Trung Quốc đã bảo đảm với các nhà lãnh đạo tài chính toàn cầu rằng nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới vẫn đang ở một vị thế tốt, mặc dù tăng trưởng đang chậm lại và đồng Nhân dân tệ liên tục mất giá. Và trong khi vẫn có những lo ngại về tốc độ của cuộc cải cách rất cần thiết ở Trung Quốc, các nhà hoạch định chính sách đang tỏ ra họ sẽ có cách tiếp cận linh hoạt hơn với các biện pháp rất cấp thiết.
Sau gần một thập kỷ tăng trưởng ở mức hai con số, kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng ở mức 6,8% năm ngoái. Đồng tiền mất giá mạnh hồi tháng 8 năm ngoái và một loạt những sai lầm của các nhà hoạch định chính sách trong việc điều hành thị trường chứng khoán của nước này đã gây chấn động toàn cầu.
Phát biểu bên lề cuộc họp của các bộ trưởng tài chính và các thống đốc ngân hàng trung ương khối G20 hôm thứ Sáu, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên cho biết Bắc Kinh sẽ không lợi dụng việc đồng tiền mất giá để thúc đẩy xuất khẩu. Ông Chu nói Trung Quốc vẫn còn rất mạnh về mặt xuất khẩu.
Ông Chu nói:"Kim ngạch xuất khẩu ròng năm ngoái rất lớn. Thặng dư thương mại trong thương mại hàng hóa đạt gần 600 tỷ đôla, vì vậy chúng tôi sẽ không muốn tham gia vào cuộc đua làm mất giá đồng tiền để thúc đẩy xuất khẩu của Trung Quốc.”
Tuy nhiên, số liệu công bố hồi vào tháng 1 cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm trong bảy tháng liên tục. Bắc Kinh đang tìm cách chuyển đổi khỏi mô hình tăng trưởng cũ vốn quá phụ thuộc vào xuất khẩu, cũng như cho phép nền kinh tế nhà nước chủ đạo được trở nên có định hướng thị trường hơn.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên cho rằng chính sách tài chính của Trung Quốc sẽ chủ động hơn và đảm bảo rằng các nhà lãnh đạo của đất nước cam kết tiến hành cải cách.
"Tuy định hướng cải cách thật rõ ràng, song việc quản lý tốc độ cải cách sẽ cần các cơ hội và các điều kiện ... Tốc độ sẽ thay đổi, nhưng cuộc cải cách chắc chắn sẽ tiếp tục và định hướng không thay đổi", ông nói.
Một số nhà quan sát nói có những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đã nhận ra họ không còn có thể hoàn toàn điều khiển hướng đi của thị trường tài chính. Những nỗ lực hồi năm ngoái nhằm ngăn thị trường chứng khoán Trung Quốc lao dốc đã thất bại khi thị trường mất đi tới 5 nghìn tỷ đôla về giá trị.
Một hệ thống các van an toàn chặt chẽ, được lập ra vào tháng 1, đã bị gỡ bỏ chỉ vài ngày sau khi áp dụng. Giá cổ phiếu Trung Quốc đã tăng khi thị trường đóng cửa hôm thứ Sáu, một sự gia tăng rõ rệt khi hai ngày họp khối G20 bắt đầu. Tuy nhiên, giá cổ phiếu đã giảm hơn 3% tính chung trong cả tuần. Từ đầu năm đến nay, chỉ số chứng khoán của Trung Quốc đã giảm 21%.
Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lâu Kế Vỹ kêu gọi các nước G20 làm việc với nhau nhiều hơn về chính sách kinh tế và tiếp tục giảm các rào cản đối với thương mại và kinh doanh qua lại biên giới.
Các nước khác đã rất quan tâm đến việc trao đổi thông tin có liên quan đến Trung Quốc trong những tháng gần đây, đặc biệt là sau khi đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc mất giá mạnh và đột ngột trong tháng 8. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với tờ Wall Street Journal, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew kêu gọi Trung Quốc thông báo các chủ trương về chính sách của nước này "một cách rõ ràng, công khai, nếu không người ta sẽ diễn dịch nó thay cho bạn."
Nhiều quốc gia đang tìm cách thay đổi cơ cấu các hệ thống hành chính và quy định để đối phó với những thách thức kinh tế mới và tác động của sự sụt giảm mạnh về giá các hàng hóa như dầu mỏ.
Các quốc gia trong đó có Trung Quốc và Ấn Độ đã được hưởng lợi từ việc dầu giảm giá, nhưng họ đã không thể rút ra những lợi ích đầy đủ từ tình hình đó, vì họ không có sẵn các cơ cấu hành chính và quy định thích hợp, ông Angel Gurria, Tổng thư ký của OECD, nói như thế với đài VOA.
Ông Gurria nói: "Bạn có gió thổi từ phía sau, có lợi cho bạn, nhưng vấn đề là sự tăng trưởng vẫn không diễn ra. Tại sao vậy? Dường như thiếu một cái gì đó, và nhân tố kích thích sự thay đổi cơ cấu đã không diễn ra đủ lớn".
Ông nói thêm rằng việc điều chỉnh và các cải cách có tính cơ cấu là giải pháp tốt nhất đối với nhiều vấn đề kinh tế mà các nước khác nhau phải đối mặt.