Cơn bão Nargis làm hơn 140.000 người thiệt mạng và khoảng 3 triệu người khác mất nhà cửa. Cơn bão quất sập cây cối, san bằng nhà cửa và trường học, làm cho hàng triệu người mất việc và mất lợi tức.
Hơn hai năm đã trôi qua kể từ tai họa này, nhiều điều tích cực đã được thực hiện nhưng chưa đủ.
Ông Bishow Parajuli, điều phối viên về cư trú và nhân đạo của Liên Hiệp Quốc nói là còn quá nhiều người phải tiếp tục chịu đựng những thống khổ vì thiếu lương thực, nạn thiếu dinh dưỡng tràn lan, tỉ lệ thất nghiệp cao và nạn nghèo đói khắp nơi.
Ông nói thêm là có 100.000 hộ gia đình tức là vào khoảng nửa triệu người vẫn cần nơi cư trú tử tế. Ông nói là những người này vẫn phải tiếp tục sống trong các trại tạm cư hai năm sau khi cơn bão Nargis hủy hoại nhà cửa của họ. Ông Parajuli nói:
“Những người này vừa mới thu nhặt những gì còn lại trong căn nhà trước kia của họ và sử dụng những tấm vải dầu hay những vật liệu hỗ trợ khác được cộng đồng quốc tế cung cấp để xây dựng lại nơi cư ngụ. Do đó chỗ ở của họ chỉ có tính cách tạm thời. Đây không phải là những căn lều nhưng là một tổng hợp những vải bạt, gỗ, tre, rơm và những thứ đại loại như vậy.”
Ông Parajuli nói sự cần thiết có nơi cư ngụ cấp bách của người dân Miến Điện lại nhận được sự hỗ trợ ít nhất của cộng đồng quốc tế.
Vào tháng Hai năm 2009, Liên Hiệp Quốc đưa ra lời kêu gọi cần đến 691 triệu đô la để hỗ trợ cho một chương trình phục hồi 3 năm. Các hoạt động nhân đạo của Liên Hiệp Quốc vẫn còn thiếu 500 triệu đô la.
Người dân tại vùng châu thổ sông Ayeyawardi không phải là những người duy nhất phải vật lộn để sống còn. Toàn thể Miến Điện, nói chung, hiện đang phải chịu đựng những thống khổ vì thiếu an ninh lương thực.
Chương trình Lương thực Thế giới liệt kê Miến Điện là một quốc gia dư thừa lương thực với tiềm năng đáng kể về nông nghiệp. Tuy nhiên, chương trình này cho biết vấn đề lớn nhất là có thể tiếp cận nguồn lương thực này, nhất là đối với những vùng xa xôi, hẻo lánh.
Chương trình Lương thực Thế giới và tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc đã đánh giá về tình hình này vào cuối năm ngoái.
Ông Chris Kaye, Giám đốc và Đại diện của chương trình tại Miến Điện nói là cuộc thăm dò cho thấy khoảng 10% dân sống dưới mức nghèo khổ về lương thực. Ông nói điều đó có nghĩa là 5 triệu người ở trong tình trạng mất an toàn về lương thực. Ông Kaye nói:
“Chúng tôi có được một tỉ lệ còi cọc 32% trên toàn quốc. Con số trẻ em thiếu cân là 34% và suy dinh dưỡng cấp tính tổng thể vào khoảng 9%. Tỉ lệ 9% là cao nếu nói đến mức trung bình. Điều chúng tôi quan tâm thực sự là tại một số những địa phương như tôi đề cập đến trong những khu vực ngoại vi, tỉ lệ suy dinh dưỡng cấp tính tổng thể còn cao hơn nữa.”
Ông Kaye nói thêm là tình trạng này đặc biệt tồi tệ tại bang Rakhine thuộc miền Bắc nơi có phần lớn người Hồi Giáo sinh sống. Tại đây sự đánh giá cho thấy tỉ lệ suy dinh dưỡng cấp tính tổng thể lên đến hơn 18%. Theo ông Kaye, tỉ lệ này vượt qua cả Somalia.
Các giới chức cứu trợ Liên Hiệp Quốc tại Geneva đang cố gắng kêu gọi sự hỗ trợ của các nhà tặng dữ quốc tế để đáp ứng với nhu cầu cấp thiết của hàng trăm ngàn người dân tại Miến Điện. Các giới chức này cho biết thêm là những nhà tặng dữ chưa thực hiện đầy đủ lời hứa đóng góp khoảng 500 triệu đô la để giúp phục hồi cho những nạn nhân của trận bão Nargis tàn phá Miến Điện cách đây 2 năm.