Việt Nam đặt mục tiêu tăng sản lượng đất hiếm được khai thác lên 2 triệu tấn mỗi năm vào năm 2030 theo một kế hoạch mới được chính phủ phê duyệt trong khi quốc gia Đông Nam Á đang tìm cách khai thác một trong những trữ lượng kim loại công nghiệp chủ chốt lớn nhất thế giới.
Việt Nam có trữ lượng đất hiếm lớn thứ hai thế giới với khoảng 22 triệu tấn – chỉ đứng sau Trung Quốc, tính đến năm 2022, theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra hồi năm ngoái. Còn theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS), sản lượng đất hiếm của Việt Nam đã tăng hơn 10 lần trong vòng 1 năm, từ 400 tấn vào năm 2021 lên 4.300 tấn vào năm ngoái.
Trong “Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050,” Việt Nam sẽ đẩy mạnh tìm kiếm công nghệ, thị trường khai thác gắn với chế biến sâu đất hiếm với tổng sản lượng dự tính đạt hơn 2 triệu tấn quặng mỗi năm.
Bản kế hoạch, được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký ngày 18/7, cho biết sản lượng đặt mục tiêu sẽ được khai thác từ các mỏ ở khu vực vùng núi phía Bắc – gồm Lai Châu, Lào Cai và Yên Bái – vào năm 2030.
Tài liệu còn nói rằng Việt Nam sẽ phát triển thêm 3 đến 4 mỏ mới tại Lai Châu và Lào Cai nhằm nâng sản lượng đất hiếm được khai thác lên hơn 2,1 triệu tấn mỗi năm từ sau năm 2030.
Mục tiêu của việc quy hoạch là để “phát triển ngành công nghiệp khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản đất hiếm một cách đồng bộ, hiệu quả và bền vững,” theo tài liệu.
Theo kế hoạch, Việt Nam sẽ xem xét xuất khẩu một phần sản lượng tinh chế và chỉ những công ty khai thác có công nghệ hiện đại cũng như thân thiện với môi trường mới được cấp phép khai thác và chế biến.
Đất hiếm được xem là khoáng sản chiến lược, có giá trị và đóng vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực như điện tử, kỹ thuật nguyên tử hay chế tạo máy. Loại khoáng sản này trở nên quan trọng đối với quá trình chuyển đổi toàn cầu sang các nguồn năng lượng sạch hơn và trong cả quốc phòng.
Đất hiếm ở Việt Nam được các chuyên gia Liên Xô phát hiện vào những năm 1960 ở Lào Cai, Lai Châu và sau này được phát hiện thêm ở các mỏ lớn ở Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Nghệ An, Kon Tum và Lâm Đồng, theo ông Nguyễn Văn Nguyên, tổng cục phó Tổng cục Địa chất và Khoáng sản thuộc bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết tại một hội thảo vào năm ngoái do Kinh tế Saigon Online ghi nhận.
Tuy nhiên ông Nguyên cho biết rằng, Chính phủ đã cho phép Tập đoàn Than – Khoáng sản khai thác đất hiếm dạng hấp thụ ion nhưng chưa đem lại hiệu quả trong khi một số doanh nghiệp Việt Nam được cấp phép khai thác đất hiếm tại Lai Châu và Yên Bái có hiệu suất đầu tư bằng 0.
Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân là do Việt Nam không có công nghệ chế biến sâu trong khi doanh nghiệp Việt Nam cũng chưa thực sự quyết tâm đầu tư, chưa có chiến lược nghiên cứu và tiếp cận công nghệ chế biến quặng đất hiếm một cách quyết liệt, theo Kinh tế Saigon. Tổng cục Địa chất và Khoáng sản cho biết, công nghệ chế biến đất hiếm được coi là bí mật nên nhiều đối tác nước ngoài không bán, không chuyển giao khiến việc hợp tác gặp nhiều khó khăn.
Hội thảo này cho rằng dù Việt Nam đang sở hữu trữ lượng dự trữ đất hiếm trị giá khoảng 3.000 tỷ USD, như ước tính của USGS, nhưng quốc gia Đông Nam Á có thể bỏ lỡ cơ hội chiếm lĩnh thị trường đất hiếm nếu không kịp thời đầu tư để khai thác tài nguyên này.
Quy hoạch mới được đưa ra cho thấy ngoài khai thác mỏ, Việt Nam cũng sẽ tìm cách đầu tư vào các cơ sở chiết tách và chế biến đất hiếm, với mục tiêu sản xuất 20.000-60.000 tấn oxit đất hiếm (REO) hàng năm vào năm 2030. Sản lượng REO hàng năm sẽ được tăng lên 40.000-80.000 tấn vào năm 2050.