Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính ngày thứ Tư 11 tháng Năm tái khẳng định Việt Nam “không chọn bên” trong cuộc cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc thế giới trong khi bày tỏ lạc quan về điều mà ông nói là những cơ hội giúp nâng mối quan hệ Việt Nam và Mỹ “lên tầm cao mới.”
Ông Chính, hiện đang ở thủ đô Washington của Mỹ để tham dự hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với Tổng thống Joe Biden, trình bày viễn kiến của Việt Nam về một thế giới tốt đẹp hơn được xây dựng trên nền tảng của “sự chân thành, lòng tin, và trách nhiệm,” nói thêm rằng Việt Nam đang thể hiện những điều này trong cách ứng xử của mình trước các vấn đề quốc tế.
Những phát biểu của ông Chính được đưa trong bối cảnh cuộc chiến tranh xâm lược của Nga nhắm vào Ukraine đang khơi lên những lo ngại nghiêm trọng về an ninh ở Châu Âu và phủ bóng lên các cuộc hội họp của các nhà lãnh đạo quốc tế. Việt Nam đã từ chối lên án Nga trong các cuộc biểu quyết tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Phát biểu trước cử tọa bao gồm các quan chức hàng đầu của chính phủ Việt Nam tháp tùng và Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper, ông Chính thừa nhận thế giới đang đối mặt với “thời điểm có thể nói là khó khăn nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh,” lưu ý rằng ít ai ngờ xung đột bùng nổ giữa Châu Âu vào thập niên thứ ba của thế kỉ 21.
“Chính thiếu vắng sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm là một trong những nguyên nhân dẫn đến căng thẳng, xung đột ở nhiều khu vực,” ông nói tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS). “Thiếu sự chân thành, tin cậy là nhân tố cản trở nghiêm trọng đến hợp tác song phương giữa các quốc gia cũng như hợp tác đối phó với các thách thức khu vực và toàn cầu.”
“Vì vậy, hơn lúc nào hết, chúng ta cần đẩy mạnh xây dựng, củng cố sự chân thành, lòng tin giữa các quốc gia.”
Nhắc trực tiếp đến Ukraine, Thủ tướng nói Việt Nam ủng hộ và sẵn sàng tham gia những nỗ lực và sáng kiến của cộng đồng quốc tế giúp tạo điền kiện cho đối thoại giữa các bên để tìm ra giải pháp lâu dài. Ông tái khẳng định “lập trường nhất quán” của Việt Nam là tôn trọng Hiến chương của Liên Hợp Quốc, độc lập, chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ, và giải quyết mọi tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình mà không dùng hay đe dọa vũ lực.
Việt Nam, nước đồng minh ý thức hệ của Liên bang Soviet thời Chiến tranh Lạnh và sau này là một trong những đối tác thân thiết nhất của Nga ở Châu Á, đã khơi ra chỉ trích trên mạng xã hội khi bỏ phiếu trắng đối với nghị quyết lên án cuộc xâm lược của Nga do Mỹ dẫn đầu tại LHQ. Một số ý kiến cho rằng Việt Nam trên thực tế đã chọn đứng về phía Nga khi biểu quyết chống lại quyết định của LHQ loại Nga ra khỏi hội đồng nhân quyền sau khi quân Nga bị cáo buộc hành quyết hàng trăm thường dân ở những nơi họ từng chiếm đóng ở Ukraine.
Thủ tướng Chính bác bỏ những chỉ trích đó.
“Trong một thế giới đầy biến động, cạnh tranh chiến lược, và nhiều sự lựa chọn, Việt Nam không chọn bên mà chọn chính nghĩa, sự công bằng, công lý và lẽ phải trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc; bình đẳng, tất cả cùng có lợi, cùng thắng.”
Ông Chính nói nguyên tắc này đã được Việt Nam vận dụng để giải quyết những tranh chấp của chính mình ở Biển Đông, nơi mà ông nói Việt Nam “luôn chủ trương duy trì hòa bình, ổn định, ” giữa những căng thẳng phát sinh từ những tuyên bố chủ quyền chồng chéo của các nước trong vùng.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ vùng biển trọng yếu nơi 3 ngàn tỉ đôla giá trị thương mại đi qua hàng năm và đã đẩy mạnh quân sự hóa các đảo mà họ chiếm đóng trong những năm gần đây, khơi ra sự phản đối không chỉ của các nước có tranh chấp bao gồm Việt Nam mà còn của Mỹ và các nước phương Tây khác.
“Đây là huyết mạch của giao thông hàng hải,” ông Chính nói. “Bảo vệ sự an toàn của các tuyến đường biển là trách nhiệm của tất cả các quốc gia và chúng tôi kêu gọi tất cả cùng hợp tác với Việt Nam để thực hiện việc này.”
Bình luận về mối quan hệ Việt-Mỹ, ông Chính nói rằng sự phát triển “không ngừng” bang giao hai nước kể từ năm 1995 là nhờ nỗ lực của cả hai bên được nuôi dưỡng bằng sự chân thành, lòng tin, và ý thức trách nhiệm.
Ông dẫn ra những thành tựu mà hai nước đạt được trong gần 30 năm qua ở hàng loạt những lĩnh vực từ thương mại, chống dịch COVID-19 cho tới giáo dục và di sản chiến tranh để nêu bật sự phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, vẽ ra một bức tranh tươi sáng cho triển vọng của mối quan hệ trong tương lai.
“[H]ai nước chúng ta đang đứng trước những cơ hội mới để đưa quan hệ Đối tác toàn diện phát triển ổn định, lâu dài, thực chất, hiệu quả, đi vào chiều sâu,” Thủ tướng Việt Nam nói, xác định thêm ba lĩnh vực phát triển song phương trong tương lai là tăng trưởng xanh, chuyển đổi kĩ thuật số, và đa dạng hóa nguồn cung ứng.
Washington đang nỗ lực thuyết phục Hà Nội nâng cấp mối quan hệ hai nước lên mức “chiến lược” trong lúc Mỹ tăng cường chú trọng đến khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để cạnh tranh với một nước Trung Quốc đang ngày càng mở rộng ảnh hưởng. Nhưng sự dè dặt của Việt Nam cho thấy nước này có thể lo ngại về những hệ quả khả dĩ của một bước đi như vậy đối với mối quan hệ của họ với Bắc Kinh, theo các nhà quan sát.
“Sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm là chìa khóa để các quốc gia giải quyết các vấn đề còn bất đồng, khác biệt trong một thế giới đầy biến động như hiện nay,” ông Chính nói.
“Tôi tin tưởng rẳng, đây cũng sẽ là những nhân tố chủ đạo định hướng, thúc đẩy, đưa quan hệ đối tác tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ lên tầm cao mới, thực chất, hiệu quả hơn trong những năm tới.”
Thủ tướng Việt Nam bắt đầu ngày làm việc đầu tiên tại Mỹ vào ngày thứ Tư 11 tháng 5. Trước bài diễn văn tại CSIS, ông gặp gỡ một số bộ trưởng và nhà lập pháp Mỹ và chứng kiến các cơ quan và doanh nghiệp hai nước ký kết và trao một số thỏa thuận hợp tác.
Ông sẽ tham dự hội nghị cấp cao đặc biệt kỉ niệm 45 năm quan hệ Mỹ - ASEAN trong ngày 12 và 13 tháng 5 trong chuyến thăm kéo dài bảy ngày dự kiến kết thúc vào ngày 17 tháng 5.