Đinh Hoàng Thắng
Theo thông báo của Điện Élysée, chiều 7/10/2024 [giờ Paris] Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tiếp Tổng bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm tại Phủ Tổng thống.
Nâng cấp quan hệ với Paris lên CSP
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước [TBT - CTN] Tô Lâm và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã gặp gỡ báo chí chung trước hội đàm. Nhắc lại một ngạn ngữ Pháp “Khi muốn, ta có thể, mà đã có thể, ta cần phải làm”, với ý chí và quyết tâm nhằm đưa quan hệ hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, TBT — CTN Tô Lâm mong muốn trong hội đàm, hai bên sẽ trao đổi cụ thể về các định hướng và giải pháp chiến lược trên 5 nhóm lĩnh vực nhằm nâng cấp quan hệ Việt Nam – Pháp lên mức độ quan hệ mới hai bên đã có lộ trình. Kết thúc đàm phán, hai nhà lãnh đạo nhất trí tuyên bố nâng cấp quan hệ lên “Đối tác Chiến lược toàn diện” [CSP] và thống nhất các phương hướng, biện pháp lớn nhằm đưa khuôn khổ quan hệ CSP Việt Nam – Pháp ngày càng đi vào thiết thực, phù hợp với khuôn khổ hợp tác giữa hai nước trong bối cảnh mới [1]. Với quyết định này, Pháp trở thành nước đầu tiên trong EU có quan hệ “Đối tác chiến lược toàn diện” [CSP] với Việt Nam.
Tại họp báo, Tổng thống Emmanuel Macron khẳng định, Pháp mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam, nhất là thúc đẩy tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp. Chính phủ Pháp sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi để đón tiếp các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Pháp và giúp Việt Nam thực hiện hiệu quả những dự án của mình. Ngoài hợp tác kinh tế, hướng tới tương lai, Pháp rất coi trọng các hợp tác về giáo dục, y tế và nghiên cứu về giảng dạy, đào tạo cũng như những hợp tác liên quan việc bảo tồn phát triển, nâng cao công trình, giá trị văn hóa. TBT — CTN Tô Lâm đáp lại: “Nước Pháp luôn luôn có một vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam và luôn có vai trò, vị thế trong cộng đồng Pháp ngữ và trên thế giới. Trước những sự phát triển sâu rộng của quan hệ Việt Nam và Pháp, cũng như để phù hợp với bối cảnh mới hiện nay của quốc tế và khu vực, hơn lúc nào hết quan hệ Việt Nam và Pháp cần phải được nâng lên một tầm cao mới…” [2].
Ngay sau họp báo, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã chứng kiến Lễ ký kết 2 văn kiện hợp tác giữa Việt Nam và Pháp. Cụ thể: Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn và Bộ trưởng Giáo dục Quốc gia Pháp Anne Genetet ký: “Thỏa thuận hợp tác về Giáo dục giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Pháp”. Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP Hàng không VietjetAir Nguyễn Thị Phương Thảo cùng Tổng Giám đốc Đinh Việt Phương và Tổng Giám đốc tập đoàn Safran Oliver Andriès cùng Tổng Giám đốc CFM International Gael Méheust ký: “Hợp đồng cung cấp động cơ và dịch vụ bảo dưỡng động cơ cho 200 máy bay thân hẹp” [3]. Còn sau hội đàm, về quan hệ đối tác mới, Tổng thống Macron phát biểu: “Những mục tiêu này [vì sự thịnh vượng của mỗi nước] sẽ được thực thi trong khuôn khổ quan hệ “Đối tác chiến lược toàn diện” với lộ trình chúng ta vừa thông qua.
Không có tiêu chuẩn kép về chủ quyền
Trong diễn văn khai mạc thượng đỉnh Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ [OIF], chiều hôm 4/10/2024, tại cung điện Villers-Cotterêts, đông bắc Thủ đô Paris, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi cộng đồng Pháp ngữ đoàn kết để hóa giải ‘‘các thách thức của thế kỷ’’, trước hết là các đe dọa đối với ‘‘chủ quyền quốc gia’’ tại nhiều nơi trên thế giới. Nguyên thủ nước Pháp nhấn mạnh cộng đồng Pháp ngữ cần bảo vệ ‘‘một lập trường chung, đó là không có chỗ cho các tiêu chuẩn kép’’ trong vấn đề chủ quyền quốc gia, và ‘‘mạng sống của con người cần phải được bảo vệ bất kể là trong xung đột nào’’. Phát biểu này được coi là để gián tiếp đáp lại các chỉ trích nhắm vào phương Tây, bị coi là nhất bên trọng, nhất bên khinh về các xung đột trên thế giới. Tổng thống Macron cũng kêu gọi nỗ lực vì một khu vực Ấn Thái Dương ‘‘hòa dịu’’, ‘‘nơi không có một thế lực nào có thể thách thức nền hòa bình với các đòi hỏi lãnh thổ hay nối lại các vụ thử vũ khí’’ [4]. Nhấn mạnh này của Macron hàm ý chỉ trích Trung Quốc và Bắc Triều Tiên.
Biên cương mới để bảo vệ chủ quyền quốc gia ngày nay đối với Hà Nội chính là hệ thống “đối tác chiến lược” [SP] và “đối tác chiến lược toàn diện” [CSP] của đất nước này với các thành viên của P5, EU, với các “Bộ Tam” [AUKUS] và “Bộ Tứ” [QUAD] [5]. Sự hình thành liên minh tam cường AUKUS đã tạo nên những cơn sóng phản ứng khác nhau. Mặc dù không tuyên bố chính thức, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, sự trung lập của Việt Nam có thể ngầm hiểu là một sự ủng hộ AUKUS [6]. Theo Tổng thống Macron, Hội nghị Francophonie lần này “mở ra những con đường hợp tác mới, cần nỗ lực và đoàn kết của tất cả các nước thành viên’’. Theo giới phân tích, an ninh quốc tế không chỉ diễn ra ở tận châu Phi hay Cận Đông xa xôi, mà ngay mới đây thôi, thế giới đã thấy rõ, làm thế nào để bảo vệ các ngư dân Việt Nam khỏi các hành vi tấn công và cướp bóc trên Biển Đông. Sau những tuyên bố đanh thép của Hà Nội sau vụ Trung Quốc hành hung ngư dân trên vùng biển Hoàng Sa, “chính sách ba không” dường như đang có sự chuyển dịch đáng kể. Theo một nhà phân tích am hiểu tình hình nội chính yêu cầu dấu tên, “chính sách 3 không” từ nay khác với “3 không” của chính thống [7]. Phần đông dân Việt Nam hiểu rằng, “3 không” giờ đây là, nếu không có hệ thống SP và CSP thì sẽ “không có hòa bình”, “không có phát triển” và “cũng chẳng có luôn ổn định xã hội”.
Tái cấu trúc “di truyền văn hóa”
Thông qua các ảnh hưởng từ Pháp, Mỹ và phương Tây, Việt Nam đang trải qua quá trình “đảo gen văn hóa”, tạo ra một bản sắc mới, vừa bản địa vừa toàn cầu hóa. Liệu sự thay đổi này có thể giúp phát triển tiềm lực nội tại mạnh mẽ hơn không? Pháp và Việt Nam có mối quan hệ lâu dài từ trong lịch sử cận đại, và phần lớn di sản văn hóa Pháp vẫn tồn tại và ảnh hưởng đến Việt Nam ngày nay. Ngôn ngữ, kiến trúc, giáo dục, và hệ thống pháp luật của Việt Nam đều bị ảnh hưởng sâu sắc từ Pháp. Tái cấu trúc di truyền văn hóa có thể được hiểu là sự tiếp cận có chọn lọc các yếu tố văn hóa từ bên ngoài, tạo ra những “đột biến” tích cực, góp phần thúc đẩy sự phát triển và hiện đại hóa của văn hóa Việt Nam [8]. Kiến trúc Pháp tại Hà Nội và Sài Gòn là minh chứng rõ ràng cho sự ảnh hưởng văn hóa Pháp. Những công trình như Nhà thờ Đức Bà, Nhà hát Lớn Hà Nội, cùng các biệt thự cổ điển mang phong cách Pháp, vẫn là phần không thể tách rời của cảnh quan đô thị Á – Âu. Hệ thống giáo dục và tư tưởng khai phóng Tây Âu cũng đã được tiếp thu, với nhiều thế hệ trí thức Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu sắc từ các trào lưu tư tưởng của Pháp.
Tuy nhiên, khi thảo luận về văn hóa và các giá trị nhân văn cốt lõi của Pháp cũng như di sản của nước này tại Việt Nam, không thể bỏ qua một yếu tố quan trọng. Đó chính là các giá trị nhân quyền và dân quyền mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặc biệt coi trọng từ những ngày đầu của cuộc đấu tranh giành độc lập. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, những nguyên tắc về 'Tự do, Bình đẳng và Bác ái' vẫn là những giá trị trường tồn, vượt qua không gian và thời gian, đã góp phần tạo nên nền văn minh Pháp. Những giá trị này không thể bị lãng quên bởi những toan tính lợi ích ngắn hạn hay cục bộ. Không phải ngẫu nhiên mà phần đầu của Tuyên bố chung 7/10/2024 đã nhấn mạnh tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương, với Liên Hợp Quốc đóng vai trò trung tâm, đồng thời tái khẳng định cam kết tuân thủ Hiến chương Liên Hợp Quốc, đặc biệt trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người và các quyền tự do cơ bản – những yếu tố cốt lõi đối với sự phát triển của mỗi quốc gia. Nếu như không có tiêu chuẩn kép về chủ quyền quốc gia, thì cũng không thể có tiêu chuẩn kép cho các giá trị tự do, dân chủ và nhân quyền!
Trong Tuyên bố chung sau hội đàm, hai bên nhắc lại lập trường trước đây, Pháp và Việt Nam tái khẳng định “tầm quan trọng của việc duy trì an ninh và tự do hàng hải cũng như hàng không không bị cản trở, cũng như quyền đi lại vô hại ở Biển Đông”. Trong bối cảnh ấy, hai nước cam kết “phát triển quan hệ trong lĩnh vực quốc phòng” và tạo “động lực mới” cho hợp tác trong các vấn đề công nghiệp – quân sự. Đặc biệt, Việt Nam sẽ tạo điều kiện cho tàu Pháp ghé thăm các cảng của Việt Nam nhằm phát triển hợp tác chung và trao đổi chuyên môn giữa hải quân và lực lượng cảnh sát biển [9]. Đề cập đến cuộc xung đột phi thực dân hóa đẫm máu trong quá khứ, Emmanuel Macron cảm ơn người đối thoại vì “sự can đảm để dung hòa những ký ức này với quyết tâm nhìn về tương lai”. Quả là hoài niệm để tiến về phía trước!
Tham khảo:
[5] /a/bo-tu-kim-cuong-su-gan-ket-chien-luoc-loi-ich-song-trung-cua-ha-noi/5832002.html
[8] https://daidoanket.vn/gap-go-dong-tay-nhip-cau-rung-cam-noi-lien-hai-nen-van-hoa-10114472.html
Diễn đàn