Việt Nam đang tìm cách giảm dần sự lệ thuộc vào vũ khí Nga để tránh bị tác động bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ và Washington cũng đang khuyến khích Hà Nội từ bỏ vũ khí Nga, một nhà quan sát về thị trường vũ khí nói với VOA.
Trong lúc này, Tổng thống Nga Vladimir Putin sắp sửa có chuyến thăm cấp nhà nước kéo dài hai ngày tới Việt Nam mà một trong những chủ đề được bàn thảo với các lãnh đạo Việt Nam sẽ là mua bán vũ khí, Reuters đưa tin.
Nga đã là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Việt Nam trong hàng chục năm. Tuy nhiên, hiện nay Hà Nội đang rất vất vả để thanh toán tiền mua vũ khí cho Nga mà không vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ, cũng theo Reuters.
Mua sắm ít đi?
Ngân sách mua sắm quốc phòng hàng năm của Việt Nam được ước tính là hơn 1 tỷ đô la Mỹ, nhưng trong năm 2023 Việt Nam không có đơn hàng lớn nào mới, theo số liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) được công bố hồi tháng Ba cho thấy.
Lô hàng vũ khí đáng kể mà Việt Nam nhận được trong năm 2023 là một tàu hộ tống hải quân được Ấn Độ tặng, khiến cho khối lượng nhập khẩu vũ khí năm 2023 của Việt Nam là thấp nhất kể từ năm 2007 ngoại trừ năm 2020 do đại dịch COVID-19.
Hà Nội đã tổ chức triển lãm quốc phòng đầu tiên vào năm 2022 và đã công khai nói rằng họ muốn đa dạng hóa nguồn cung cấp vũ khí để tránh bị lệ thuộc vào Nga. Triển lãm quốc phòng quốc tế lần hai sẽ được Việt Nam tổ chức vào cuối năm nay.
Israel, nước bán vũ khí nhiều thứ hai cho Việt Nam, đã không có hợp đồng nào với Hà Nội trong hai năm qua, theo dữ liệu của SIPRI, mặc dù xuất khẩu vũ khí toàn cầu của Israel đã tăng lên trong cùng giai đoạn.
Trao đổi với VOA từ Hà Nội, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, chuyên gia về chính trị và an ninh từng nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS-Yusof Ishak, giải thích số liệu mua sắm vũ khí năm 2023 của Việt Nam thấp nhất ‘không phải vì Việt Nam không mua, mà là đã mua xong trước đó rồi’.
“Việt Nam không mua sắm vũ khí theo từng năm mà là phân bổ một gói ngân sách cho 4 hay 5 năm nên khi thấy có các gói mua sắm thích hợp thì mua luôn với khối lượng lớn,” ông nói.
Tuy nhiên, ông cho rằng cuộc chiến của Nga ở Ukraine và các lệnh trừng phạt của Mỹ nhắm vào các nước mua sắm vũ khí Nga ‘chắc chắn có ảnh hưởng’ đến mua sắm quốc phòng của Việt Nam.
“Chính phủ Mỹ cũng rất thông cảm với Việt Nam vì hiện nay trên 80% vũ khí của Việt Nam vẫn là vũ khí Nga nên Mỹ vẫn để cho Việt Nam mua phụ tùng thay thế. Nhưng nếu Việt Nam mua cái gì hoàn toàn mới (của Nga) thì chắc chắn Mỹ phải nói nhưng đến giờ Việt Nam không mua cái gì hoàn toàn mới của Nga cả,” ông cho biết.
‘Sẽ đa dạng hóa’
Theo TS Hợp, hiện là nhà nghiên cứu độc lập, chiến lược vũ khí của Việt Nam trong thời gian tới ‘sẽ là đa dạng hóa nguồn cung vũ khí’ và sẽ tìm hiểu vũ khí của các nước không phải Nga như của Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Hà Lan…
Ông dẫn ra việc Việt Nam tổ chức các kỳ triển lãm quốc phòng quốc tế để mời các nước phương Tây đưa vũ khí vào giới thiệu là dấu hiệu cho thấy Việt Nam ‘có sự chuẩn bị khá bài bản’.
“Trong cuộc triển lãm đấy thì các công ty Mỹ tham dự rất đông. Sau khi Việt Nam đã có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ thì người Mỹ đã rất chủ động đưa công nghệ quốc phòng đến Việt Nam,” ông Hợp, người nghiên cứu chuyên sâu về vũ khí, nói và khẳng định ‘Mỹ khích lệ Việt Nam dùng vũ khí của họ’.
Ông chỉ ra việc trong phái đoàn hơn 50 doanh nghiệp Mỹ đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội hồi cuối tháng Ba ‘có đến hơn 10 doanh nghiệp quốc phòng’. Theo ông, điều đó cho thấy các doanh nghiệp quốc phòng Mỹ ‘không bao giờ bỏ lỡ cơ hội tiếp cận khách hàng Việt Nam’.
Theo quan sát của ông thì vai trò của vũ khí Nga ở Việt Nam ‘đang giảm dần’. Một nguyên nhân được ông chỉ ra là có những vũ khí Việt Nam đang có mà Nga đã ngưng sản xuất thì Việt Nam ‘không thể mua phụ tùng thay thế được nữa’.
Tuy nhiên, có những vũ khí Nga mà Việt Nam có dù đã cũ nhưng nếu Nga vẫn sản xuất thì Việt Nam vẫn phải mua phụ tùng thay thế, chẳng hạn như hệ thống điều khiển tên lửa, chất đốt tên lửa…
Trả lời câu hỏi Việt Nam có thể làm được như Trung Quốc hay Ấn Độ là mua công nghệ vũ khí của Nga rồi tự sản xuất được hay không, ông Hợp nói: “Việt Nam có thể làm được, ví dụ như cách nay mấy năm Việt Nam có mua một nhà máy sản xuất tên lửa của Nga và nhà máy đó hiện nay hoạt động rất tốt.”
Ông cũng cho biết Việt Nam đã có vài nhà máy sản xuất drone [máy bay không người lái] để dùng trong nước. Nhưng những khí tài quan trọng như tàu ngầm, máy bay phản lực chiến đấu, những giàn radar đặc biệt và tới đây là những máy bay cảnh báo sớm thì Việt Nam ‘bắt buộc phải mua chứ không có cách nào chuyển giao công nghệ’.
“Có chăng là chuyển giao công nghệ bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế,” ông cho biết.
Chuyển đổi không khó?
Mặc dù Việt Nam lệ thuộc vào vũ khí Nga trong hàng chục năm, chuyên gia này bày tỏ lạc quan rằng việc chuyển đổi sang vũ khí các nước phương Tây sẽ “không quá phức tạp”.
“Việc số hóa sẽ giúp huấn luyện lại các binh sỹ sử dụng vũ khí rất là nhanh. Nếu trước đây việc này phải mất vài năm, bây giờ có khi chỉ mất hai tháng,” ông nói.
Về những vũ khí gì mà Việt Nam có thể cần phương Tây, ông Hợp liệt kê ra hệ thống cảnh giới biển (maritime domain awareness) với radar tầm xa có thể phát hiện các vật thể lạ trên biển ở khoảng cách từ 200 đến 250 hải lý.
“Biển Đông khá lớn, Việt Nam phải có hệ thống cảnh giới hàng hải không chỉ dùng cho quốc phòng mà còn dùng cho cả mục đích dân sự,” ông giải thích.
Ngoài ra, Việt Nam còn cần máy bay cảnh báo sớm hay chỉ huy trên không, máy bay săn ngầm mà hiện nước này chưa có để phát hiện tiêu diệt tàu ngầm đối phương.
Reuters dẫn lời Giáo sư Carl Thayer tại Học viện Quốc phòng Úc ở Canberra cho biết Việt Nam chủ yếu cần tàu chiến, máy bay chiến đấu và máy bay không người lái. Việt Nam đang sở hữu các hệ thống phòng không mua của Nga và Israel, trong đó có hệ thống được ra mắt cách nay hơn 30 năm, theo báo cáo của Bộ Quốc phòng nước này năm 2019.
Rút kinh nghiệm từ cuộc chiến ở Ukraine, TS Hợp cho rằng, Việt Nam cần xây dựng những đơn vị mới để phát triển drone dùng làm vũ khí tấn công hay để trinh sát, thu thập thông tin, gây nhiễu, tác chiến điện tử…
Theo các chuyên gia được Reuters dẫn lời cho biết, trong bối cảnh đụng độ thường xuyên ở Biển Đông giữa Trung Quốc và các nước khác trong khu vực, nếu không mua sắm vũ khí mới thì Việt Nam sẽ thiếu vũ khí hiện đại để tự vệ trong trường hợp xảy ra xung đột quy mô lớn.
“Sự chênh lệch về sức mạnh quân sự quy ước sẽ ngày càng có lợi cho Trung Quốc nếu Việt Nam tiếp tục chậm trễ,” GS Thayer nói với Reuters.
Một quan chức quốc phòng hàng đầu Việt Nam nói cho Reuters biết rằng nước này đã chốt được một số thỏa thuận tại triển lãm quốc phòng hồi cuối năm 2022 nhưng không cho biết chi tiết. Lý do, theo nhà nghiên cứu cao cấp tại SIPRI Siemon Wezeman được Reuters trích lời, có thể là do các cuộc thương thảo đang diễn ra rất khó khăn và Việt Nam đang cân nhắc các lời chào mời khác nhau.