13h30 chiều 7/10/2024 (giờ Paris), tại Palais de l'Élysée, Tổng bí thư — Chủ tịch nước (TBT — CTN) Tô Lâm và Tổng thống Emmanuel Macron đã gặp gỡ báo chí trước hội đàm. Tại cuộc gặp, TBT — CTN chúc mừng Tổng thống Pháp vừa tổ chức thành công Hội nghị cấp cao Pháp ngữ OIF-19, hay còn gọi là Hội nghị cấp cao Francophonie. Ông Tô Lâm khẳng định, Việt Nam chia sẻ và ủng hộ những nội dung trong “Tuyên bố chung Hội nghị…” (1). “Tuyên bố chung” là văn bản được thông qua vào cuối Hội nghị thượng đỉnh, phản ánh các quan điểm và cam kết tập thể của các quốc gia thành viên về nhiều vấn đề nguyên tắc, như hợp tác kinh tế, nhân quyền, hòa bình và an ninh. Còn “Nghị quyết của Hội nghị OIF-19” là văn bản cụ thể hơn, tập trung vào một số vấn đề nhất định, bao gồm cả các hành động hoặc các khuyến nghị chi tiết cần thực hiện. Nghị quyết lần này có tên là “Résolution sur les situations de crise, de sortie de crise et de consolidation de la paix dans l’espace francophone” (Nghị quyết về các tình huống khủng hoảng, giải quyết khủng hoảng và củng cố hòa bình trong không gian Pháp ngữ) (2).
Điều đặc biệt cần lưu ý, điều 4 và 5 của Tuyên bố chung đã được chi tiết hóa thông qua Nghị quyết của Francophonie (3). Nghị quyết của OIF-19 có hai đoạn rất then chốt: Thứ nhất là“lên án mạnh mẽ các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, nhân quyền và luật nhân đạo do cuộc xâm lược quân sự của Nga vào Ukraine gây ra; và lên án các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng dân sự, ảnh hưởng đến an ninh năng lượng của khu vực và an ninh lương thực trên toàn thế giới; cũng như các cuộc tấn công vào tài sản văn hóa” (4). Thứ hai là “kêu gọi Liên bang Nga rút toàn bộ và vô điều kiện các lực lượng quân sự khỏi Ukraine, trong các biên giới được quốc tế công nhận, và đạt được một nền hòa bình công bằng và bền vững phù hợp với luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc” (5). Vậy “Nghị quyết về các tình huống khủng hoảng…” đã được OIF-19 thông qua như thế nào? Xem lại trang 15 về thủ tục của các cơ quan có thẩm quyền Francophonie, Nghị quyết ấy được thông qua theo nguyên tắc đồng thuận (par consensus), hoặc bỏ phiếu (par vote). Tức là thông qua chủ yếu dựa trên tuyên bố đồng thuận bằng miệng hoặc một số trường hợp là biểu quyết (6).
Tiếp nữa, khi Nghị quyết đã được thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh thì các dự thảo trở thành chính thức và có giá trị thi hành ngay lập tức. Ở đây không có thông tin cụ thể về việc Việt Nam đồng ý hay phản đối Nghị quyết nói trên. Hơn nữa, theo thủ tục của OIF thì không có chuyện bảo lưu đối với các Nghị quyết! Nghĩa là toàn bộ 78 điều khoản được ghi trong Nghị quyết đã được các thành viên chấp thuận. Cho đến nay, truyền thông và báo chí cả Pháp lẫn phương Tây chưa thấy cơ quan nào đưa ra câu chuyện bảo lưu, thậm chí chống lại Nghị quyết nói trên. Nếu Việt Nam đã không chống lại Nghị quyết ấy (nhấn mạnh là “nếu”) thì rõ ràng đã có “sự đảo chiều” rất quan trọng trong chính sách đối ngoại nói chung và đặc biệt là trong chủ trương đối với cuộc chiến tranh của Nga chống lại Nhà nước và nhân dân Ukraine nói riêng! Còn nếu Việt Nam đã ủng hộ Nghị quyết OIF-19 (cũng nhấn mạnh là “nếu”) thì có thể kết luận, nước này sẵn sàng điều chỉnh chính sách đối ngoại khi lợi ích quốc gia hoặc các giá trị quốc tế mà Việt Nam ủng hộ, bị đe dọa.
Từ trước đến nay, Việt Nam giữ lập trường trung lập trong nhiều cuộc xung đột quốc tế, đặc biệt là trong cuộc chiến tranh đang diễn ra ở Ukraine, để tránh việc đứng về một bên cụ thể để cố gắng giữ cân bằng trong quan hệ với các cường quốc lớn (7). Lập trường này đã giúp Việt Nam duy trì quan hệ tốt với cả Mỹ, Nga và Trung Quốc, các quốc gia có vai trò quan trọng trong khu vực và trên thế giới. Nhưng kéo dài mãi lập trường này có thể sẽ nguy hiểm đối với Việt Nam khi Trung Quốc ngày càng đang tạo ra cục diện “tứ bề thọ địch” cho Hà Nội. Rõ ràng, Nghị quyết lên án hành động của Nga lần này đồng nghĩa với việc các nước thành viên, trong đó có Việt Nam, cũng đặt ra sự khác biệt với Trung Quốc, quốc gia đã bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ, không chỉ trong tuyên bố mà cả trên hành động, với Nga trong cuộc xung đột này. Trung Quốc và Nga có quan hệ đối tác chiến lược và thường thể hiện sự ủng hộ lẫn nhau trong nhiều vấn đề quốc tế, bao gồm cả cuộc chiến ở Ukraine. Giờ đây, khi Việt Nam “chia sẻ và ủng hộ những nội dung trong Tuyên bố chung của Hội nghị cấp cao Pháp ngữ”, vô hình chung có thể gián tiếp gây căng thẳng trong quan hệ với cả Nga lẫn Trung Quốc.
Nếu tình huống vừa nêu là thật, có thể có nhiều lý do để Việt Nam phải tính đến việc điều chỉnh lập trường trong vấn đề Ukraine. Chiến tranh Ukraine đã gây ra những tác động tai hại đến kinh tế và chính trị toàn cầu, bao gồm vấn đề an ninh năng lượng và lương thực, và tình hình này có thể đã ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam. Việc “chia sẻ và ủng hộ những nội dung trong Tuyên bố chung của Hội nghị cấp cao Pháp ngữ”, tại đó điều 4 và 5 của Tuyên bố chung ấy được thể hiện thông qua một Nghị quyết có nội dung lên án Nga, cho thấy Việt Nam không chỉ thể hiện việc ủng hộ luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc, mà còn lo lắng cho chính những lợi ích quốc gia của mình. Lý do khác liên quan đến việc Việt Nam có thể thay đổi lập trường là vì, Hà Nội muốn duy trì và phát triển thực chất hơn quan hệ với phương Tây, đặc biệt là với Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu. Tất cả dường như đang bắn đi một tín hiệu cho thấy lập trường của các đối tác trong EU, những nước đã liên tục chỉ trích Nga trong cuộc chiến tranh ở Ukraine, đã có tác động đến Hà Nội. Nhưng có lẽ nguyên nhân trực tiếp nhất buộc Việt Nam phải điều chỉnh, có thể là do Hà Nội đang tìm kiếm một vai trò trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine.
Trong chuyến công tác tại Liên Hiệp Quốc, TBT — CTN Tô Lâm đã có cuộc gặp được lên kế hoạch từ Hà Nội với Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky. Thông tin từ nguồn ẩn danh của Bộ Ngoại giao Việt Nam cho hay tại cuộc gặp, TBT — CTN Tô Lâm khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống và khuôn khổ quan hệ Đối tác toàn diện với Ukraine. Ông Tô Lâm cũng nêu quan ngại về tình hình xung đột hiện nay và kêu gọi chấm dứt xung đột, khôi phục hòa bình, bảo vệ an ninh, an toàn của người dân và các cơ sở hạ tầng thiết yếu. Đại sứ Ukraine tại Việt Nam Oleksandr, nói với BBC rằng, Kyiv tin cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo là cực kỳ quan trọng với cả đôi bên và không nên coi đó chỉ là nhất thời. Cuộc gặp này không chỉ báo hiệu sự tái lập hợp tác song phương, mà còn tạo cơ hội để củng cố và mở rộng mối quan hệ đã gắn kết Ukraine và Việt Nam trong nhiều thập niên trước đây. Đại sứ Oleksandr nhấn mạnh: “Kyiv mong đợi trong tương lai gần sẽ được chứng kiến những kết quả cụ thể và thiết thực từ các thỏa thuận đạt được trong cuộc đối thoại lịch sử này… Sự mong đợi này phán ánh cam kết chung trong việc biến những nguyện vọng được nêu trong cuộc gặp thành những bước đi khả thi có lợi cho cả hai quốc gia” (8).
Nếu Hà Nội điều chỉnh lập trường về cuộc chiến Ukraine thì đây sẽ là thay đổi lớn và có ý nghĩa quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, thể hiện sự linh hoạt của Hà Nội trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia. Tuy nhiên, điều này cũng chứa đựng những rủi ro nhất định cả về nội trị lẫn ngoại giao. TBT — CTN phải khéo léo trong cân bằng quan hệ với các cường quốc như Nga, Trung Quốc và các nước phương Tây. Nhưng như ông Tô Lâm đã phát biểu tại Đại học Columbia ngày 23/9/2024: “Con đường phát triển của Việt Nam không thể tách rời xu hướng chung của thế giới và nền văn minh nhân loại. Truyền thống của chúng tôi là 'giàu vì bạn'. Chúng tôi không thể đạt được những mục tiêu cao cả nếu thiếu sự đoàn kết trong sáng và sự ủng hộ quý báu từ cộng đồng quốc tế”. Nói vậy, nhưng chưa hẳn mọi quân tướng của CTN — TBT đều đã muốn như vậy. Về đối ngoại, Tô Lâm buộc phải thỏa hiệp với Macron nhằm thành tựu quan hệ “Đối tác chiến lược toàn diện”. Cũng giống như khi ông ca ngợi cái thuở “bộ đội Mỹ là bạn ta…” đứng trên Lễ đài Ba Đình ngày 2/9/1945 tại Hà Nội, thì ngay lập tức đã có chỉ đạo xóa đoạn ấy trong diễn văn của ông tại New York! (9) Thay đổi đối với ông Tô Lâm và phe cánh xem ra vẫn còn nhiều chông gai phía trước!
Tham khảo:
(7) /a/la-phieu-la-cua-viet-nam-o-lhq-noi-len-dieu-gi-/7078687.html