Việt Nam sắp khai trương tuyến metro đầu tiên

Sau nhiều chờ đợi, cuối cùng người dân Việt Nam cũng sắp được đi metro khi tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông bắt đầu khai thác thương mại kể từ ngày 6/11, các quan chức Việt Nam loan báo.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của VOA, nhiều người dân Hà Nội tỏ vẻ không mấy hào hứng với tuyến metro này dù đây là lần đầu tiên người Việt được đi metro trong nước.

Do nhà thầu Trung Quốc xây dựng dưới hình thức xe điện trên cao ở thủ đô Hà Nội, đây là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Việt Nam được đưa vào khai thác sau hơn 10 năm thi công với nhiều lần trễ tiến độ làm cho chi phí dội lên gấp đôi.

‘An toàn tuyệt đối’

Các đoàn tàu Cát Linh-Hà Đông sẽ bắt đầu chở hành khách sau buổi lễ bàn giao của Bộ Giao thông-Vận tải cho thành phố Hà Nội vào lúc 7 giờ sáng ngày 6/11, tờ Tuổi Trẻ dẫn lời ông Dương Đức Tuấn, phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân Hà Nội, cho biết.

Trong 15 ngày đầu tiên, hành khách sẽ được đi miễn phí để làm quen, cũng theo ông Tuấn. Sau đó, vé sẽ được bán với giá từ 7.000 đến 15.000 đồng/chuyến tùy theo quãng đường. Ngoài ra còn có vé ngày 30.000 đồng, vé tháng 200.000 đồng và vé giảm giá cho tập thể…, cổng thông tin điện tử của Chính phủ cho biết.

Thời gian hoạt động của tuyến metro này là từ 5:30 sáng đến gần nửa đêm, trong khi trong 15 ngày chạy miễn phí, tàu chỉ chạy đến 8 giờ tối, cũng theo cổng thông tin này. Thời gian cách chuyến lúc thấp điểm là 10 phút, còn trong thời gian cao điểm cứ 6 phút sẽ có một chuyến.

Tuyến metro này được đưa vào khai thác sau khi giai đoạn thử nghiệm cho thấy ‘an toàn tuyệt đối với 5.740 chuyến tàu và hơn 70.000km an toàn dưới sự giám sát của tư vấn và các cơ quan chức năng’, ông Tuấn được Tuổi Trẻ dẫn lời cho biết.

Về việc tạo thuận lợi cho người dân đi metro, ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Metro Hà Nội, được Tuổi Trẻ dẫn lời nói tuyến metro Cát Linh - Hà Đông ‘sẽ được kết nối với 55 tuyến xe buýt’, có bố trí chỗ gửi xe máy ở 12 trong tổng số 13 ga nhưng lại không có chỗ cho khách đậu xe hơi. Xe gắn máy hiện giờ vẫn là phương tiện di chuyển chủ yếu của người dân Việt Nam.

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông được Bộ Giao thông-Vận tải phê duyệt vào năm 2008, có chiều dài 13,05 km với 12 nhà ga và 13 đoàn tàu, được xây dựng từ vốn vay của Trung Quốc (670 triệu đô la Mỹ) và vốn đối ứng của Việt Nam (gần 200 triệu đô).

Dự án do nhà thầu Trung Quốc xây dựng nhưng lại được đánh giá an toàn bởi công ty tư vấn ACT của Pháp. ACT đánh giá tuyến Cát Linh-Hà Đông theo phương pháp châu Âu chứ không phải theo tiêu chuẩn châu Âu, Thứ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải Nguyễn Ngọc Đông nói rõ với Tuổi Trẻ.

Trong quá trình thi công, dự án metro này đã gặp nhiều tai tiếng sau nhiều lần không kịp tiến độ, bị nghi ngờ chất lượng cùng với bê bối tham nhũng. Số tiền đầu tư ban đầu dự tính là 9.231 tỷ đồng, cuối cùng dội lên đến hơn 18.000 tỷ đồng.

Lúc đầu, dự án dự kiến đưa vào khai thác vào giữa năm 2015 nhưng sau đó liên tục bị dời và trải qua sáu lần trễ hẹn cuối cùng đến cuối năm nay dự án mới được đưa vào khai thác.

‘Biểu tượng chậm tiến độ’

Bà Vũ Thu Hằng, sống ở Quận Hà Đông và đang làm việc cho một tổ chức phi chính phủ, nói với VOA bà ‘không thấy thông tin về các tuyến xe buýt kết nối nên không biết có tiện cho việc đi làm của tôi không’.

Bà nói bà sẽ ‘đi thử cho biết vì tò mò chứ không hẳn vì tiện lợi’. “Vì tôi còn phải tranh thủ rẽ chỗ nọ chỗ kia, quành qua chợ tiện thể đón con hay mua nhanh cái nọ cái kia, mà tuyến này chưa phủ rộng để đáp ứng hết các nhu cầu đó”, bà nói.

Theo bà thì dân Việt Nam vẫn quen sử dụng xe máy, chưa có thói quen đi bộ nhiều nên ‘sẽ cần có thời gian dần dần mới thích ứng được với metro.

Còn bà Nguyễn Thị Hường ở quận Tây Hồ và làm việc trong lĩnh vực truyền thông bày tỏ sự nghi ngờ về chất lượng tuyến metro này. Bà nói với VOA bà đi metro ở nước ngoài nhiều rồi nên ‘không háo hức lắm’.

“Tuyến ấy lỗi hẹn với người dân quá nhiều lần rồi, quá nhiều lời hứa và cam kết nên tôi nghĩ ít ai háo hức”, bà nói và gọi dự án này là ‘biểu tượng của chậm tiến độ’.

Cũng giống như bà Hằng, bà Hường nói đi metro ‘không tiện’ vì ‘phải bắt taxi đến và đi từ các ga’, thêm vào đó, trong bối cảnh dịch bệnh đang phức tạp, bà cũng ngại lên tàu đông người.

“Nếu nói háo hức thì có lẽ tôi mong chờ tuyến Nhổn-Ga Hà Nội hơn vì có sự tham gia của nhà đầu tư Nhật và Pháp”, bà nói.

Sống và làm việc ở Quận Ba Đình, bà Vũ Thị Thanh An, một biên tập phim, nói với VOA bà từng trải nghiệm và ‘rất thích hệ thống tàu điện ngầm ở Singapore’. Nhưng đối với tuyến Cát Linh-Hà Đông, bà ‘sẽ chờ một thời gian xem nó hoạt động an toàn như thế nào rồi mới đi’.

Bà nói là phải chờ xem ‘ý thức của người dân Việt Nam’ như thế nào khi sử dụng một loại hình vận chuyển văn minh và hiện đại như tàu điện.