26 tổ chức phi chính phủ (NGO) vừa ký chung một lá thư kiến nghị, kêu gọi Nghị viên châu Âu (EP) hoãn phê chuẩn thoả thuận thương mại tham vọng nhất giữa châu Âu và Việt Nam. Dự kiến, phiên họp phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do châu Âu – Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định bảo vệ đầu tư (IPA) sẽ diễn ra vào ngày 11/2.
Trong lá thư công bố ngày 4/2, 26 tổ chức – bao gồm tổ chức Theo dõi Nhân quyền quốc tế (HRW) – nói rằng việc đa số nghị viên trong Ủy ban Thương mại Quốc tế (INTA) đã bỏ phiếu ủng hộ thông qua thoả thuận vào ngày 21/1 vừa qua là một điều “đáng tiếc” vì nó đi ngược lại với quan điểm của Ủy ban Đối ngoại (AFET) của Nghị viện châu Âu và “làm ngơ” với các cam kết đã được lặp đi lặp lại trong vấn đề bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam.
Các tổ chức trên cho rằng phiên họp ngày 11/2 sắp tới là một cơ hội để các nghị viên châu Âu “sửa chữa sai lầm”.
Được chính thức khởi động đàm phán từ năm 2012, EVFTA được xem là thoả thuận thương mại “tham vọng nhất” giữa châu Âu và Việt Nam. Nếu các thủ tục hoàn tất và chính thức có hiệu lực, hiệp định ước tính sẽ giúp cho GDP của Việt Nam tăng thêm 4,6% và xuất khẩu sang EU tăng thêm 42,7% vào năm 2025, theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam. Ngược lại, GDP của EU cũng sẽ hưởng lợi thêm 29,5 tỷ USD và xuất khẩu sang Việt Nam tăng 29% vào năm 2035.
Để được thông qua EVFTA, ngoài cam kết bảo đảm một môi trường kinh doanh và pháp lý ổn định, tuân thủ những quy định cụ thể về thuế quan, mở cửa thị trường…, Việt Nam cũng phải cam kết cải thiện nhân quyền và thực thi các điều khoản cụ thể trong việc bảo vệ nhân quyền và quyền lợi của người lao động.
Trong thư kiến nghị, 26 tổ chức phi chính phủ cho rằng Việt Nam cho tới nay chưa thực hiện yêu cầu cải thiện nhân quyền mà các nghị sĩ châu Âu đã đề ra.
Các tổ chức này kêu gọi Nghị viên châu Âu tiếp tục đòi hỏi Việt Nam phải công bố lộ trình về cam kết cải cách Bộ Luật Hình sự, vì bộ luật khắc nghiệt này đã được nhà nước Việt Nam sử dụng để “hình sự hoá” việc chỉ trích chính quyền và bắt bớ, giam cầm những người bất đồng chính kiến.
Các tổ chức cũng yêu cầu các nghị viên đòi hỏi Hà Nội phải thả các tù nhân chính trị, trong đó có nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng và nhiều “tù nhân lương tâm” đang bị giam giữ khác; đưa ra cột mốc thời gian cụ thể về việc phê chuẩn Công ước ILO số 87 (về tự do thành lập công đoàn, bảo vệ quyền lợi của người lao động và nhân quyền) trong năm 2021; thành lập cơ chế giám sát và khiếu nại độc lập cho những người bị tổn hại trong trường hợp các cam kết trên bị vi phạm.
Trước đó, hôm 28/1, Việt Nam đã cử Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh sang Bỉ để tham dự một hội nghị cấp cao của Nghị viện châu Âu về EVFTA/EVIPA.
Tại đây, đại diện của Việt Nam đã có bài phát biểu nhấn mạnh đến lợi ích của hiệp định và những nỗ lực của Việt Nam trong việc chuẩn bị thực thi hiệp định.
Theo trang tin của Bộ Công Thương Việt Nam, “bối cảnh” hội nghị lần này “tương đối thuận lợi” nhờ việc INTA bỏ phiếu ủng hộ thông qua hiệp định vào ngày 21/1.
Vẫn theo bộ này, hội nghị ngày 28/1 được tổ chức theo sáng kiến của INTA “nhằm thúc đẩy sự đồng thuận cao hơn đối với việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA và EVIPA” trước khi hai hiệp định này được đưa ra bỏ phiếu trong phiên họp toàn thể của Nghị viện châu Âu vào tuần tới.