Đường dẫn truy cập

Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á khai trương tại Bắc Kinh


Bộ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc Lâu Kế Vĩ lên ký Điều khoản Đồng thuận của AIIB tại Nhân dân Đại sảnh ở Bắc Kinh ngày 29/6/2015.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc Lâu Kế Vĩ lên ký Điều khoản Đồng thuận của AIIB tại Nhân dân Đại sảnh ở Bắc Kinh ngày 29/6/2015.

Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) được Trung Quốc hỗ trợ khai trương hôm nay tại Bắc Kinh, với việc các thành viên sáng lập ký một thỏa thuận cho thấy những dấu hiệu rõ ràng nhất cho đến giờ này về cách thức vận hành của ngân hàng. Trong số các dấu hiệu này có việc xác nhận là Trung Quốc sẽ chiếm khối có quyền biểu quyết lớn nhất là 26%.

Các thành viên của BRICS – là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi – cũng sẽ nắm một khối cổ phần đáng kể với quyền biểu quyết gần 50%. Sự kiện này đã làm tăng thêm các mối lo ngại cho rằng AIIB không những có thể thách thức các cơ sở đã có từ lâu như Ngân hàng Thế giới, mà còn cả Ngân hàng BRICS vừa thành lập.

AIIB đã cam kết rằng công việc của ngân hàng sẽ là bổ sung, chứ không phải cạnh tranh với các cơ chế đa phương hiện hữu khác. Đây có thể là một trách vụ nặng nề, không những vì họ sẽ hoạt động trong cùng một thị trường, mà còn bởi lẽ các nhà lãnh đạo của những thị trường đang trỗi dậy đã nhiều lần bày tỏ sự bất mãn đối với các cơ chế như Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Theo ông Raymond Yueng, một kinh tế gia kỳ cựu của ANZ ở Hồng Kông: “Ở một mức độ nào đó, sự kiện này phản ánh những gì mà các nền kinh tế đang trỗi dậy, trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ và Nga, họ đang phục hồi những gì mà lẽ ra họ phải có trong các tổ chức quốc tế”.

Cùng lúc đó, ông Yeung nói các Điều khoản Đồng thuận của ngân hàng nêu bật nỗ lực của Trung Quốc nhằm giữ cho ngân hàng mang tính cách không phải là chỉ dành riêng cho một số nào và không biến ngân hàng thành một câu lạc bộ đồng minh chặt chẽ. Ông nêu ra rằng các điều khoản thu nhận không hạn chế sự tham gia vào các dự án hay vào việc cung cấp hàng hóa và dịch vụ.

Ông Yeung nói: “Do đó không phải chỉ là 57 thành viên này. Tôi không cho rằng họ sẽ thành lập một nền kinh tế khép kín về việc chi tiêu cho hạ tầng cơ sở và các dự án hạ tầng cơ sở. Họ cũng sẽ mở cửa cho các nước khác không phải là thành viên sáng lập.”

Trong số các nước này có Hoa Kỳ, Canada và Nhật Bản, mà cho đến giờ này vẫn chưa được gia nhập ngân hàng. Vốn cho phép của ngân hàng là 100 tỷ đôla, trong đó gần 98 tỷ đã được chia trong các thành viên sáng lập mà ngân hàng gọi là “khu vực” và “không thuộc khu vực.”

Quyền phủ quyết

Một vấn đề gây nhiều tranh luận khác về các thỏa thuận của ngân hàng rọi một tia sáng vào việc liệu Trung Quốc sẽ có quyền phủ quyết hay không trong những quyết định của AIIB.

Các đại biểu trong lễ ký kết khai trương ngân hàng AIIB ở Bắc Kinh hôm 29/6/2015.
Các đại biểu trong lễ ký kết khai trương ngân hàng AIIB ở Bắc Kinh hôm 29/6/2015.

Thỏa thuận công bố hôm nay không dùng từ “phủ quyết” nhưng nói rằng đối với phần lớn các quyết định quan trọng, ngân hàng sẽ coi một “siêu đa số” là cấp thiết. Với 26% cổ phần, Trung Quốc sẽ có tiếng nói quyết định trong mọi quyết định. Trung Quốc từng cho biết họ không mưu tìm quyền phủ quyết tại ngân hàng. Các nhà phân tích lập luận rằng điều tự nhiên đối với các nhà đầu tư hàng đầu là có nhiều tiếng nói hơn những người khác.

Ông N.R. Bhanumurthy, một giáo sư kinh tế học tại Viện Quốc gia về Chính sách Tài chính Công cộng ở New Delhi nói: “Tôi sẽ không lấy làm lạ nếu Trung Quốc có quyền phủ quyết gián tiếp. Chúng ta biết rằng các nước phát triển thường áp dụng một quyền phủ quyết gián tiếp tại Ngân hàng Thế giới và IMF”.

Một trong các trắc nghiệm đầu tiên của quyền đó sẽ là khi nhà băng chọn chủ tịch đầu tiên trong những tháng sắp tới. Theo thỏa thuận ký hôm nay, chủ tịch phải là một người thuộc một nước sáng lập “trong khu vực”.

Ngân hàng dự trù sẽ chính thức hoạt động trước cuối năm nay.

Phá vỡ BRICS

AIIB không phải là ngân hàng nhiều tỷ đôla duy nhất mà Trung Quốc đóng một vai trò trong việc thành lập mới đây. Trung Quốc còn có ngân hàng BRICS với trụ sở ở Thượng Hải và nay do Ấn Độ đứng đầu. Nhưng một số người tự hỏi liệu hai ngân hàng có thể trở thành đối thủ hay không.

Ông Bhanumurthy nói: "Có những hy vọng cao từ phía AIIB. Nhưng có nguy cơ cạnh tranh giữa AIIB và Ngân hàng Phát triển mới của các quốc gia BRICS".

Ông nói thêm rằng điều mà thế giới đang phát triển không muốn có là hai cơ chế cạnh tranh nhau.

Ông Bhanumurthy nói: “Họ phải đảm bảo rằng không có sự chồng chéo trong hoạt động. Tân Ngân hàng Phát triển có thể tập trung vào các vấn đề phát triển xã hội và dành các khu vực cơ sở hạ tầng cho AIIB”.

Trung Quốc nói ngân hàng sẽ không những cổ súy cho sự phát triển trong khu vực, mà còn góp phần vào sự phục hồi kinh tế toàn cầu.

Tất cả đều tham gia

Lễ ký kết hôm nay được tổ chức tại Nhân dân Đại sảnh. Gần như toàn bộ 57 thành viên sáng lập đã ký vào thỏa thuận. 7 nước còn lại đang chờ sự chấp thuận trong nước.

Trung Quốc đã dẫn đầu cuộc vận động để tranh thủ hậu thuẫn cho AIIB sau khi đưa ra đề nghị đầu tiên cách đây 2 năm. Một số nhà phân tích coi khả năng của Trung Quốc thu hút hơn 50 quốc gia, bất chấp sự miễn cưỡng của Washington trong việc gia nhập, là một thành quả về chính sách đối ngoại. Nhiều đồng minh của Hoa Kỳ, trong đó có Australia, Anh, Đức, Israel và Nam Triều Tiên đã gia nhập.

Gần một nửa các thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương là các thành viên sáng lập của ngân hàng.

Một trong những lý do chính khiến Hoa Kỳ và các nước khác ngần ngại là bởi vì có những thắc mắc về khả năng của ngân hàng tôn trọng các tiêu chuẩn cao về trách nhiệm và quản trị. Đây là bởi vì một số nhà phân tích nói rằng nhiều dự án quan trọng được các ngân hàng Trung Quốc ở nước ngoài tài trợ được cho là có động cơ chính trị nhiều hơn là vì tiêu chuẩn đầu tư có lời. Nhưng một số chuyên gia ở các nước đang phát triển có quan điểm khác.

Ông Bhanumurthy nói: “Không có lý do nào để nghĩ rằng AIIB sẽ không được quản lý một cách chuyên nghiệp hay không thể tuân hành các tiêu chuẩn quốc tế. Một số các thị trường tài chính như Singapore, Hồng Kông và London cũng can dự vào việc hình thành ngân hàng”.

VOA Express

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

XS
SM
MD
LG