Hôm 11/5, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính cho biết Hà Nội quan tâm đến việc giúp Hoa Kỳ thực hiện các mục tiêu của khuôn khổ kinh tế đề xuất cho Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhưng cần thời gian để nghiên cứu chi tiết, theo Reuters.
Thủ tướng Chính, hiện đang ở thủ đô Washington để tham dự cuộc họp thượng đỉnh hai ngày giữa Tổng thống Joe Biden và các nhà lãnh đạo Đông Nam Á bắt đầu vào 12/5, cho biết ông đã có các cuộc thảo luận về Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF) của Tổng thống Joe Biden với các quan chức Hoa Kỳ trước đó hôm 11/5.
“Chúng tôi muốn làm việc với Hoa Kỳ để hiện thực hóa bốn trụ cột của sáng kiến đó”, ông Chính nói trong một phiên hỏi-đáp sau khi có bài phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở thủ đô Washington.
Ông cho biết các trụ cột đó là ổn định chuỗi cung ứng, nền kinh tế kỹ thuật số, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và trụ cột thứ tư liên quan đến lao động, thuế và chống tham nhũng.
Ông nói: “Những điều này rất quan trọng đối với Hoa Kỳ, đối với Việt Nam và các quốc gia khác”.
Tuy nhiên, ông Chính cho biết “các yếu tố cụ thể” của sáng kiến này vẫn chưa được làm rõ.
“Chúng tôi sẵn sàng tham gia thảo luận với Hoa Kỳ để làm rõ bốn trụ cột này sẽ cần những gì và khi điều đó được làm rõ, chúng tôi sẽ thảo luận những điều đó”, ông nói thêm. “Chúng tôi cần thêm thời gian để nghiên cứu sáng kiến này và xem nó đòi hỏi những gì”.
Trong thời gian qua, các nước châu Á thất vọng trước việc Hoa Kỳ chậm trễ trong việc trình bày chi tiết các kế hoạch tham gia kinh tế với khu vực này kể từ khi cựu Tổng thống Donald Trump từ bỏ hiệp ước thương mại khu vực vào năm 2017, bỏ ngỏ lĩnh vực này cho đối thủ của Hoa Kỳ là Trung Quốc.
Tại một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến với các lãnh đạo ASEAN vào tháng 10 năm ngoái, Tổng thống Biden cho biết Washington sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán về việc phát triển Khuôn khổ IPEF, nhằm mục đích thiết lập các tiêu chuẩn khu vực cho sự hợp tác.
Trong tuần này, Đại sứ Nhật tại Washington cho biết IPEF có thể sẽ được chính thức ra mắt khi ông Biden thăm Nhật Bản vào cuối tháng 5, nhưng các chi tiết đó vẫn đang được thảo luận.
Các nhà phân tích và các nhà ngoại giao cho biết chỉ có hai trong số 10 quốc gia ASEAN - Singapore và Philippines - dự kiến sẽ nằm trong nhóm các quốc gia ban đầu đăng ký đàm phán IPEF.
Ông Chính ca ngợi sự tiến triển của mối quan hệ giữa Hà Nội với Hoa Kỳ trong những thập kỷ gần đây và sự bùng nổ thương mại song phương lên tới gần 112 tỷ đôla mỗi năm, mặc dù ông nói rằng hai bên cần thúc đẩy hợp tác hơn nữa để giải quyết các vấn đề còn lại sau Chiến tranh Việt Nam.