Sau cuộc tuần hành sáng ngày 19/4 trước văn phòng khu vực của Cao ủy LHQ về Người tị nạn (UNHCR) ở Bangkok, Thái Lan, người Việt tị nạn gửi thỉnh nguyện thư với hơn 300 chữ ký yêu cầu cơ quan này điều tra về vụ mà họ cho là “bắt cóc” nhà báo Đường Văn Thái và kêu gọi bảo vệ họ tốt hơn.
Ông Lê Văn Thương, một trong những người khởi xướng thỉnh nguyện thư, cho VOA biết sau khi trao văn thư này cho UNHCR.
“Trong sáng ngày hôm nay các anh chị em đã lên Cao ủy LHQ về Người tị nạn có những động thái phản đối việc bắt cóc đối với ông Thái Văn Đường [bút danh của ông Đường Văn Thái], một người tị nạn tại Thái Lan. Các anh chị em đã gửi thỉnh nguyện thư gồm có hơn 300 chữ ký đến cơ quan Cao ủy tị nạn của LHQ”.
Ông Nguyễn Văn Tráng, một người tị nạn tại Thái Lan, đồng tổ chức cuộc tuần hành, chia sẻ với VOA:
“Đầu tiên, chúng tôi thông báo với Cao ủy về việc ông Đường Văn Thái bị bắt giam. Chúng tôi cũng nêu sự quan ngại trước tình trạng một người đã được cấp quy chế tị nạn của LHQ nhưng lại bị bắt cóc trắng trợn ngay tại nơi tạm lánh là Thái Lan”.
Ông Tráng cho biết thêm về nội dung thỉnh nguyện thư:
“Thông qua thỉnh nguyện thư, chúng tôi có nêu ba vấn đề cho UNHCR: điều tra vụ bắt cóc ông Đường Văn Thái; cần có biện pháp hiệu quả hơn trong việc bảo vệ người tị nạn, tránh tái diễn tình trạng bắt cóc tương tự; nhanh chóng thực hiện việc tái định cư cho những người Việt tị nạn đã được cấp quy chế”.
UNHCR chưa phản hồi ngay yêu cầu bình luận của VOA.
Your browser doesn’t support HTML5
Ngày 13/04/2023, nhà báo tự do Đường Văn Thái, người đã được UNHCR cấp quy chế tị nạn, bỗng dưng mất tích khỏi nơi cư trú, thỉnh nguyện thư viết.
Ngày 16/04/2023, thông tin chính phủ Việt Nam tuyên bố rằng họ đã bắt giữ ông Đường Văn Thái khi “vượt biên trái phép” vào Việt Nam tại Hà Tĩnh.
“Dựa trên các dữ kiện hiện có thì đây là một hành động bắt cóc đã được lên kế hoạch, và cáo buộc “vượt biên trái phép” đối với ông Đường Văn Thái chỉ là cách thức nhà nước Việt Nam hợp thức hóa vụ việc mà thôi”, thỉnh nguyện thư viết.
VOA cũng đã liên lạc cơ quan di trú và cảnh sát Thái Lan, cũng như Bộ Ngoại giao của nước này, yêu cầu bình luận về lời kêu gọi của nhóm người tị nạn Việt Nam, nhưng chưa nhận được phản hồi.
Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng chưa phản hồi yêu cầu bình luận của VOA.
Your browser doesn’t support HTML5
Ông Tráng nêu nhận định về việc chính quyền Việt Nam bắt giam ông Thái do “vượt biên trái phép”.
“Phía Việt Nam tuyên bố rằng ông Đường Văn Thái “vượt biên” vào Việt Nam là cách lý giải rất trẻ con. Không ai tin vào cách lý giải đó, mà đặc biệt là những người quen biết và trong hoàn cảnh như ông là sắp đi định cư.
“Chúng tôi cho rằng cách lý giải đó thể hiện việc chà đạp lên luật pháp quốc tế và phản ánh một xu hướng rất nguy hiểm là đàn áp xuyên quốc gia do an ninh Việt Nam thực hiện trong những năm gần đây và ngày càng trở nên lộ liễu, trắng trợn hơn”.
Ông Lê Văn Thương bày tỏ sự kỳ vọng sau khi nộp thỉnh nguyện thư:
“Với sự việc của ông Đường Văn Thái, không riêng bản thân tôi mà các anh chị em tị nạn tại Thái Lan đang rất mong muốn các cơ quan chức năng và đặc biệt là UNHCR phải có điều tra thật sự nghiêm túc, rõ ràng, minh bạch liên quan đến vấn đề này để chính quyền Việt Nam không làm những việc bắt cóc tiếp theo và phải ngăn chặn hành vi bắt cóc của chính quyền Việt Nam”.
Ngoài UNHCR, thỉnh nguyện thư còn được gửi đến Cao uỷ Nhân quyền LHQ, chính phủ các quốc gia dân chủ, các vị dân biểu, tổ chức Ân xá Quốc tế, tổ chức Theo dõi Nhân quyền, các tổ chức bảo vệ quyền con người và các cơ quan truyền thông quốc tế.