Chính quyền Trung Quốc đã triển khai các nỗ lực tuyên truyền mới nhằm phản bác lại tố cáo của phương Tây về tình hình nhân quyền ở Khu tự trị của người Uyghur Tân Cương và ở Tây Tạng.
Trong những tuần gần đây, Trung Quốc liên tục mời các vlogger nước ngoài đến thăm Tân Cương, nơi sinh sống của hàng triệu người Uyghur, một nhóm dân tộc thiểu số chủ yếu theo đạo Hồi. Cũng trong tháng này, Trung Quốc đã khánh thành một trung tâm truyền thông quốc tế để sản xuất nội dung mô tả một số “diễn biến tích cực” ở Tây Tạng, chẳng hạn như thu nhập ngày càng tăng của người dân Tây Tạng.
Kể từ năm 2017, Hoa Kỳ, Liên hiệp quốc, Nghị viện Châu Âu và các tổ chức nhân quyền đã lên án Trung Quốc vì đã giam giữ tới 1 triệu người Uyghur, buộc hàng trăm nghìn phụ nữ Uyghur phải phá thai hoặc triệt sản, và buộc người Uyghur, người Kazakh và các dân tộc thiểu số khác ở Tân Cương phải làm việc trong các nhà máy, khiến Hoa Kỳ phải thông qua Đạo luật Bảo vệ chống lại Lao động Cưỡng bức ở Uyghur vào năm 2021.
Tại Tây Tạng, các tổ chức nhân quyền và các nước phương Tây, bao gồm cả Hoa Kỳ, cáo buộc chính phủ Trung Quốc xóa bỏ ngôn ngữ và văn hóa Tây Tạng thông qua chương trình giáo dục tiếng Trung bắt buộc cho trẻ em Tây Tạng, buộc hàng trăm nghìn người Tây Tạng ở nông thôn phải di dời đến các khu vực thành thị và thay thế tên Tây Tạng “Tibet” bằng tên tiếng Hoa được La Mã hóa là “Xizang” trong các văn bản chính thức.
Đài Loan hôm 5 tháng 9 nói họ biết có các phúc trình rằng Trung Quốc đã tuyển dụng những người Đài Loan có sức ảnh hưởng đến thăm Tân Cương và giúp thúc đẩy một bức tranh tích cực hơn về khu vực này thông qua các video của họ.
Hội đồng Các vấn đề Đại lục của Đài Loan, đơn vị giám sát các hoạt động giao lưu trao đổi xuyên eo biển, cho biết họ vẫn đang xem xét sự gia tăng gần đây của nội dung liên quan đến Tân Cương do những người Đài Loan có sức ảnh hưởng sản xuất và kêu gọi họ tránh vi phạm luật khi nhận thù lao từ Bắc Kinh.
Youtuber người Đài Loan Potter Wang tuyên bố vào tháng 6 rằng chính phủ Trung Quốc đã mời những người Đài Loan có sức ảnh hưởng tham gia các chuyến đi được đài thọ đến Trung Quốc để sản xuất nội dung. Những tuyên bố của ông đã khiến một số YouTuber Đài Loan mà gần đây có đăng tải các video về Tân Cương phủ nhận việc nhận thù lao từ Bắc Kinh.
Đáp lại những cảnh báo từ chính quyền Đài Loan, Văn phòng Các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc cho biết Bắc Kinh hoan nghênh “đồng bào Đài Loan” đến thăm Trung Quốc và tận hưởng “những ngọn núi và dòng sông hùng vĩ, nếm thử nhiều loại thực phẩm, trải nghiệm phong tục địa phương và chia sẻ những gì họ đã thấy và nghe”.
Ngoài việc mời những người Đài Loan có sức ảnh hưởng đến thăm Tân Cương, Bắc Kinh đã mời các nhà báo và vlogger nước ngoài đến thăm Tân Cương kể từ đầu năm 2024.
Trong một số bài báo, tờ báo do nhà nước Trung Quốc điều hành, Global Times nói những người nước ngoài này đã tìm hiểu về “những thành tựu kinh tế mới nhất, quyền tự do tôn giáo và sự hòa nhập sắc tộc của Tân Cương” sau khi đến thăm các ngành công nghiệp, địa điểm tôn giáo và nhà ở địa phương.
Một số chuyên gia cho biết chính quyền Trung Quốc thường áp dụng biện pháp kiểm soát chặt chẽ hành trình tại Tân Cương của những người có sức ảnh hưởng đến từ nước ngoài để đảm bảo nội dung họ tạo ra phù hợp với bức tranh tích cực mà Bắc Kinh muốn quảng bá, vốn trái ngược với các phúc trình hiện nay của truyền thông nước ngoài về việc Trung Quốc giam giữ hàng loạt người Uyghur, áp dụng lao động cưỡng bức hoặc các chương trình kiểm soát sinh đẻ khắc nghiệt đối với các sắc tộc thiểu số.
Ông Timothy Grose, giáo sư Nghiên cứu Trung Quốc tại Viện Công nghệ Rose-Hulman ở Indiana, nói: “Những người có sức ảnh hưởng đến từ nước ngoài thường dành thời gian ở thủ phủ Urumqi của Tân Cương và đến thăm những nơi như Grand Bazaar, nơi họ sẽ thử các món ăn địa phương và xem các buổi biểu diễn khiêu vũ dường như gợi ý rằng các hình thức văn hóa của người Uyghur được bảo vệ”.
Ngoài việc giới thiệu các khía cạnh của văn hóa Uyghur, ông Grose cho biết, các video Tân Cương của những người có sức ảnh hưởng nước ngoài thường sẽ mô tả cảnh người Uyghur được tuyển dụng và các biển báo địa phương có chữ Trung Quốc và chữ Uyghur.
“Bắc Kinh tin rằng đây là một chiến lược hiệu quả [để chống lại các tố cáo trên quốc tế hiện nay về vấn đề Tân Cương] nếu họ gián tiếp kiểm soát các loại hình ảnh được xuất khẩu ra khỏi Tân Cương”, ông nói với VOA qua điện thoại.
Bằng cách tràn ngập các nền tảng truyền thông xã hội với nội dung Tân Cương do những người có sức ảnh hưởng nước ngoài này sản xuất, ông Grose cho biết, chính phủ Trung Quốc đang cố gắng tiếp cận và tác động đến những khán giả thông thường, đặc biệt là những khán giả trẻ tuổi, những người không có kiến thức sâu sắc về Trung Quốc hoặc Tân Cương.
“Những khán giả thông thường này không có chuyên môn về Trung Quốc, vì vậy họ sẽ không biết tìm dấu hiệu áp bức ở đâu trong các video vì họ không quen thuộc với văn hóa Uyghur hoặc chính sách dân tộc của Trung Quốc”, ông nói.
Ông Grose cho biết, vì Trung Quốc đang trực tiếp hoặc gián tiếp lấp đầy các nền tảng truyền thông xã hội bằng nội dung phù hợp với cách mà họ muốn tô vẽ về Tân Cương, nên các học giả, nhà hoạt động và nhà báo sẽ khó có thể phản bác các nỗ lực tuyên truyền của Bắc Kinh bằng các nội dung phản ánh thực tế trong khu vực.
Kể chuyện về Tây Tạng
Bắc Kinh cũng đã khởi động một sáng kiến mới nhằm “kể chuyện hay về Tây Tạng”.
Vào ngày 2 tháng 9, một số cơ quan chính quyền địa phương và trung ương Trung Quốc đã khánh thành một “trung tâm truyền thông quốc tế” tại thủ phủ Lhasa của Tây Tạng, nhằm mục đích tăng cường khả năng của Bắc Kinh trong việc quảng bá cách họ muốn tô vẽ về chính sách Tây Tạng của họ.
Ngòi bút người Pháp Margot Chevestrier, người làm việc cho Tập đoàn truyền thông quốc tế Trung Quốc do nhà nước điều hành, cho biết nhiều người trẻ Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi “phúc trình thiên vị” trên phương tiện truyền thông xã hội toàn cầu và những hiểu lầm này thường bắt nguồn từ “phúc trình sai lệch của một số phương tiện truyền thông hoặc cá nhân”.
Theo China News do nhà nước Trung Quốc điều hành, một trang web tin tức trực tuyến, trung tâm truyền thông quốc tế mới sẽ “cho phép nhiều người trong và ngoài nước biết đến Tây Tạng, hiểu Tây Tạng và yêu Tây Tạng hơn”.
Một số nhà phân tích cho biết trung tâm truyền thông có thể đóng vai trò là một tổ chức tập trung để “điều phối” các nỗ lực tuyên truyền của Bắc Kinh tập trung vào Tây Tạng.
“Vì dường như không có nhiều nỗ lực tuyên truyền về Tây Tạng như ở Tân Cương, nên Bắc Kinh có thể đang nghĩ cách sử dụng chiến thuật này”, bà Sarah Cook, một nhà nghiên cứu độc lập về Trung Quốc và là cựu giám đốc nghiên cứu Trung Quốc tại tổ chức phi lợi nhuận Freedom House cho biết.
Bà Cook nói khối lượng nỗ lực tuyên truyền mà Trung Quốc dành cho Tân Cương và Tây Tạng cho thấy hai vấn đề này được Bắc Kinh ưu tiên hàng đầu.
“Mặc dù Tây Tạng và Tân Cương là ưu tiên của họ, nhưng các chiến thuật mà bộ máy tuyên truyền của Trung Quốc triển khai lại tương tự nhau, bao gồm phát tán thông tin sai lệch thông qua các tài khoản giả, hạn chế các nhà báo nước ngoài tiếp cận một số địa điểm nhất định và ngăn chặn thông tin trái ngược với luận điệu của họ”, bà nói với VOA qua điện thoại.
Ông Grose cho biết vì các nỗ lực tuyên truyền của họ dường như đã thành công, Bắc Kinh sẽ tiếp tục sử dụng cùng một bộ chiến lược để thách thức các sự kiện hiện có về tình hình ở Tân Cương và Tây Tạng.
Ông cho biết để đẩy lùi các chiến dịch của Bắc Kinh, các nhóm tập trung vào Tân Cương và Tây Tạng nên cố gắng tăng cường sự hiện diện của họ trên các nền tảng truyền thông xã hội và tạo ra nội dung trực quan “hấp dẫn và cảm động” hơn, “được ngữ cảnh hóa phù hợp” nhưng có thể tác động đến đối tượng khán giả trẻ.
Ngoài ra, bà Cook cho biết điều quan trọng là những cá nhân quan tâm đến tình hình ở Tây Tạng và Tân Cương phải làm việc với các nhóm nghiên cứu có cùng chí hướng và vạch trần các chiến dịch tuyên truyền khác nhau mà Trung Quốc đang thúc đẩy.
“Họ có thể cố gắng sản xuất các video ngắn thông báo cho mọi người về các chiến thuật của Bắc Kinh”, bà nói.