Bộ Thương mại Trung Quốc mới đây đã gây xôn xao trong dư luận khi họ công khai thừa nhận là đầu tư của Trung Quốc ở Phi châu đã giảm 40% trong nửa đầu năm nay. Một số người cho rằng sự sút giảm mạnh này là một dấu hiệu của những tác động rộng lớn hơn của việc tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc bị chậm lại. Tuy nhiên, những người khác cho rằng việc này có liên hệ tới sự thay đổi trong chiến lược đầu tư của Trung Quốc ở Phi châu.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể làm rõ vấn đề là phải chăng chiến lược đầu tư ra nước ngoài của Bắc Kinh đã bắt đầu thay đổi khi ông đến dự hội nghị của Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - Phi châu tại Johannesburg vào ngày 4 và ngày 5/12 tới đây.
Các nhà phân tích cho rằng các quốc gia và doanh nghiệp Tây phương có thể nhân cơ hội này để giành lại phần nào những lợi ích ở Phi châu mà họ đã để mất vào tay Trung Quốc trong những năm gần đây.
Ông Graham Robinson, Giám đốc công ty tư vấn Global Construction Perspectives ở London, nhận định: “Nhu cầu của Trung Quốc đang thay đổi. Trong quá khứ, họ muốn đầu tư vào khu vực tài nguyên thiên nhiên, nhưng bây giờ họ muốn đầu tư vào công nghệ và những sản phẩm đổi mới, cũng như đầu tư vào các thị trường trưởng thành. Đây không phải là giảm thiểu đầu tư trực tiếp nước ngoài”.
Các nhà phân tích cho rằng sự giảm mạnh của những khoản tiền đầu tư vào Phi châu phản ánh tác động rộng lớn hơn của sự tăng trưởng bị chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc. Họ nói rằng có một sự thật đơn giản là nhu cầu hiện nay của Trung Quốc về tài nguyên thiên nhiên, trong đó có những khoáng sản sản xuất ở Phi châu, đã thấp hơn rất nhiều so với trước đây.
Bà Deborah Brautigam, Giám đốc Viện nghiên cứu Trung Quốc - Phi châu của Đại học Johns Hopkins, nói: “Đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc đã giảm đi bởi vì khu vực đầu tư chính của họ là khoáng sản và dầu lửa, và giá cả của những mặt hàng này đã giảm mạnh. Điều này có nghĩa là những dự án FDI với kinh phí lớn có phần chắc sẽ bị đình hoãn cho tới khi giá cả gia tăng trở lại và tính chất khả thi của dự án được phục hồi”.
Trong kế hoạch ngũ niên mới của Trung Quốc, giới hữu trách Bắc Kinh đã chọn một đường lối phát triển mới để tập trung nhiều hơn vào khu vực dịch vụ, và giảm thiểu sự lệ thuộc vào công nghiệp nặng, một khu vực sử dụng nhiều tài nguyên thiên nhiên và tạo ra nhiều khí thải carbon.
Ông Robert Lawrence Kuhn, một nhà tư vấn doanh nghiệp, nhận định như sau về những sư thay đổi này:
“Có một số xu thế bất lợi cho Phi châu trong tư cách là điểm đến đầu tư của các công ty Trung Quốc. Nhưng Trung Quốc sẽ tiếp tục giữ vững cam kết đối với Phi châu và tiếp tục hỗ trợ cho các dự án ở những nước Phi châu”.
Ông Kuhn cho biết Trung Quốc chú trọng tới việc gia tăng ảnh hưởng tại các nước vì châu lục này có đông hội viên tại Liên Hiệp Quốc và mối quan hệ đã có từ nửa thế kỷ nay giữa Bắc Kinh với Phi châu.
Ông Kuhn tin là Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ loan báo một dự án mới về cơ sở hạ tầng tại hội nghị sắp tới ở Nam Phi. Ông nói: “Ông Tập chưa hề đi tay không tới nước nào. Chắc chắn ông ấy sẽ đề nghị một điều gì đó có ích cho Phi châu”.
Trung Quốc thường bị chỉ trích là công bố những số liệu thống kê không rõ ràng hoặc không đáng tin cậy về nền kinh tế của họ. Do đó, khi Bộ Thương mại Trung Quốc tiết lộ một việc khá tiêu cực là đầu tư vào Phi châu bị sút giảm trước hội nghị của Diễn đàn Trung Quốc - Phi châu, một số nhà phân tích nói rằng Bắc Kinh đang tìm cách làm cho các nhà lãnh đạo Phi châu giảm bớt những kỳ vọng.
Ông Lauren Johnston, một chuyên gia của Viện nghiên cứu Kinh tế Xã hội Ứng dụng ở Melbourne, nói: “Bản chất của những dự án đầu tư qui mô lớn, nhất là trong lãnh vực cơ sở hạ tầng và hầm mỏ, là cồng kềnh. Năm nay, một số quyết định đầu tư có thể đã bị hoãn cho tới khi diễn ra những cuộc họp mặt giáp mặt và xuyên khu vực tại Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - Phi châu”.
Ông nói thêm rằng sự thay đổi trong mức cầu của Trung Quốc về tài nguyên thiên nhiên không phải là một việc riêng giữa Trung Quốc với Phi châu mà là một việc của khu vực khoáng sản trên toàn thế giới và ảnh hưởng tới nhiều nền kinh tế, trong đó có Australia.
Một xu thế mới đã xuất hiện trong những tháng gần đây với việc các nhà lãnh đạo Trung Quốc ký kết những thỏa thuận về những dự án hợp tác ở Âu châu và Mỹ châu La tinh. Các công ty Trung Quốc cũng đang ngắm nghía những dự án lớn ở Mỹ, như xe lửa cao tốc. Sự thành lập của Ngân hàng BRICS và Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Á châu mà Bắc Kinh nắm giữ một vai trò quan trọng cũng mở ra những cánh cửa mới cho các doanh nghiệp Trung Quốc.
Điều này đã trở nên rõ ràng hơn trong ngày thứ Ba, khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đọc diễn văn tại một cuộc họp có sự tham dự của các nhà lãnh đạo hàng đầu của các nước Trung Âu và Đông Âu tại thành phố Tô Châu ở miền nam Trung Quốc.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết ông Lý Khắc Cường nói rằng nước ông sẵn sàng cung cấp những điều kiện tín dụng dễ dàng hơn cho các nước Trung Âu và Đông Âu để nâng cấp cơ sở hạ tầng, nếu những nước này sử dụng máy móc và sản phẩm của Trung Quốc.