Đường dẫn truy cập

Chuyên gia: ‘Việt Nam và Malaysia nên hợp tác để dẹp nạn đánh bắt cá trái phép’


Ảnh minh họa- Tàu cá Việt Nam neo tại cảng cá Thọ Quang (Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng). (AP Photo/Hau Dinh)
Ảnh minh họa- Tàu cá Việt Nam neo tại cảng cá Thọ Quang (Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng). (AP Photo/Hau Dinh)

Giới phân tích hôm 18/8 hối thúc Việt Nam và Malaysia nên cấp tốc làm việc với nhau để diệt trừ nạn đánh bắt cá trái phép, sau khi các giới chức hàng hải Malaysia bắn chết một ngư dân Việt Nam vào cuối tuần rồi, theo Legacy Times.

Truyền thông Việt Nam cho biết chính phủ Việt Nam đã tiếp xúc với nhà chức trách Malaysia hôm 18/8 về vụ việc xảy ra trong các vùng biển của nước này. Các quan chức Việt Nam ở Kuala Lumpur được yêu cầu phải bảo vệ các quyền của những ngư dân bị bắt giữ, và điều tra cái chết của một ngư dân.

Cảnh sát biển Malaysia nói tình hình trở xấu khi hai chiếc tàu bị nghi đánh cá bất hợp pháp trong vùng biển ngoài khơi phía đông Kelantan được kiểm tra vào chiều tối Chủ nhật.

Trong một tuyên bố, cảnh sát biển Malaysia nói khi được lệnh đầu hàng, 19 thuyền viên trên tàu đã có “hành động hung hăng”, và ném “bom xăng”.

Hãng tin AFP dẫn lời người chỉ huy lực lượng tuần duyên Malaysia, ông Mohamad Zubil Mat Som, nói rằng cảnh sát tuần duyên “không có lựa chọn nào khác hơn là nổ súng để tự vệ”.

Ông nói thêm rằng họ đã hành động để “bảo vệ tính mạng và bảo vệ chủ quyền quốc gia.”

Giới phân tích nêu lên những quan ngại về hệ quả của sự cố này đối với các quan hệ trong nội bộ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á - ASEAN, bên cạnh các quan hệ của akhu vực với Trung Quốc, vốn vẫn bị tố cáo là thường xuyên đánh cá trong các vùng biển của Việt Nam.

'Việt Nam cần kiểm soát chặt chẽ hơn cộng đồng ngư dân'

Một nhà nghiên cứu thuộc Trường Quan hệ quốc tế S Rajaratnam ở Singapore, ông Collin Koh, được Legacy Times dẫn lời nói rằng “Việt Nam cần kiểm soát chặt chẽ hơn cộng đồng ngư dân của mình”.

Ông Koh nói thêm rằng trước đây đã có nhiều “dấu hiệu cảnh báo trước khi xảy ra sự cố mới nhất, nghiêm trọng nhất”.

Nhắc lại vụ đối đầu giữa Malaysia và Việt Nam ngoài khơi Terengganu vào tháng 9 năm ngoái, ông nói:

“Phải nhớ rằng Hà Nội vẫn đang vận động để EU rút lại thẻ vàng cho thủy sản Việt Nam do đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định.”

Đánh bắt cá trái phép thường xuyên xảy ra trong Biển Đông, với hai nước có kỹ nghệ đánh cá phát triển nhất, là Trung Quốc và Việt Nam, bị tố cáo vi phạm thường xuyên nhất.

'ASEAN đừng để bị đánh lạc hướng, phải hiệp lực giải quyết chuyện lớn'

Một yếu tố khác gây tranh cãi là lệnh cấm đánh bắt cá của Bắc Kinh áp dụng từ ngày 1/5 tới Chủ nhật 16/8/2020 trong các vùng biển trên vĩ tuyến 12, trong khi ngư dân Việt Nam và Philippines khẳng định các vùng biển đó không nằm trong khu vực tài phán của Trung Quốc, gồm quần đảo Trường Sa, các vùng biển quanh bãi cạn Scarborough và Vịnh Bắc Bộ.

Trung Quốc nói lệnh cấm đánh bắt cá là cần thiết để duy trì trữ lượng hải sản, nhưng các nước Đông Nam Á kể cả Malaysia, Việt Nam, Philippines và Brunei nói hành động đó của Bắc Kinh đi ngược với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982.

Nhà nghiên cứu Koh nói những sự cố như đã xảy ra hôm Chủ nhật có thể tác động đến các quan hệ giữa Malaysia và Việt Nam, đồng thời đánh lạc hướng và gây chia rẽ các nước ASEAN trong khi khối này nên hiệp lực để giải quyết những vấn đề lớn hơn trong cuộc tranh chấp Biển Đông.

Nhà nghiên cứu của trường Quan hệ quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore cảnh giác rằng ASEAN nên giải quyết các vấn đề trong nội bộ một cách đúng đắn để tạo điều kiện cho sự đoàn kết tại mặt trận Biển Đông trong tương lai.

Ông Collin Koh nói không làm như vậy, thì chỉ kéo dài hiện trạng của ASEAN, mà ông mô tả là “một khối đầy mâu thuẫn nội bộ”, khiến toàn khu vực tiếp tục bị Bắc Kinh chia rẽ và tấn công bằng “chiến lược cắt lát salami.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG