Đường dẫn truy cập

Trung Quốc bị ‘soi’ kỹ lưỡng về nhân quyền tại cuộc họp của LHQ


Người đứng đầu phái đoàn Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc tại Geneva Chen Xu (phải) đang xem hồ sơ trước khi Hội đồng Nhân quyền LHQ xem xét hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc, vào ngày 23 tháng 1 năm 2024.
Người đứng đầu phái đoàn Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc tại Geneva Chen Xu (phải) đang xem hồ sơ trước khi Hội đồng Nhân quyền LHQ xem xét hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc, vào ngày 23 tháng 1 năm 2024.

Trung Quốc vừa bị xem xét kỹ lưỡng về hồ sơ nhân quyền tại một cuộc họp quan trọng của Liên Hiệp Quốc hôm 23/1, trong đó các nước phương Tây kêu gọi bảo vệ nhiều hơn cho người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương và tự do nhiều hơn ở Hong Kong trong khi Bắc Kinh nói họ đã đạt được tiến bộ lịch sử.

Đây là cuộc đánh giá đầu tiên diễn ra tại Liên Hiệp Quốc ở Geneva kể từ khi quan chức hàng đầu về nhân quyền của cơ quan toàn cầu công bố một báo cáo vào năm 2022 nói rằng việc giam giữ người Duy Ngô Nhĩ và những người Hồi giáo khác ở khu vực Tân Cương của Trung Quốc có thể cấu thành tội ác chống nhân loại.

Bắc Kinh phủ nhận mọi hành vi lạm dụng.

Các nhà ngoại giao nói với Reuters rằng Trung Quốc đã vận động các nước ngoài phương Tây ca ngợi thành tích nhân quyền của nước này trước cuộc họp bằng cách gửi bản ghi nhớ cho các đặc phái viên trong những tuần gần đây.

Phái đoàn ngoại giao của Trung Quốc không bình luận về hoạt động vận động hành lang được báo cáo. Phái đoàn của họ tại Geneva hôm 23/1 cho biết họ đã đạt được tiến bộ kể từ lần đánh giá cuối cùng của Liên Hiệp Quốc vào năm 2018, nói rằng họ đã giúp gần 100 triệu người thoát khỏi đói nghèo.

“Chúng tôi đã bắt tay vào con đường phát triển nhân quyền phù hợp với xu hướng của thời đại và phù hợp với điều kiện quốc gia của Trung Quốc và đã đạt được những thành tựu lịch sử trong quá trình này”, Đại sứ Trần Húc (Chen Xu) nói tại cuộc họp.

Trong khi đó tại Bắc Kinh, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết họ hy vọng tất cả các bên tại Liên Hợp Quốc xem xét hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc sẽ mang tính “mang tính xây dựng” và “phi chính trị hóa”.

Khi được hỏi về những gì các nhà ngoại giao nói về việc vận động hành lang của Bắc Kinh trước kỳ kiểm điểm nhân quyền tại LHQ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Uông Văn Bân nói Trung Quốc đề cao triết lý nhân quyền lấy người dân làm trung tâm và đã đạt được “tiến bộ lịch sử” trong các vấn đề nhân quyền.

“Tôi muốn nhấn mạnh rằng Trung Quốc luôn thực hiện công việc tham gia UPR (Đánh giá Định kỳ Phổ quát của Hội đồng Nhân quyền LHQ) theo thủ tục của Liên hợp quốc”, ông Uông nói.

Người phát ngôn của Trung Quốc nói thêm rằng “Đánh giá Định kỳ Phổ quát là một nền tảng quan trọng trong khuôn khổ Liên Hợp Quốc để trao đổi công bằng và thẳng thắn, đối thoại và hợp tác mang tính xây dựng về các vấn đề nhân quyền”.

Khoảng 163 quốc gia sẽ phát biểu tại phiên họp ngày 23/1 và mỗi quốc gia chỉ có 45 giây để phát biểu.

Nhiều quốc gia ca ngợi những nỗ lực của Trung Quốc về nhân quyền, trong đó có Ethiopia và Cameroon. Các nước phương Tây nêu quan ngại, trong đó có Đức, viện dẫn các vi phạm nhân quyền ở Tân Cương và Tây Tạng, còn Canada kêu gọi Trung Quốc bãi bỏ luật an ninh quốc gia gây tranh cãi ở Hong Kong.

Ông Eric Chan, Tổng thư ký của Hong Kong, lên tiếng ca ngợi luật pháp.

“Những ngày xáo trộn và sợ hãi trong xã hội giờ đã qua. Sự ổn định cũng như luật pháp và trật tự đã được khôi phục và thành phố của chúng ta đã trở lại đúng hướng,” ông nói tại cuộc họp của Liên Hiệp Quốc.

Bà Sarah Brooks của Tổ chức Ân xá Quốc tế nói rằng cuộc họp có nguy cơ trở thành nơi che giấu cho Trung Quốc và các quốc gia đang theo đuổi mối quan hệ gần gũi hơn với Bắc Kinh.

Một cuộc biểu tình được lên kế hoạch sau đó vào ngày 23/1 bên ngoài tòa nhà Liên Hiệp Quốc với các nhà hoạt động Tây Tạng, Duy Ngô Nhĩ, Hong Kong và các nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG