế của một nước là một khu vực trải dài 200 hải lý từ đường bờ biển của nước đó.

“Việt Nam nhạy bén nhận thức được nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực như thế nào từ mối đe dọa của Trung Quốc.”
Giáo sư Jonanthan London, Ðại học City University của Hong Kong
Nói về việc Việt Nam không đóng dấu visa lên hộ chiếu có in bản đồ “lưỡi bò” của Trung Quốc mà thay vào đó cấp visa rời, Thứ trưởng Vinh nói rằng “đó chỉ là một giải pháp tạm thời, giải pháp dài hạn là không công nhận đường 9 đoạn trên bản đồ in chìm trong trang hộ chiếu của Trung Quốc.”

Giáo sư Jonanthan London ở Ðại học City University of Hong Kong phân tích rằng “Việt Nam nhạy bén nhận thức được nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực như thế nào từ mối đe dọa của Trung Quốc.”

Học giả này nhận định rằng Việt Nam và Philippines đang tích cực hình thành một nhóm nhỏ hơn gồm các quốc gia trong khu vực có chung thái độ về các tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc – cho dù động thái đó có thể hay không thể kết hợp được với chiếc lược trục xoáy châu Á của Hoa Kỳ và sự cảnh giác ngày càng tăng của Nhật Bản trước ý đồ bành trướng chủ quyền lãnh hải của Trung Quốc thì phải còn chờ thêm thời gian.

Trung Quốc là đối tác kinh tế lớn nhất của Việt Nam trong năm 2011, với kim ngạch thương mại song phương lên đến 36 tỉ đôla (chưa tính kim ngạch thương mại với Hồng Kông), tăng 9 tỉ đôla so với năm trước đó.

Tuy nhiên không phải tất cả các láng giềng của Trung Quốc đồng ý với lo ngại của Việt Nam về việc Trung Quốc sử dụng sức mạnh thương mại làm vũ khí trong chính sách đối ngoại. Ngoại trưởng Ấn Ðộ Salman Khurshid nói rằng Bắc Kinh sử dụng tiềm lực kinh tế để thúc đẩy các mục tiêu của họ tại châu Á có thể chấp nhận được miễn là họ đứng phá vỡ luật lệ.

Ngoại trưởng Khurshid nói “Chúng ta cũng sử dụng sức mạnh kinh tế của chúng ta vậy. Sức mạnh kinh tế để làm gì mà không sử dụng để mang lại lợi thế cho nhân dân của nước mình, nhưng miễn là cách vận dụng hợp lệ, không vi phạm luật quốc tế.”

http://www.youtube-nocookie.com/embed/1flczTwPR9k?rel=0