Samsung, vốn đặt dây chuyền sản xuất ở Việt Nam, hưởng lợi nhiều trước tình trạng dịch Covid-19 ở Trung Quốc đang làm gián đoạn các dây chuyền sản xuất (kể cả dây chuyền sản xuất thuộc hãng điện thoại thông minhApple của Mỹ), hãng tin Reuters nhận định.
Trong bài báo có tựa đề ‘Thiệt hại của Apple có thể là thắng lợi của Samsung trong cuộc khủng hoảng virus corona’, Reuters cho rằng hãng điện tử của Hàn Quốc đã gặt hái được thành quả từ đánh cược vào sản xuất điện thoại thông minh giá rẻ ở Việt Nam trong vòng hơn 10 năm qua trong khi Apple, vốn là một trong những đối thủ chính của Samsung, đang điêu đứng trước tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc.
Phân nửa sản lượng điện thoại thông minh của Samsung giờ đây được sản xuất ở Việt Nam, nơi tình hình dịch Covid-19 không gây ảnh hưởng gì nhiều đến tình hình sản xuất trong khi ở Trung Quốc, dịch bệnh này đã khiến hoạt động sản xuất của Apple lao đao, theo hãng tin này.
‘Không hề hấn gì’
Hôm 17/2, hãng Apple đã cho biết rằng họ không thể đạt được chỉ tiêu doanh thiêu cho quý 1 trong năm nay do tác động của virus corona đối với cả hoạt động sản xuất và doanh số ở Trung Quốc – nơi hầu hết những chiếc iPhone được chế tạo.
Các đối thủ đáng gờm khác của Samsung từ Trung Quốc như Xiaomi cũng bị ảnh hưởng nặng nề về doanh số. Trong khi đó, Huawei, một ông lớn công nghệ khác của Trung Quốc, chưa thông báo họ gặp khó khăn gì trong sản xuất. Tuy nhiên, trong nội bộ Samsung cũng như giới phân tích và các nhà cung cấp tin rằng hãng này bị ảnh hưởng nặng nề do sự phụ thuộc rất lớn của họ vào sản xuất và phụ tùng ở Trung Quốc,
Trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành, nhiều công ty Trung Quốc cũng như các hãng xưởng nước ngoài hoạt động ở Trung Quốc đã bắt đầu mở cửa hoạt động trở lại sau nhiều tuần án binh bất động. Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt nhân công cùng với những vấn đề khác đã khiến họ chỉ đạt được sản lượng tối thiểu.
Bên cạnh đó, việc Samsung gần như đã nhường thị trường Trung Quốc cho các đối thủ trong những năm qua đã giúp họ không bị hề hấn gì trước việc các cửa hàng bán lẻ đóng cửa và nhu cầu sụt giảm ở Trung Quốc vốn đã gây thiệt hại cho Apple và các hãng khác.
“Samsung ở trong tình trạng tốt hơn các đối thủ đáng gờm khác như Huawei and Apple trong việc vượt qua khủng hoảng virus corona,” một người nắm rõ chuỗi cung ứng của Samsung nói với Reuters.
“Virus đã làm bộc lộ những rủi ro của Trung Quốc. Chúng tôi cảm thấy may mắn mình đã có thể thoát khỏi những rủi ro đó,” người này nói.
Một người khác nắm rõ những suy nghĩ của ban lãnh đạo Samsung nói với Reuters: “Samsung không hề nói công khai nhưng họ cảm thấy nhẹ nhõm.”
Phụ thuộc vào chuỗi cung ứng Trung Quốc
Tuy nhiên, hai nguồn tin nắm rõ hoạt động sản xuất của Samsung ở Việt Nam thận trọng cho rằng nếu đợt dịch bệnh này kéo dài thì Samsung sẽ bị ảnh hưởng do họ dựa vào sự cung cấp của Trung Quốc đối với nhiều bộ phận thiết bị.
Khi dịch bệnh mới vừa bùng phát, Samsung đã gặp khó trong việc vận chuyển nguyên vật liệu qua biên giới Việt-Trung do Việt Nam tăng cường kiểm soát biên giới, Reuters dẫn lời ông Hong Sun, phó chủ tịch Phòng Kinh doanh Hàn Quốc ở Việt Nam cho biết. Nhưng sau đó vấn đề này đã được giải quyết, theo ông Sun, nhưng rủi ro vẫn còn nếu như những nhà cung ứng Trung Quốc không thể hoạt động trở lại.
Ngoài ra, Samsung cũng dựa vào các đối tác sản xuất theo hợp đồng ở Trung Quốc cho các mẫu điện thoại cấp thấp của họ.
Trong một thông cáo báo chí gửi cho Reuters, Samsung nói: “Chúng tôi đang nỗ lực tối đa để giảm thiểu tác động đối với hoạt động sản xuất của chúng tôi.”
Mới đây, TrendForce đã cắt giảm dự báo sản lượng trong quý đầu tiên của năm 2020 là 15% đối với Huawei và 10% đối với Apple. Trong khi đó, dự báo sản lượng đối với Samsung Electronics chỉ bị cắt giảm có 3%.
Trước khi bùng phát dịch bệnh corona, thị trường điện thoại thông minh toàn cầu được dự đoán là sẽ chấm dứt sự sụt giảm hai năm liên tiếp nhờ vào việc chạy trên mạng viễn thông 5G có tốc độ nhanh hơn, nhưng trận dịch này đã dội gáo nước lạnh vào sự phục hồi với doanh số toàn cầu nhiều khả năng sẽ sụt giảm.
Kể từ khi bắt đầu sản xuất điện thoại thông minh ở Việt Nam hồi năm 2009, Samsung đã tăng cường sản lượng mạnh mẽ nhờ vào lao động giá rẻ và những chính sách khuyến khích hào phóng của chính quyền. Một số các hãng cung ứng của Hàn Quốc cũng theo sau giúp cho Samsung có sự tăng trưởng vượt bậc.
Samsung đã chấm dứt sản xuất điện thoại thông minh ở Trung Quốc hồi năm ngoái do thị phần của họ đã giảm xuống mức gần như bằng không.
Trong khi đó, Apple vẫn sản xuất hầu hết iPhone của họ ở Trung Quốc thông qua Foxconn. Các nhà máy vốn sản xuất iPhone và các thiết bị điện tử khác đã mở cửa trở lại sau Tết nhưng chúng tăng tốc một cách cầm chừng, Apple cho biết hôm 17/2.
Hồi tuần trước, Samsung đã trình làng bộ ba điện thoại thông minh Galaxy S20 cũng như chiếc điện thoại có thể gấp được của họ. Các nguồn tin trong ngành cho biết đợt dịch corona sẽ làm các đối thủ của Samsung phải trì hoãn việc công bố sản phẩm mới.
Chưa đủ để dời đi?
Trao đổi với VOA, GS-TS Khương Hữu Lộc, một nhà quan sát đang giảng dạy hệ thạc sĩ về quản trị kinh doanh tại trường Keller dành cho nghiên cứu sinh ngành quản trị, nhận định rằng với việc đặt sản xuất ở Việt Nam, Samsung có được hai lợi thế: một là có thể tránh khỏi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung mà ông cho là có thể bùng phát trở lại bất cứ lúc nào; hai là tránh được khủng hoảng dịch bệnh nếu như Việt Nam kiểm soát tốt.
Về phần hãng Apple, ông Lộc cho rằng ‘bị ảnh hưởng nặng nề’ vì hãng này đặt gần như toàn bộ bộ máy sản xuất ở Trung Quốc.
“Hệ thống chế tạo của Apple ở Trung Quốc lớn gần như một thành phố. Do dịch bệnh rất nhiều công nhân không trở lại đi làm,” ông phân tích. “Các nhà cung ứng của Apple rải ra trên nhiều thành phố ở Trung Quốc và họ dựa rất nhiều vào hệ thống phụ tùng và chuyên chở phụ tùng ở Trung Quốc.”
Tuy nhiên, ông Lộc cho rằng cuộc khủng hoảng dịch bệnh lần này cũng như chiến tranh thương mại ‘không đủ để bứng Apple ra khỏi Trung Quốc’ vì họ ‘đã đầu tư hàng tỷ đô la vào hệ thống sản xuất ở quốc gia này’.
Mặc dù vậy, ông dự đoán sau sự cố này, Apple chắc chắn sẽ ‘cân nhắc lại việc bỏ tất cả trứng vào một rổ’ và có kế hoạch dự phòng cũng như đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
“Họ sẽ có kế hoạch chuyển các công ty cung ứng ra khỏi Trung Quốc và tổ chức sản xuất ở Việt Nam hay Hoa Kỳ,” chuyên gia này dự báo.