Cái chết của bin Laden và quan hệ Mỹ-Afghanistan-Pakistan

  • Al Pessin

Thứ trưởng Quốc phòng đặc trách về chính sách của Hoa Kỳ Michelle Flournoy nói chính quyền Obama tin rằng điều quan trọng là tiếp tục công cuộc hợp tác của Mỹ với Pakistan trong cuộc chiến chống khủng bố

Một giới chức cấp cao trong ngành quốc phòng Hoa Kỳ đã đưa ra lời bình chính thức đầu tiên về ảnh hưởng của cái chết của Osama bin Laden. Thứ trưởng Quốc phòng đặc trách về chính sách, bà Michele Flournoy hôm qua tuyên bố biến cố này có thể thúc đẩy hòa giải ở Afghanistan, nhưng cũng đề ra những thách thức mới cho bang giao giữa Hoa Kỳ và Pakistan. Từ thủ đô Washington, thông tín viên VOA ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Thứ trưởng Flournoy ở vào một vị thế đáng chú ý hôm thứ Hai khi chủ trì các cuộc hội ý về an ninh đã được hoạch định từ lâu giữa Hoa Kỳ và Pakistan. Cuộc hội ý diễn ra chỉ khoảng 15 tiếng đồng hồ sau khi Tổng thống Barack Obama loan báo bin Laden dã bị biệt kích Hoa Kỳ hạ sát ở thị trấn Abbottabad của Pakistan. Bà Flournoy cho biết bà có một thông điệp cụ thể cho phía Pakistan trong cuộc họp đó.

Bà Flournoy nói: “Điều chúng tôi vẫn từng nhấn mạnh trong các cuộc đối thoại là tầm quan trọng của việc củng cố công cuộc hợp tác chống khủng bố với Pakistan, và đẩy mạnh theo một đường lối sao cho sự hợp tác là rõ ràng, cụ thể và không thể chối cãi được.”

Phát biểu với một nhóm nhỏ các phóng viên tại văn phòng ở Washington của Viện Aspen hồi hôm qua, bà Flournoy nói cần phải có “nhiều biện pháp,” kể cả việc giúp diễn dịch thông tin thu thập được từ khu dinh cơ của bin Laden, hợp tác trong những phương thức nhằm gây áp lực cho al-Qaida, và trong các nỗ lực cải thiện tình hình ổn định ở Pakistan và Afghanistan.

Bà cho biết bà đã có những cuộc đối thoại “thẳng thắn” với các giới chức Pakistan về các biện pháp đó và về tương lai của mối bang giao giữa Hoa Kỳ và Pakistan. Bà Flournoy nói các hành động mới của Pakistan đặc biệt quan trọng để bảo đảm cho sự tài trợ nhằm tiếp tục công cuộc hợp tác song phương.

Bà Flournoy nói tiếp: “Tôi thực sự nghĩ rằng sẽ phải thuyết phục Quốc hội để duy trì viện trợ cả dân sự lẫn quân sự cho Pakistan.”

Tình hình đã thể hiện gần như cùng lúc ở khắp thủ đô, trong một cuộc điều trần của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện. Chủ tịch Ủy ban, ông John Kerry của đảng Dân chủ, đã nêu ra một số câu hỏi mà nhiều thành viên Quốc Hội từng thắc mắc.

Ông Kerry cho biết: “Quân đội và các cơ quan tình báo Pakistan đã biết được những gì? Phải nghĩ như thế nào về những điều mà ắt hẳn họ phải biết? Họ nghĩ là ai đang sống đằng sau những bức tường cao gần 5 mét đó?”

Bà Flournoy cho rằng “không có bằng chứng chắc chắn” rằng các giới chức Pakistan biết được là thủ lãnh al-Qaida đang trốn ở một thị trấn đông đúc mà phần lớn cư dân là sĩ quan quân đội hồi hưu. Nhưng bà nói khối lượng lớn tài liệu lấy được từ khu dinh cơ của bin Laden có thể chứng tỏ mọi sự không phải như thế.

Bà cũng nói rằng chính quyền Obama tin rằng điều quan trọng là tiếp tục công cuộc hợp tác của Mỹ với Pakistan trong cuộc chiến chống khủng bố, bất kể những mối quan ngại về nơi ẩn trốn của bin Laden và các vấn đề khác, kể cả những hoạt động đôi khi đáng ngờ của cơ quan tình báo Pakistan.

Thượng nghị sĩ Kerry bày tỏ một quan điểm tương tự, và thành viên cấp cao nhất của đảng Cộng hòa trong Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, ông Richard Lugar cũng thế.

Ông Lugar nói: “Chúng ta phải thừa nhận rằng Pakistan không phải là một đối tác dễ dàng. Nhưng tự tránh xa Pakistan là điều thiếu thận trọng và cực kỳ nguy hiểm.”

Ông Lugar nói một sự rạn nứt trong bang giao với Pakistan không những sẽ gây phương hại cho cuộc chiến chống khủng bố, mà còn làm suy yếu công cuộc thu thấp tin tức tình báo, và gia tăng nguy cơ của cuộc xung đột giữa Pakistan và Ấn Độ, đồng thời chấm dứt sự can dự của Hoa Kỳ trong việc giúp bảo đảm an toàn cho kho vũ khí hạt nhân của Pakistan và gây khó khăn thêm cho các cuộc hành quân của Hoa Kỳ ở Afghanistan.

Tại Viện Aspen, Thứ trưởng Flournoy cho rằng cái chết của bin Laden có thể thúc đẩy nhanh sự chấm dứt cuộc xung đột ở Afghanistan.

Ông Flournoy nhận xét: “Tôi nghĩ nay khi Osama bin Laden đã chết, thì một số quan hệ cá nhân liên kết các thủ lãnh cấp cao của Taliban với hắn ta, mối quan hệ đó đã bị cắt đứt. Và tôi cho rằng sự kiện đó tạo ra một cơ hội cho họ ra mặt từ bỏ al-Qaida và liên hệ của họ với tổ chức này.”

Theo bà Flournoy, cái chết của bin Laden “giáng một cú mạnh vào al-Qaida”, và bà tỏ ý hy vọng sẽ có thêm các thủ lãnh al-Qaida chấp nhận các điều kiện của Tổng thống Hamid Karzai và tham gia vào tiến trình hòa giải.

Một số thành viên Quốc Hội Mỹ nói rằng việc triệt thoái quân đội Hoa Kỳ ra khỏi Afghanistan, dự trù vào tháng 7, cần phải được đẩy nhanh. Nhưng chính quyền của Tổng thống Obama nói rằng tiến độ của việc triệt thoái vẫn cần phải dựa trên mức tiến bộ đạt được trong việc hướng tới ổn định.