Việt Nam chấm dứt khai thác thủy sản bất hợp pháp để gỡ ‘thẻ vàng’ của EU trong năm nay

Một sĩ quan Cảnh sát biển Hoàng gia Thái Lan đứng trước hai tàu đánh cá Việt Nam bị bắt giữ đang neo đậu ven biển ở tỉnh Narathiwat hồi tháng 4/2020. Việt Nam đặt mục tiêu chấm dứt đánh bắt cá hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài vào tháng 5 năm nay.

Việt Nam quyết tâm gỡ “thẻ vàng” mà Liên minh châu Âu đang áp lên ngành khai thác thủy sản của quốc gia Đông Nam Á bằng cách đặt mục tiêu chấm dứt các tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp vào giữa năm nay.

Việt Nam bị Ủy ban châu Âu (EC) áp dụng hình thức cảnh báo “thẻ vàng” trong hơn 5 năm qua vì tình trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (IUU) và có nguy cơ tiếp tục bị phạt “thẻ đỏ” nếu không cải thiện tình hình.

Việt Nam hiện đang đối mặt với khoản thiệt hại lên tới 480 triệu USD mỗi năm trong xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU nếu bị phạt “thẻ đỏ”.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang hôm 15/2 ký ban hành Kế hoạch Hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, theo báo Công Thương.

Mục tiêu của Kế hoạch là “triển khai đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả” các quy định pháp luật thủy sản để khắc phục các tồn tại, hạn chế theo khuyến nghị của EC về IUU nhằm gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của khối này trong năm 2023.

Theo Kế hoạch, cũng được Tiền Phong ghi nhận, các bộ, ngành và địa phương phải rà soát, thống kê toàn bộ số lượng tàu cá, hoàn thành 100% việc đăng ký, đăng kiểm, đánh dấu tàu cá, cấp giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS) theo quy định. Mục tiêu là đảm bảo 100% hồ sơ các lô hàng xuất khẩu sang thị trường châu Âu và các thị trường khác có yêu cầu truy xuất được nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác.

Việt Nam bị EC phạt “thẻ vàng” vào tháng 10/2017 và cảnh báo có thể sẽ cấm nhập thủy sản từ Việt Nam nếu quốc gia Đông Nam Á không “làm nhiều hơn” để cải thiện tình trạng IUU.

Kể từ sau khi bị cảnh cáo “thẻ vàng”, EC đã tiến hành kiểm tra thực tế Việt Nam 3 lần vào các năm 2017, 2019 và tháng 10 năm ngoái.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến hồi đầu tháng này cho biết rằng qua lần kiểm tra thứ 3, Ủy ban châu Âu chỉ ra những tồn tại về giám sát hoạt động của tài cá trên biển, vẫn còn số lượng lớn các tàu cá bị bắt khi hoạt động ở vùng biển nước ngoài, theo Tiền Phong.

Ngư dân và tàu cá của Việt Nam từng bị bắt khi được cho là đánh bắt trái phép trong vùng biển của Thái Lan, Indonesia, Philippines, Malaysia và Campuchia. Mới đây nhất, cơ quan chức năng Malaysia đã bắt giữ hai tàu cá Việt Nam cùng với 19 thuyền viên ở phía đông bắc ngoài khơi đảo Aur của nước này. Trước đó, 37 ngư dân tỉnh Quảng Nam đã được Malaysia thả về sau khi bắt giữ và cáo buộc họ vi phạm luật thủy sản của nước này.

Sau lần kiểm tra thứ 3 của EC, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã banh hành chương trình hành động 180 ngày quyết tâm gỡ "thẻ vàng" để chuẩn bị cho đợt kiểm tra tiếp theo của EC vào tháng 4 năm nay.

Mục tiêu của Kế hoạch vừa được ban hành hôm 15/2 là từ nay đến tháng 5, điều tra và xử lý 100% vụ việc tàu cá Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ, xử lý và xử phạt 100% các trường hợp vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài cũng như thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Mục tiêu này lùi lại hai tháng so với yêu cầu của Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra hồi tháng 12 năm ngoái, trong đó ông Chính chỉ thị cho các bộ ngành, địa phương phối hợp ngăn chặn và chấm dứt tình trạng tàu cá khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài trước ngày 31/3 năm nay.