Việt Nam ứng phó ra sao khi hải cảnh Trung Quốc được bắn theo luật mới?

Hai tàu cảnh sát biển của Trung Quốc và Việt Nam vờn nhau ở Biển Đông, 14/5/2014.

Sau khi Trung Quốc ban hành luật cho phép cảnh sát biển nước này nổ súng vào tàu nước ngoài, hai nhà nghiên cứu nhận định với VOA rằng Việt Nam sẽ sớm lên tiếng phản đối cũng như sẽ phối hợp với nhiều nước để ứng phó với Trung Quốc trong tình hình mới.

Như VOA đã đưa tin, hôm 4/11/2020, quốc hội Trung Quốc công bố dự luật có điều khoản cho phép cảnh sát biển nước này sử dụng vũ khí khi cần thiết ở vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc. Sau gần 3 tháng, hôm 22/1/2021, Trung Quốc thông qua và ban hành đạo luật đó.

Từ Hà Nội, tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp khách mời của viện nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS Yusof Ishak đặt tại Singapore, chỉ ra rằng thế nào là vùng biển thuộc chủ quyền của Trung Quốc sẽ đặt ra một vấn đề lớn đối với việc thực thi đạo luật kể trên.

Nguy cơ cao ở ‘đường lưỡi bò’

Ông Hợp lấy ví dụ là khu vực rộng lớn ở Biển Đông nằm trong đường 9 đoạn mà Trung Quốc vẽ lên bản đồ và nêu ra yêu sách chủ quyền, còn được gọi là “đường lưỡi bò”.

Đây là vùng biển trong vòng tranh chấp gay gắt giữa Trung Quốc với Việt Nam và một số nước khác. Bên cạnh đó, hải quân Mỹ nhiều lần điều tàu và máy bay qua lại để khẳng định họ bảo vệ tự do hàng hải, hàng không ở vùng biển. Các nước Úc, Nhật, Ấn Độ, Anh cũng đã một vài lần thực hiện các động thái tương tự.

Do đó, tiến sĩ Hợp cho rằng nếu Trung Quốc khăng khăng rằng “đường lưỡi bò” là của họ, và khi tàu của các nước láng giềng hay của bất cứ quốc gia lớn nhỏ nào khác đi vào, hải cảnh Trung Quốc sẽ bắn nếu cần thiết, thì điều đó đồng nghĩa là Trung Quốc chuẩn bị gây chiến tranh.

Việt Nam sẽ là đối tượng gặp nhiều áp lực vì Việt Nam có các khu vực chồng lấn với yêu sách của Trung Quốc nhiều hơn, các hoạt động của Việt Nam trên Biển Đông cũng tích cực hơn, hoạt động của các ngư dân chẳng hạn.
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp


Từ Singapore, tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, một nhà nghiên cứu cao cấp khác cũng thuộc viện ISEAS Yusof Ishak, có chung quan điểm về việc nguy cơ sẽ tăng cao ở những vùng biển có tranh chấp, mà trực tiếp liên quan đến Việt Nam là “đường lưỡi bò”, vùng chồng lấn giữa “đường lưỡi bò” và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cũng như phạm vi bên ngoài 12 hải lý chung quanh các thực thể mà Trung Quốc đang kiểm soát ở Trường Sa.

Theo tiến sĩ Hiệp, Trung Quốc sẽ chọn lọc về đối tượng để nổ súng, có thể phần nhiều dựa trên yếu tố là họ vượt trội hơn với nước nào. Ông nói:

“Ở khía cạnh này, tôi nghĩ Việt Nam sẽ là đối tượng gặp nhiều áp lực vì Việt Nam có các khu vực chồng lấn với yêu sách của Trung Quốc nhiều hơn, các hoạt động của Việt Nam trên Biển Đông cũng tích cực hơn, hoạt động của các ngư dân chẳng hạn. Khả năng xảy ra các va chạm, rồi các trường hợp mà hải cảnh Trung Quốc có thể viện cớ để sử dụng vũ lực cũng nhiều hơn”.

Theo quan sát của VOA, đến hôm 25/1, Việt Nam chưa đưa ra quan điểm chính thức về luật hải cảnh mới của Trung Quốc.

Hai nhà nghiên cứu Hà Hoàng Hợp và Lê Hồng Hiệp nhận định rằng Việt Nam chưa lên tiếng do đang bận rộn với đại hội của đảng cộng sản nhưng sẽ sớm phản ứng trong ít ngày nữa.

Tàu chấp pháp Việt Nam xua đuổi tàu cá vỏ thép Trung Quốc ra khỏi vùng biển Việt Nam (ảnh tư liệu, 2019)

Người Việt học luật Trung Quốc?

Trên mạng xã hội, nhiều người Việt Nam bày tỏ lo ngại về luật mới của Trung Quốc và đưa ra ý kiến rằng chính quyền Việt Nam nên phố biến nội dung luật đó để nhân dân, đặc biệt là ngư dân Việt Nam, được biết và ứng phó phù hợp. Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp cũng đồng tình:

“Để đề phòng các sự cố cũng như bảo vệ tính mạng, tài sản cho người dân Việt Nam, đặc biệt là ngư dân, các lực lượng hoạt động trên biển, thì rõ ràng là Việt Nam cũng cần có sự phổ biến thông tin cho người dân để họ nắm được để mà nếu rơi vào các tình huống nguy hiểm thì biết cách xử lý”.

Bây giờ, Trung Quốc làm việc này, buộc lòng là hải quân Việt Nam, cảnh sát biển Việt Nam phải tăng cường để bảo vệ ngư dân.
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp


Trong khi đó, tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nghiêng về khả năng là Việt Nam sẽ ứng phó theo hướng chủ động hơn là bị động. Lưu ý rằng Việt Nam đã ra luật trước cả Trung Quốc về việc cho phép cảnh sát biển Việt Nam nổ súng, ông Hợp nói:

“Bây giờ, Trung Quốc làm việc này, buộc lòng là hải quân Việt Nam, cảnh sát biển Việt Nam phải tăng cường để bảo vệ ngư dân. Đó là điều chắc chắn người ta làm từ năm 2014. Chính quyền Việt Nam không có chủ trương biến ngư dân thành dân binh trên biển”.

Một số tàu cá hay tàu vận tải Việt Nam nếu được mang súng nhỏ, đó là để chống cướp biển chứ không phải để đóng vai trò dân binh, tham gia bảo vệ chủ quyền biển Việt Nam, tiến sĩ Hợp nói thêm.

Bên cạnh các động thái riêng, không chỉ đến khi Trung Quốc ra luật mới về cảnh sát biển, lâu nay Việt Nam đã và đang bàn bạc, phối hợp với các nước khác cũng có lợi ích quốc gia ở Biển Đông và vùng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để đối phó với Bắc Kinh về mọi mặt, từ chính trị, địa chính trị, chiến lược, pháp lý cho đến quốc phòng, vẫn theo lời tiến sĩ Hợp.

Về phần mình, tiến sĩ Lê Hồng Hiệp cho rằng ngoài việc phối hợp với các nước để lên án việc sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực, Việt Nam có thể đưa luật mới về hải cảnh Trung Quốc vào quá trình thảo luận, đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc về Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông để giảm thiểu nguy cơ va chạm hay các tình huống Trung Quốc có thể sử dụng vũ lực.

Tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan ở Biển Đông (ảnh tư liệu, 6/7/2020)

Mỹ, các nước vẫn can dự vào Biển Đông

Tiên liệu về thái độ và hành động của Mỹ và các cường quốc khác đối với luật mới của Trung Quốc, vẫn tiến sĩ Lê Hồng Hiệp nói:

“Các nước sẽ vẫn tiến hành hoạt động như lâu nay thôi. Họ sẽ vẫn có các bước đi vừa đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đông, đồng thời bác bỏ các yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc, trái với luật pháp quốc tế. Đồng thời, họ sẽ có các biện pháp để giảm thiểu rủi ro, đề phòng các tình huống vũ lực có thể xảy ra. Mọi thứ sẽ vẫn được tiến hành dù sự thận trọng sẽ ở mức độ cao hơn”.

Ta thấy không có gì trở ngại hay thay đổi lớn trong chính sách của chính quyền Biden đối với khu vực này ... tôi không tin có thay đổi gì lớn trong chiến lược mà chính quyền Trump tuyên bố hồi tháng 12/2017.
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp


Hoạt động tuần tra vì tự do hàng hải của Mỹ vẫn tiếp tục dưới thời tân Tổng thống Biden, nối tiếp chính sách của Tổng thống Trump mới mãn nhiệm, tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nói, và dẫn chứng là một nhóm tàu sân bay Mỹ đi vào Biển Đông hôm 23/1, ba ngày sau khi ông Biden tuyên thệ nhậm chức.

Ông cũng lưu ý về những thông điệp mạnh mẽ của Bộ Ngoại giao Mỹ liên quan đến việc Trung Quốc tỏ ý hăm dọa Đài Loan trong vài ngày qua. Từ phân tích riêng của mình, tiến sĩ Hợp khẳng định:

“Ta thấy không có gì trở ngại hay thay đổi lớn trong chính sách của chính quyền Biden đối với khu vực này. Có thể ít nữa nó thay đổi một chút về hình thức, nhưng về bản chất mà nói, tôi không tin có thay đổi gì lớn trong chiến lược mà chính quyền Trump tuyên bố hồi tháng 12/2017”.

Cách đây hơn 3 năm, Tổng thống Mỹ khi đó, ông Donald Trump, công bố Chiến lược An ninh Quốc gia mới của Mỹ, tập trung vào 4 vấn đề lớn là bảo vệ lãnh thổ và lối sống Mỹ, đẩy mạnh sự thịnh vượng của Mỹ, thể hiện hòa bình qua sức mạnh, và tăng cường ảnh hưởng của Mỹ trên toàn cầu trong một thế giới cạnh tranh dữ dội hơn bao giờ hết.

Bản chiến lược nêu rõ rằng Mỹ xác định hai đối thủ hàng đầu là Nga và Trung Quốc, cho rằng đây là những cường quốc theo chủ nghĩa xét lại muốn làm thay đổi nguyên trạng của thế giới, đe dọa những lợi ích của nước Mỹ.