Vụ án bà Trương Mỹ Lan thao túng, rút ruột ngân hàng SCB có quy mô ‘từ trước đến nay chưa từng thấy’ trong lịch sử cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam và để lại hậu quả kinh tế-xã hội vô cùng to lớn, các nhà quan sát từ trong nước nhận định với VOA.
Bà Trương Mỹ Lan, chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, đã bị truy tố hàng loạt tội danh bao gồm ‘Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng’, ‘Đưa hối lộ’, ‘Tham ô tài sản’ và ‘Lừa đảo chiếm đoạt tài sản’ liên quan đến việc phát hành trái phiếu ‘rác’ cho dân. Tất cả những tội danh này đều xảy ra tại hay liên quan đến ngân hàng SCB.
Những con số ‘khủng’
Kết luận điều tra của Bộ Công an được công bố hôm 17/11 cáo buộc bà Lan đã biến ngân hàng SCB thành sân sau để bà bòn rút tiền cho bản thân cũng như cho hoạt động kinh doanh của hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát. Có đến 93% số tiền mà SCB huy động được là để cho bà Lan và tập đoàn của bà vay.
Cụ thể, trong khoảng thời gian 10 năm kể từ ngày 1/1/2012, tức là từ khi SCB đi vào hoạt động, đến ngày 7/10/2022, tức là ngày bà Lan bị bắt, SCB đã cho hệ sinh thái của bà Lan vay 2.500 lần với tổng số tiền là gần 1 triệu 67 nghìn tỷ đồng, tức là khoảng 45 tỷ đô la. Số dư nợ còn lại là 677.000 tỉ đồng, tương đương 28 tỷ đô la, và đều là nợ ‘không thể thu hồi’, theo cơ quan điều tra.
Ngoài ra, bằng cách lập các hồ sơ vay vốn khống, bà Lan đã chiếm đoạt của SCB trên 304.000 tỷ đồng, tiền lời là gần 130.000 tỉ đồng, cộng với 64.000 tỉ đồng thiệt hại được xác định của việc vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng. Tổng cộng, số tiền SCB bị thiệt hại do bà Lan là gần 500.000 tỷ đồng, tương đương gần 21 tỷ đô la.
Nếu chỉ tính riêng số tiền mà bà Lan đã chiếm đoạt của SCB là trên 304.000 tỷ đồng, quy ra đô la là khoảng 12,5 tỷ, thì nó này đã tương đương với hơn 3% GDP của Việt Nam vào năm 2022 (409 tỷ đô la), bằng 2,4% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế và chiếm 11% tổng dư nợ tín dụng cho bất động sản.
Số tiền này lớn gấp ba lần tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, người giàu nhất Việt Nam hiện nay, lớn hơn tài sản của tất cả 5 tỷ phú đô la của Việt Nam cộng lại, và gấp 1,75 lần giá trị vốn hóa của tập đoàn Vingroup của ông Vượng (hơn 173.000 tỷ đồng).
Để so sánh, cao ốc Landmark 81, tòa nhà cao nhất và đắt nhất Việt Nam, tiêu tốn 300 triệu đô la. Số tiền 12,5 tỷ đô la mà bà Lan đã chiếm đoạt đủ để xây 42 cao ốc chọc trời như vậy. Số tiền trên 304.000 tỷ đồng cũng đủ để xây gần 61 cây cầu dây văng hoành tráng như cầu Mỹ Thuận 2 bắc qua sông Tiền đang được xây dựng với tổng số vốn đầu tư là 5.000 tỷ đồng.
Trong bối cảnh hàng triệu công nhân trong cả nước không có tiền mua nhà, dù là nhà ở xã hội theo mức giá của nhà nước, giả sử một căn nhà xã hội có diện tích 50 mét vuông với giá 20 triệu đồng mỗi mét vuông thì số tiền bà Lan đã chiếm đoạt đủ để mua nhà cho 304.000 công nhân.
Đó chỉ là mới tính số tiền thiệt hại ở mức nhỏ nhất là 12,5 tỷ đô la, chưa tính tiền lời và tiền thiệt hại do vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng, cũng như chưa tính số dư nợ mà hệ sinh thái của bà Lan không còn khả năng thanh toán cho SCB là 28 tỷ đô la.
Vụ án của bà Lan cũng có số tiền hối lộ cho một cá nhân được biết lớn nhất trong lịch sử tố tụng của Việt Nam, với cáo buộc bà Lan đã hối lộ 5,2 triệu đô la cho bà Đỗ Thị Nhàn, trưởng đoàn thanh tra do Ngân hàng Nhà nước cử tới thanh tra ngân hàng SCB. Khoản hối lội đó là để bà Nhàn bao che cho những vi phạm tại SCB.
‘Căm giận bọn hút máu dân’
Trao đổi với VOA, luật sư Trần Quốc Thuận, vốn từng là phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, bày tỏ lòng ‘căm giận, căm thù’ đối với bà Lan và đồng bọn của bà trong vụ án này mà ông mô tả là ‘bọn hút máu dân’.
Theo quan sát của ông, người dân và cán bộ khi nghe thông tin về vụ án ‘đều có cảm giác rất bàng hoàng’, nhưng do ‘đã chai lì’ trước những vụ việc tham nhũng lớn nên ‘nghe rồi tặc lưỡi vậy thôi’.
“Đây là vụ án chưa từng thấy, lớn nhất kể từ khi có Đảng cộng sản cầm quyền”, ông Thuận cho biết.
Ông Nguyễn Hữu Vinh, còn được biết đến là blogger Ba Sàm, nhận định với VOA rằng hậu quả kinh tế trong vụ án của bà Trương Mỹ Lan là ‘rất khủng khiếp’.
Ông nhắc lại các vụ án kinh tế chấn động ở Việt Nam ở thế kỷ trước như vụ Nước hoa Thanh Hương của Nguyễn Văn Mười Hai, vụ Epco Minh Phụng cũng có số nạn nhân bị lừa đảo ‘đông khủng khiếp’ nhưng về quy mô thiệt hại thì ‘không thể so được với vụ án bà Trương Mỹ Lan’.
‘Tầm mức khuynh loát của vụ việc trong hệ thống ngân hàng và cả trong chính quyền rất là ghê gớm”, ông nhận định.
Blogger này cho rằng hai vấn đề quan ngại hiện nay là tác động của vụ việc đối với hệ thống ngân hàng của Việt Nam – phải làm sao tránh sụp đổ dây chuyền – và bồi thường cho các nạn nhân của SCB như thế nào.
Tuy nhiên, ông cho rằng chính quyền Việt Nam ‘vẫn có thể giải quyết được hậu quả ở SCB’. Kể từ khi bà Lan bị bắt hồi tháng 10 năm ngoái, ngân hàng này đã bị Ngân hàng Nhà nước kiểm soát đặc biệt và hiện tại mọi hoạt động vay, gửi tiền ở ngân hàng này vẫn diễn ra bình thường.
Sẽ khắc phục được bao nhiêu?
Chuyên gia tài chính-ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng đây là vụ án ‘vô tiền khoáng hậu’ trong lịch sử tố tụng của Việt Nam.
“Cái mà có lẽ đau lòng nhất là ngoài kia có hàng chục nghìn nạn nhân là những nhà đầu tư vào các trái phiếu của Vạn Thịnh Phát”, ông Hiếu nói.
Các công ty con trong tập đoàn Vạn Thịnh Phát của bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc đã có hành vi gian dối trong phát hành trái phiếu thông qua ngân hàng SCB để chiếm đoạt số tiền lên đến 2,4 tỷ đô la của hơn 40.000 nạn nhân, đa số là dân lao động và tầng lớp trung lưu, trên khắp cả nước. Vụ án này đang được công an tách ra để điều tra riêng.
Ông Hiếu bày tỏ băn khoăn ‘không biết chừng nào các nạn nhân trái phiếu mới nhận lại được tiền’ vì ‘với mức độ nghiêm trọng như thế thì việc điều tra các tài sản liên quan cũng sẽ mất đến vài năm’.
Chẳng hạn việc xử lý các tài sản đã bị thu hồi của bà Lan và tập đoàn Vạn Thịnh Phát sẽ gặp những vướng mắc như là ‘đứng tên chủ quyền của ai’ và ‘tính cách pháp lý như thế nào’, ông chỉ ra.
Còn đối với những người gửi tiền vào SCB, chuyên gia này cho rằng ‘không đáng lo’ vì số tiền của họ ‘được công ty bảo hiểm tiền gửi quốc gia đảm bảo’.
“Trong trường hợp SCB phá sản thì những người gửi tiền tại SCB sẽ được bảo hiểm tới mức mà pháp luật quy định”, ông giải thích. “Còn những ai gửi nhiều hơn mức đó thì phải đợi cho đến khi tất cả tài sản của SCB được thanh lý thì mới được bồi thường tiếp”.
Trả lời câu hỏi liệu vụ việc ở SCB có tác động dây chuyền đến hệ thống ngân hàng Việt Nam hay không, vị chuyên gia này cho rằng ‘có thể có’ vì ‘trong hệ thống ngân hàng, các ngân hàng dù có tài sản riêng biệt nhưng lại vay mượn lẫn nhau’.
“Nó có thể tạo ra sự bất an cho khách hàng của các ngân hàng khác. Trường hợp SCB có thể Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước sẽ tìm cách cô lập nó để tác động không có tính chất lan toả”, ông nói.
Theo quan sát của VOA, bên cạnh việc bày tỏ sự phẫn nộ, nhiều người dân và một số cơ quan báo chí Việt Nam như Tạp chí điện tử Pháp Lý và Tạp chí Giáo dục Việt Nam còn chỉ trích, chất vấn về trách nhiệm của các cơ quan quản lý cũng như mức độ chặt chẽ của các quy định pháp luật.
Họ cho rằng các sai phạm, sự ‘buông lỏng quản lý’ không chỉ dừng lại ở bà Đỗ Thị Nhàn, trưởng đoàn thanh tra Ngân hàng Nhà nước, vì vậy, nhà chức trách cần điều tra kỹ lưỡng thêm nữa để làm rõ còn có những quan chức nào liên quan, đồng thời để bịt lại các ‘kẽ hở’, ‘lỗ hổng’ nhằm ngăn chặn những vụ việc tương tự trong tương lai.