Bà Trương Thị Mai vừa được chọn làm thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, chức vụ mà trước đó do ông Võ Văn Thưởng, người mới trở thành chủ tịch nước, đảm nhiệm, và trở thành người phụ nữ đầu tiên giữ cương vị này ở Việt Nam.
Truyền thông nhà nước cho biết Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hôm 6/3 trao quyết định của Bộ Chính trị, cơ quan quyền lực cao nhất của Việt Nam, “phân công” bà Mai giữ chức Thường trực Ban Bí thư khóa 13, chỉ vài ngày sau khi ông Thưởng rời chức vụ này để trở thành tân chủ tịch nước.
Ông Thưởng được Quốc hội Việt Nam bầu làm chủ tịch nước hôm 2/3 để thay thế cho ông Nguyễn Xuân Phúc, người bất ngờ từ chức hồi giữa tháng 1 trong lúc chiến dịch chống tham nhũng ngày càng sâu rộng và lan đến nhiều bộ, ngành của chính phủ, do ông Trọng dẫn dắt.
Bà Mai, từng là phó trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, là người phụ nữ đầu tiên đảm nhiệm vai trò đứng đầu Ban Bí thư trong lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, theo truyền thông trong nước.
Việc bổ nhiệm bà Mai diễn ra trong bối cảnh những biến động chính trường chưa có tiền lệ ở Việt Nam, trong đó ông Phúc là quan chức cấp cao nhất được cho là bị buộc thôi chức vì trách nhiệm liên quan đến những sai phạm của cấp dưới trong vụ 'thổi' giá kit xét nghiệm của công ty Việt Á, một đại án trong chiến dịch “đốt lò” của ông Trọng.
Trước đó, hai phó thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam, từng dưới quyền ông Phúc khi ông là thủ tướng, đã bị buộc thôi chức cũng vì trách nhiệm liên đới tới những sai phạm tham nhũng. Hàng trăm quan chức từ nhiều bộ, ngành, trong đó có ngoại giao, công an, y tế, giao thông đã bị bắt hoặc truy tố trong chiến dịch chống tham nhũng mà ông Trọng nói “không có vùng cấm.”
XEM THÊM: Ông Võ Văn Thưởng trở thành tân chủ tịch nước. Vì sao Đảng chọn ông?Tân Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai, trong bài phát biểu khi nhận nhiệm vụ hôm 6/3, khẳng định rằng Đảng Cộng sản Việt Nam “là đảng cầm quyền” và cam kết “phải giữ gìn Đảng thật trong sạch,” theo Tuổi Trẻ. Bà Mai, 65 tuổi, còn hứa sẽ “phải xứng đáng là người lãnh đạo” và là “người đầy tớ trung thành của nhân dân.”
Trước bà Mai, những người đứng đầu Ban Bí thư đều là đàn ông. Theo nhận định của Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak Institute), bà Mai, người có bằng cử nhân về luật và lý luận chính trị, "được chọn theo tiêu chuẩn chứ không phải theo cơ cấu về giới."
Nhà nghiên cứu của ISEAS, có trụ sở ở Singapore, cho rằng chức vụ thường trực Ban Bí thư là “rất quan trọng” vì nó “là cầu nối và bộ lọc giữa Bộ Chính trị của Đảng và nhà nước.”
Ban Bí thư lãnh đạo công việc hàng ngày của Đảng, trong đó có giám sát việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, cũng như chỉ đạo phối hợp hoạt động giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị của Việt Nam, theo VnExpress.
“Mọi hoạt động của nhà nước phải được Bộ Chính trị và Ban Bí thư phê duyệt thì mới được làm (và) thường trực Ban Bí thư là người thẩm định mọi đề xuất của nhà nước,” TS Hợp, hiện đang sinh sống tại Hà Nội và là đồng tác giả cuốn sách về chống tham nhũng “Tội phạm tài chính trong hội nhập”, cho biết.
Khi tuyên thệ nhậm chức chủ tịch nước hôm 2/3, ông Thưởng, người giữ chức thường trực Ban Bí thư từ 2016 đến khi thôi vào tuần trước, cũng cam kết hoàn thành những nhiệm vụ được Đảng giao phó và “kiên quyết” tiếp tục cuộc chiến chống tham nhũng.
Theo truyền thông nhà nước Việt Nam, nhiều lãnh đạo từ các quốc gia, trong đó có Nga, Triều Tiên, Cuba, Ấn Độ, Lào, Campuchia và Mông Cổ, đã gửi điện chúc mừng tân chủ tịch nước Võ Văn Thưởng. Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc được biết là nguyên thủ nước ngoài đầu tiên chúc mừng ông Thưởng, chỉ vài giờ sau khi ông tuyên thệ nhậm chức hôm 2/3.