Ông được biết là người bị giam giữ lâu nhất trong nhà tù của chính quyền Việt Nam, từng bị “học cải tạo” hơn 5 năm vì là cựu đại úy quân đội Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), và sau đó bị án tù chung thân vì được cho là dùng thơ ca tố cáo các quan chức chính quyền tham nhũng, bao che cho công an phạm tội. Tuy nhiên trước áp lực của cộng đồng quốc tế, đặc biệt từ chính phủ Hoa Kỳ, ông được phóng thích năm 2014.
Ông chính thức bị kết án với tội “phản động,” một cáo buộc nghiêm trọng, đặc biệt là trong thập niên 1980 khi Việt Nam là một quốc gia gần như còn đóng cửa; công tố viên trong phiên tòa xét xử ông là một trong những quan chức mà ông đã tố cáo tham nhũng. Chính quyền địa phương sử dụng các bài hát và bài thơ do ông sáng tác làm bằng chứng cho các hoạt động “phản động” của ông.
Ông là Nguyễn Hữu Cầu, là nhà thơ, nhạc sĩ, người bảo vệ nhân quyền và nhà hoạt động chống tham nhũng.
Gia đình ông cho VOA biết ông qua đời tại quê nhà ở Rạch Giá, Kiên Giang hôm 19/12 và được hỏa táng hôm 22/12, hưởng thọ 76 tuổi.
Ông Trần Ngọc Bích, con trai ông Cầu, nói với VOA:
“Tôi nghĩ ba tôi bị giam như vậy là rất lâu. 37 năm là vừa thời gian cải tạo, vừa thời gian ở tù. Như vậy là quá nữa đời người.
“Như vậy là cả hết tuổi thanh xuân ba ở trong tù. Khi ba ra ngoài cũng chưa được bao lâu.
“Từ lúc ra trại vào năm 2014 đến sau này thì sống trong bệnh tật, mắt bị mờ, bệnh tim, bệnh tiểu đường…đủ thứ bệnh”.
Theo thông tin của tổ chức Văn Bút Quốc tế, ông Nguyễn Hữu Cầu bị công an tỉnh Kiên Giang bắt tại nơi cư trú vào ngày 9/10/1982 vì là tác giả của một bản thảo bài hát và bài thơ “tố cáo” các đảng viên của Đảng Cộng sản cầm quyền tham nhũng ở địa phương này.
Ở mặt sau của những trang trong cuốn sách gốc của mình, ông Nguyễn Hữu Cầu ghi nhận những cáo buộc về hành vi hiếp dâm và hối lộ của hai công an. Tuy nhiên, bản thảo này không được sử dụng làm bằng chứng trong phiên tòa xét xử ông, nhằm bảo vệ hai công an có liên quan. Vào ngày 23/5/1983, ông Cầu bị kết án tử hình vì tội “phản động”, “phá hoại chính sách đoàn kết”, sau đó ông kháng cáo và bản án được giảm xuống tù chung thân.
Ông cương quyết không nhận tội và cùng thân nhân liên tiếp làm đơn kháng cáo nên bản án giảm xuống còn tù chung thân khi xử phúc thẩm năm 1985. Ông được cho là bị biệt giam tại khu giam tù chính trị ở trại tù Z30A Xuân Lộc, Đồng Nai.
Ông Tom Malinowski, cựu Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ, vào năm 2012 gọi ông Nguyễn Hữu Cầu là một trong những “anh hùng thầm lặng”, là một trong những nhà bất đồng chính kiến dũng cảm nhất thế giới đã theo đuổi cuộc chiến chống lại sự bất công mà ít được thế giới bên ngoài chú ý.
Tại một phiên điều trần tại Hạ viện Hoa Kỳ ngày 11/4/2013, ông John Sifton, giám đốc châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) phát biểu về trường hợp ông Cầu: “Sức khỏe của ông ấy đã xấu đi gần đây”, đồng thời kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ vận động để chính quyền Việt Nam “đảo ngược các cuộc đàn áp của họ và bãi bỏ các luật hà khắc của họ, ít nhất họ cũng đồng ý với chúng tôi rằng các tù nhân rất già hoặc bệnh nặng …sẽ không thể gây ra mối đe dọa nào đối với chính phủ, đảng, hoặc người dân Việt Nam”.
Trước khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thăm Hà Nội từ ngày 14-17 tháng 12/2013, ông Brad Adams, giám đốc của HRW, viết thư kêu gọi chính phủ Mỹ gây áp lực để chính quyền Việt Nam trả tự do cho ông Nguyễn Hữu Cầu, cùng các tù nhân khác như Nguyễn Văn Hải, Cù Huy Hà Vũ, Mai Thị Dung, và Nguyễn Văn Lý.
Nhưng mãi đến sau khi Thứ trưởng ngoại giao Mỹ Wendy Sherman đến Hà Nội vào tháng 3/2014, thì ông Cầu mới được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho “đặc xá”. Ông Cầu được thả vào ngày 23/03/2014.
Trong báo cáo nhân quyền năm 2014, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ghi nhận việc chính quyền Việt Nam đặc xá cho ông Nguyễn Hữu Cầu, trong số tất cả 10 tù nhân lương tâm được phóng thích trước thời hạn. “Chính quyền trả tự do cho 10 tù nhân lương tâm được xét đặc xá. Ngày 21/3, Chủ tịch nước Sang đã đặc xá cho ông Nguyễn Hữu Cầu, một cựu sĩ quan quân đội miền Nam Việt Nam sau khi thụ án 32 năm tù”, báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ viết.
Ông Bích cho biết về việc an ninh địa phương theo dõi ba mình sau khi ông được phóng thích.
“Vào năm 2014, 2015, khi ba đi đâu hay làm gì thì cũng có người theo dõi. Cuộc sống cũng hơi bị gò bó, nhưng mãi sau này thì nới lỏng chút xíu”.
Từ San Jose, ông Nguyễn Hữu Nhân, người bạn từng là học viên Khóa 5/68 trường Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức với ông Cầu, chia sẻ với VOA:
“Cho dù nói bao nhiêu đi chăng nữa cũng không đủ bằng sự can trường của một người bạn của chúng tôi đã ở tù đến 37 năm.
“Chúng tôi có viết một phân ưu gửi đến gia đình anh Cầu. Chúng tôi chỉ ghi là “Anh hùng tử, khí hùng bất tận”.
“Chúng tôi chỉ nói vỏn vẹn như vậy, nhưng chắc quý vị cũng hiểu được rằng sự can trường, sự chịu đựng của anh Cầu trong suốt thời gian đó xứng để để chúng ta tôn vinh anh là Người tù thế kỷ, Người tù bất khuất”.
Cô Trần Phan Yến Nhi, cháu nội ông Cầu, người trước đây viết hàng trăm đơn thư kêu gọi cho ông được ra tù để trị bệnh, chia sẻ với VOA:
“Được mọi người phong cho ông nội là “Người tù thế kỷ” thì như vậy cũng quá đúng đối với ông vì bị giam cầm quá lâu. Khi sống thì ông mang bệnh rất nhiều, còn giờ thì ông đã được giải thoát”.
Ông Cầu là cựu đại úy Địa Phương Quân, quân đội Việt Nam Cộng Hòa, được thả về vào cuối năm 1981, sau hơn 5 năm học tập cải tạo kể từ khi chính quyền mới tiếp quản miền nam Việt Nam năm 1975.
Chính quyền Việt Nam từ trước đến nay bác bỏ việc giam cầm tù nhân lương tâm hay tù nhân chính trị, mà chỉ bắt giam và xét xử những người “vi phạm pháp luật”.