Hà Nội giải tán cuộc tuần hành chống Trung Quốc ngày 21/8

Công an mặc thường phục bắt người biểu tình lên xe buýt sau khi giải tán một cuộc tuần hành chống Trung Quốc tại Hà Nội, ngày Chủ nhật 21/8/2011

Công an Việt Nam bắt giữ hàng chục người tham gia cuộc tuần hành chống Trung Quốc hôm nay tại thủ đô Hà Nội.

Chỉ vài phút sau khi cuộc biểu tình bắt đầu, công an mặc thường phục xông vào đoàn người tuần hành và ép ít nhất 40 người biểu tình phải lên những chiếc xe buýt chờ sẵn rồi đưa họ đi nơi khác.

Anh Dũng, một trong những người bị bắt về đồn công an vừa được thả chiều nay cho Ban Việt Ngữ VOA biết:

Dũng: Sáng nay, mọi người tập trung ở Bờ Hồ để bắt đầu biểu tình. Khi vừa đưa băng rôn, khẩu hiệu lên và đi được khoảng 5, 7 mét thì bị công an đàn áp và bắt lên xe buýt. Lúc em bị bắt lên xe đầu tiên có khoảng 30 người bị bắt. Em nghe nói có hai chuyến xe buýt.

VOA: Bạn bị giữ trong bao lâu và nội dung làm việc với chính quyền ra sao?

Dũng: Em bị bắt từ 9 giờ sáng đến tận 5 giờ chiều em mới được thả ra, sau khi họ bắt lăn dấu tay về tội biểu tình không xin phép. Họ nói phạt hành chính cảnh cáo.

VOA: Có bao nhiêu người được thả cùng lúc với bạn và bao nhiêu người còn bị giữ lại?

Dũng: Lúc đó chỉ khoảng 5, 6 người được thả. Tất cả đều bị lăn dấu vân tay và bị chụp ảnh. Lúc em được thả, khoảng 25 người còn bị giữ.

VOA: Bạn bị đưa về đồn công an nào?

Dũng: Đồn công an số 1 huyện Từ Liêm. Nhiều người bị bắt và bị đưa về nhiều đồn khác nhau. Cô Bùi Hằng, một trong những người biểu tình rất năng nổ, bị đưa đi nơi khác. Họ bắt em viết biên bản rằng "Tôi đã sai khi đi biểu tình" và nói không được tái phạm nữa.

Hôm thứ Năm, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội đã ra lệnh chấm dứt các cuộc tuần hành chống Trung Quốc, và cảnh cáo là chính quyền sẽ dùng mọi biện pháp cần thiết đối với những người bất tuân.

Thông báo của chính quyền Hà Nội mô tả các cuộc tuần hành chống Trung Quốc là tự phát, khởi nguồn từ lòng yêu nước, nhưng cho rằng các cuộc biểu tình đã làm ảnh hưởng đến trật tự xã hội và hình ảnh thủ đô cũng như tác động tiêu cực đến các hoạt động ngoại giao của đảng và nhà nước Việt Nam.

Trước đó, trung tướng Nguyễn Đức Nhanh, Giám đốc công an Hà Nội, tuyên bố các cuộc tuần hành chống Trung Quốc là hành động yêu nước và chính quyền không chủ trương đàn áp hay bắt bớ người biểu tình.

Phát biểu với Ban Việt Ngữ đài VOA nhà văn Phạm Xuân Nguyên, một nhân sĩ trí thức thường xuyên tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội phản hồi trước tuyên bố của người đứng đầu ngành an ninh ở Hà Nội, thông báo của Ủy ban Nhân dân, và thực tế những gì diễn ra trong cuộc tuần hành ở thủ đô ngày 21/8:

"Họ đang tìm cách đối xử với những cuộc biểu tình của dân chúng bày tỏ lòng yêu nước. Phát ngôn của tướng Nhanh, ở một mức độ nào đó, được sự đồng tình khi thừa nhận các cuộc biểu tình này là yêu nước. Còn vế thứ hai trong phát ngôn của ông nói rằng không có chủ trương đàn áp thì có mâu thuẫn với thông báo vừa rồi [của Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội]. Điều này cho thấy về phía chính quyền, nhà nước đang tìm thái độ ứng xử với các cuộc biểu tình, một hiện tượng hoàn toàn mới ở Việt Nam. Như vậy, có thể coi đây là một sự tập sự dân chủ cả về phía chính quyền lẫn phía người dân."

Phó giám đốc phụ trách Châu Á thuộc tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch, ông Phil Robertson, lên án:

"Qua việc công bố lệnh cấm các cuộc biểu tình chống Trung Quốc ngày 18/8, chính quyền Việt Nam rõ ràng đang quay lưng lại với các cam kết của mình với quốc tế trong việc tôn trọng quyền công dân được tụ tập ôn hòa và tự do bày tỏ quan điểm."

Đây là cuộc biểu tình chống Trung Quốc lần thứ 11 tại Hà Nội trong vòng 12 tuần qua, tính từ đầu tháng 6 tới nay.

http://www.youtube.com/embed/Z1efcdlftuU

http://www.youtube.com/embed/-beyXrLB5NM