Đường dẫn truy cập

Bộ tứ kim cương và Hà Nội: Lợi ích song trùng và sự gắn kết chiến lược


Hàng không mẫu hạm tham gia tập trận hải quân chung Malabar của Bộ tứ an ninh Mỹ, Úc, Nhật và Ấn Độ trên biển hồi tháng 11/2020.
Hàng không mẫu hạm tham gia tập trận hải quân chung Malabar của Bộ tứ an ninh Mỹ, Úc, Nhật và Ấn Độ trên biển hồi tháng 11/2020.

Bộ tứ liên minh dân chủ đang tăng cường sức mạnh dưới thời Tổng thống Biden để đối trọng với sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực và các mục tiêu an ninh quốc gia của Hà Nội song trùng tới đâu với bộ tứ này?

Cuộc gặp mặt lần đầu tiên của các nguyên thủ quốc gia Mỹ, Nhật, Úc và Ấn Độ, tại thượng đỉnh mà Thủ tướng Úc Scott Morrison gọi là “lịch sử” vừa diễn ra trong tháng này, cho thấy Bộ tứ đang gắn kết mạnh mẽ hơn bao giờ hết trong khi Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trở thành trọng tâm trong chiến lược đối ngoại của chính quyền Tổng thống Joe Biden.

Theo sau Đại hội 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam, Hà Nội được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng cường sự hợp tác chiến lược với các cường quốc lớn như một phần trong chính sách đối ngoại “đa phương hoá và đa dạng hoá” của họ. Trong bối cảnh đó, mối quan hệ ngày càng sâu sắc của Bộ tứ – một Đối thoại Tứ giác An ninh trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương giữa Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ – dường như sẽ trở thành một ưu tiên hàng đầu đối với Việt Nam, theo Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp của viện nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore nhận định.

Vẫn theo TS Hiệp, các thành viên của Bộ tứ cũng xem Việt Nam là một đối tác an ninh ngày càng quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh sự cạnh tranh chiến lược ngày càng tăng cao của họ với Trung Quốc.

“Từ quan điểm của Hà Nội, sự tồn tại của Bộ tứ là điều được mong muốn,” Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng cao cấp của RAND Corporation nhận định và cho rằng lý do là vì Việt Nam luôn muốn các tranh chấp của mình với Trung Quốc được giải quyết một cách hoà bình và thông qua Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) mà Bộ tứ “rõ ràng là ủng hộ lập trường đó.”

Trước quan điểm “tiêu cực” của Bắc Kinh về Bộ tứ, Hà Nội chưa bao giờ chính thức lên tiếng bình luận về liên minh này, nhưng theo nhà nghiên cứu Grossman cho biết tại một buổi hội thảo trực tuyến do ISEAS-Yusof Ishak tổ chức gần đây, Việt Nam có một sự gắn kết đang ngày càng sâu sắc hơn với các thành viên trong nhóm vì những lợi ích song trùng trước một Trung Quốc ngày càng bành trướng sức mạnh trong khu vực.

Gắn kết chiến lược

Mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ trên mọi phương diện đang tiếp tục mạnh mẽ hơn trong những năm gần đây và thậm chí cả trong lĩnh vực an ninh vốn được coi là nhạy cảm. Theo nhận định của chuyên gia về chính sách quốc phòng và đối ngoại Việt Nam, Grossman, mối quan hệ song phương giữa hai cựu thù “đang tốt hơn bao giờ hết kể từ sau khi chiến tranh kết thúc” và “nhiều khả năng sẽ tiếp tục như vậy”.

Điều này được thể hiện qua nhận định gần đây của Đại sứ Mỹ tại Hà Nội, Daniel Kritenbrink, rằng hai nước hầu như có lợi ích song trùng về vấn đề an ninh và ổn định khu vực. Điều đó lý giải vì sao chính quyền Biden quyết định coi Hà Nội là một đối tác chính ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương khi đưa tên Việt Nam, mà không phải là hai đồng minh của Hoa Kỳ ở khu vực là Philippines và Thái Lan, vào Hướng dẫn Chiến lược An ninh Tạm thời mới được công bố hồi đầu tháng này. Mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam là “đối tác toàn diện”, nhưng theo nhà phân tích Grossman, trên thực tế là hoạt động ở mức “chiến lược.”

Trong khi đó Australia là một đối tác ngày càng trở nên quan trọng đối với Việt Nam khi cả hai quốc gia trong khu vực Thái Bình Dương nâng tầm quan hệ đối tác từ toàn diện lên chiến lược vào năm 2018. Cả Việt Nam và Úc đều luôn khẳng định mong muốn thúc đẩy hợp tác quốc phòng và duy trì tự do hàng hải theo tinh thần của UNCLOS.

“Hà Nội tìm kiếm ở Canberra sự ủng hộ mạnh mẽ đối với vị trí của họ trên Biển Đông,” nhà nghiên cứu Grossman nói tại buổi hội thảo hôm 16/3. “Các nhà lãnh đạo Việt Nam hy vọng rằng sự ủng hộ của Úc và môi trường đa phương sẽ kiềm chế sự ảnh hưởng của Trung Quốc cũng như buộc nước này phải tuân theo các chuẩn mực và hành xử của quốc tế và khu vực.”

Đáp lại, vào tháng 5/2019, Úc đưa Việt Nam vào chương trình gắn kết hàng hải khu vực của mình khi điều 2 tàu hải quân hoàng gia HMAS Canberra và HMAS Newcastle tới cập cảng Cam Ranh.

Đối với Ấn Độ, Việt Nam cũng đang duy trì một quan hệ đối tác rất mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực khi cả hai quốc gia châu Á đều có chung những mối quan ngại sâu sắc và thường xuyên về tác động địa chiến lược của sức mạnh kinh tế và quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc. Ấn Độ, chứ không phải là Nga, giờ đây là đối tác quốc phòng đáng tin cậy nhất của Việt Nam, theo nhận định của ông Grossman, người có một thập niên kinh nghiệm về tình báo quốc phòng.

Ấn Độ, một cường quốc đang nổi và có nhiều xung đột với Trung Quốc tại biên giới gần đây, coi Việt Nam là một trọng tâm trong chính sách “Hành động hướng Đông” của họ nhằm có được những lợi ích chiến lược trong khu vực. Ấn Độ cũng đã nâng tầm quan hệ với Việt Nam lên Đối tác Chiến lược Toàn diện, là mức cao nhất trong quan hệ mà một quốc gia có thể có với Việt Nam. Ngoài Ấn Độ, chỉ có Trung Quốc và Nga là có mối quan hệ ở tầm cao nhất này với quốc gia Đông Nam Á.

Trong khi đó, mối quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản đang trở nên đặc biệt sâu sắc kể từ khi Thủ tướng Shinzo Abe đặt Hà Nội vào trung tâm của chính sách “Hướng Nam” của nước này nhằm đối trọng sự ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.

Nhật Bản, quốc gia duy nhất trong Bộ tứ cho tới lúc này chỉ đích danh Trung Quốc về hành động cưỡng ép của Bắc Kinh trên biển trong một tuyên bố đưa ra hồi tháng trước, tiếp tục có mối quan hệ đối tác toàn diện và sâu rộng với Việt Nam dưới thời Thủ tướng Suga Yoshihide, theo nhà phân tích của RAND Corporation, Grossman. Điều này được thể hiện qua việc Thủ tướng Yoshihide chọn Việt Nam cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông sau khi nhậm chức hồi tháng 10 năm ngoái và trong chuyến thăm này hai bên ký kết 12 văn kiện hợp tác, gồm có thoả thuận về chuyển giao thiết bị và công nghệ quốc phòng.

Tầm quan trọng của Việt Nam đối với Nhật còn được thể hiện qua chuyến thăm “lịch sử” của Chủ tịch nước Trần Đại Quang tới Nhật vào tháng 5/2018 khi ông Quang không chỉ gặp Thủ tướng Abe lúc đó mà còn được Nhật hoàng Akihito tiếp đón tại yến tiệc, một danh dự cao nhất mà một khách mời có thể nhận được khi tới thăm Nhật. Trước đó, Nhật hoàng Akihito cùng Hoàng hậu Michiko cũng có chuyến thăm đầu tiên tới Việt Nam và xin lỗi về những hành động của binh lính Nhật tại đây trong thời gian Chiến tranh Thế giới lần 2, mà theo nhà phân tích Grossman “là một dấu hiệu nữa cho thấy mối quan hệ, dù phức tạp về lịch sử, (giữa Nhật và Việt Nam) đang tuyệt vời và chỉ có tốt hơn mà thôi.”

Tóm lại, theo nhận định của nhà nghiên cứu tại RAND Corporation, các mối quan hệ của Hà Nội với 4 quốc gia thành viên của Bộ tứ, đặc biệt trong lĩnh vực vốn nhạy cảm là hợp tác an ninh đối đầu với Trung Quốc, “rất bền chặt và không ngừng phát triển.”

Bộ tứ ‘kim cương’

Liên minh dân chủ này thực tế bắt đầu được hình thành năm 2004 khi lúc đó mới chỉ có 3 thành viên là Mỹ, Nhật và Úc với mục tiêu ban đầu là hỗ trợ nhân đạo và các nỗ lực cứu trợ thiên tai, và lúc đó chưa được gọi là Bộ tứ. Chỉ đến khi Thủ tướng Abe đưa ra sáng kiến thêm Ấn Độ vào liên minh, mà ông gọi là “viên kim cương của các nền dân chủ,” vào năm 2007 thì Bộ tứ mới chính thức được bắt đầu. Tuy nhiên, liên minh này hầu như không hoạt động trong một thập kỷ cho tới khi Tổng thống Donald Trump có chuyến công du đầu tiên tới châu Á vào tháng 11/2017 để tham dự Thượng đỉnh APEC tại Việt Nam, và lúc đó các thành viên của Bộ tứ đã họp mặt một cách lặng lẽ bên lề hội nghị tại Đà Nẵng.

Cho tới lúc đó, Bộ tứ chưa có một cơ chế hoạt động thực sự và câu hỏi được đặt ra là liệu liên minh của những nền dân chủ có cùng những lợi ích và quan ngại chung mới chỉ được thể hiện qua các cuộc hội đàm mà chưa có hành động này sẽ đi đến đâu hay không? Đó là suy nghĩ của nhiều người vào thời điểm năm 2017, theo nhà phân tích Grossman.

Ngay trước khi Tổng thống Biden nhóm họp với Thủ tướng Yoshihide, Thủ tướng Morrison và Thủ tướng Narenda Modi tại thượng đỉnh ở cấp nguyên thủ lần đầu tiên của Bộ tứ hôm 12/3, một quan chức cấp cao không được nêu danh tính của chính quyền Biden cho biết “Bộ tứ sẽ là trọng tâm trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Chính quyền Biden” và rằng một cơ chế đã được định hình để thực hiện điều đó.

“Tôi nghĩ rằng Bộ tứ thực sự rất bền vững, đặc biệt dưới thời chính quyền Biden,” ông Grossman nói. “Và họ đã lên kế hoạch cho một cuộc gặp tiếp theo trong năm nay. Do đó sẽ có một thượng đỉnh tiếp theo của các lãnh đạo và một khi như vậy sẽ có thêm các (thượng đỉnh khác).”

Bốn nguyên thủ của Mỹ, Nhật, Úc và Ấn Độ cam kết “tăng cường hợp tác” để “chống lại những mối hiểm hoạ ở cả Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và bên ngoài” trong tuyên bố chung đưa ra sau thượng đỉnh hôm 12/3. Các lãnh đạo củ Bộ tứ dự kiến sẽ gặp mặt trực tiếp vào cuối năm nay.

Trong buổi họp báo chính thức đầu tiên hôm 27/5, Tổng thống Biden nói sự liên minh của 4 nền dân chủ trong Bộ tứ là nhằm để “buộc Trung Quốc phải có trách nhiệm tuân theo các luật lệ” dù là trong khu vực Biển Đông hay Biển Hoa Đông và nhiều lĩnh vực khác.

Ngoài việc duy trì tự do hàng hải trên Đông và Nam Trung Hoa, những lĩnh vực hợp tác khác của Bộ tứ sẽ là chuỗi cung ứng toàn cầu, nguồn cung đất hiếm, ngoại giao vaccine và biến đổi khí hậu.

Mỹ đang tìm cách đưa chuỗi cung ứng toàn cầu ra khỏi Trung Quốc trong khi Nhật tìm cách giảm phụ thuộc vào Trung Quốc về đất hiếm. Trong tuyên bố chung của nhóm, vấn đề Triều Tiên cũng được đề cập tới qua cam kết phi hạt nhân hoá bán đảo này theo các nghị quyết của Liên Hợp Quốc.

Việt Nam sẽ tham gia?

Việt Nam cho đến lúc này chưa được mời tham gia Bộ tứ, vì theo nhà phân tích Grossman, các quốc gia thành viên Bộ tứ là các nền dân chủ trong khi Việt Nam là một thể chế độc tài xã hội chủ nghĩa.

Bên cạnh đó, dù có những sự gắn kết chiến lược với các thành viên của Bộ tứ, Việt Nam được cho là thận trọng trong việc công khai ủng hộ liên minh này vì theo giới quan sát, Hà Nội không muốn làm điều gì để Bắc Kinh có thể hành động “trừng phạt.”

Mặc dù Việt Nam đã tham gia cái gọi là các cuộc họp nhóm ‘Bộ tứ mở rộng’ vào năm ngoái, cùng với các ‘khách mời’ khác là New Zealand, Hàn Quốc và một số nước khác để thảo luận việc khống chế đại dịch virus corona nhưng đây là một chủ đề không trực tiếp liên quan đến Trung Quốc.

Chính sách quốc phòng ‘Bốn Không’ của Việt Nam chính là một trong những lý do vì sao cho đến lúc này không có gì khẳng định được về sự tham gia của Việt Nam vào Bộ tứ, theo nhận định của ông Grossman, người cho rằng nguyên tắc ‘Bốn Không’ này có thể sẽ là những hạn chế tiềm tàng trong mối quan hệ của Việt Nam với liên minh 4 cường quốc.

Hà Nội luôn duy trì nguyên tắc ‘Ba Không’ trong chính sách quốc phòng của mình, trong đó gồm không tham gia liên minh quân sự, không liên kết với nước này để chống lại nước kia, và không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác. Sách Trắng Quốc phòng Việt Nam mới nhất ra mắt hồi cuối năm 2019 đã nâng cấp chính sách này lên ‘Bốn Không’ khi bổ sung nguyên tắc “không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.”

Trung Quốc là một đối tác “không thể tránh khỏi” của Việt Nam và Hà Nội sẽ thận trọng để tìm cách cân bằng giữa việc hợp tác với Mỹ và các cường quốc khác như Nhật, Ấn Độ và Úc, với mối quan hệ với người hàng xóm “khổng lồ” ở phía Bắc là Trung Quốc. Theo nhà phân tích Grossman, Bắc Kinh có thể trừng phạt nếu Hà Nội “đi quá xa với Bộ tứ.”

Ông Grossman nhận định rằng chỉ khi nào Việt Nam đạt đến điểm phá bỏ chính sách ‘Bốn Không’ khi mà sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông tương tự như vụ đưa dàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hồi năm 2014, thì lúc đó Hà Nội mới có thể xem xét lại mối quan hệ của họ và liên kết nhiều hơn với Bộ tứ.

Chính sách quốc phòng ‘Bốn Không’ của Việt Nam còn có nguyên tắc “Một Tuỳ thuộc”, trong đó nói rằng “tuỳ thuộc vào tình hình và các điều kiện cụ thể, Việt Nam sẽ xem xét phát triển những mối quan hệ quốc phòng và quân sự cần thiết và hợp lý với các nước khác.” Tuy nhiên, theo ông Grossman, cho đến lúc này, dù có các quan ngại và xung đột với Trung Quốc trên biển nhưng Hà Nội chưa đạt đến điểm phá bỏ chính sách ‘Bốn Không’ này.

“Việt Nam có thể do dự trong việc hợp tác cùng với Bộ tứ trong tổng thể nhưng Việt Nam chắc chắc sẽ đặt rất nhiều trọng tâm vào việc hợp tác song phương với mỗi thành viên (trong nhóm) để thúc đẩy hợp tác chiến lược,” theo ông Grossman.

Trả lời câu hỏi của VOA về khả năng đóng góp của Việt Nam vào Bộ tứ, TS Hiệp, một người chuyên phân tích các vấn đề Việt Nam và khu vực, cho rằng Hà Nội có thể hợp tác không chỉ trong lĩnh vực quốc phòng mà còn trong các lĩnh vực khác, như đất hiếm vì theo ông Việt Nam đang có trữ lượng đất hiếm lớn thứ hai trên thế giới, mà phần lớn chưa được khai thác.

Còn theo nhận định của nhà phân tích Grossman, Việt Nam có thể “tiếp tục tham gia vào đối thoại (của Tứ giác Kim cương) và vẫn đóng một vai trò trong Bộ tứ dù có thể không bao giờ trở thành một thành viên của nhóm.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG