Gần một năm sau khi nhà cầm quyền thực hiện việc mà họ gọi là “giải tỏa các công trình trái phép” ở Vườn rau Lộc Hưng (VRLH), chính quyền quận Tân Bình hôm 3/12 lại đưa hàng trăm người tới khu đất mà bà con ở đây nói là thuộc sở hữu của họ để ‘cắt cỏ’ và thay đổi bảng dự án.
Một người dân của khu VRLH bị mất đất, anh Cao Hà Trực, nói với VOA hôm 4/12 rằng anh chứng kiến việc nhà cầm quyền đưa khoảng gần 300 người đến khu đất mà anh nói thuộc sở hữu của bà con ở đây từ năm 1954.
“Từ 6 giờ rưỡi, (nhà cầm quyền) đã huy động lực lượng và 7 giờ rưỡi họ thực hiện việc họ nói là cắt cỏ,” anh Trực nói. “Họ nói họ cắt cỏ nhưng trên thực tế họ đưa một lực lượng gần 300 người tới để thay bảng quy hoạch – trước đây là ‘trường học đạt chuẩn quốc gia’ thì nay là ‘trường học’. (Điều đó) có nghĩa là họ thay dự án của cụm trường học đó.”
Đây là lần thứ 5 chính quyền địa phương thay đổi dự án mà người dân VRLH gọi là các dự án "ma." Khu đất đầy tranh chấp này ban đầu được quy hoạch cho ngành bưu điện vào năm 2001, theo anh Trực, nhưng sau đó đổi thành xây bệnh viện trước khi được dự kiến xây chung cư cao tầng rồi xây trường học trong những năm tiếp theo.
Việc tranh chấp đất đai của bà con ở khu vực VRLH và chính quyền địa phương đã diễn ra nhiều năm qua và vụ việc lên đến đỉnh điểm khi chính quyền quận Tân Bình đưa khoảng một ngàn người tới “giải tỏa” khu vườn trong hai ngày 4 và 8 tháng 1 năm nay.
Truyền thông trong nước hồi đầu năm nay cho biết quận Tân Bình đã thực hiện hai lần cưỡng chế trong các ngày đầu tháng 1 đối với các “công trình xây dựng trái phép” trên diện tích 4,8ha đất.
Theo anh Trực, hơn 500 căn nhà của người dân VRLH bị phá hủy trong các đợt giải tỏa trên. Và ngày 3/12 là lần đầu tiên chính quyền đưa một lượng người đông đảo tới khu vực VRLH sau lần “cưỡng chế” hồi tháng 1.
Anh Trực mô tả những người của chính quyền đa số đeo khẩu trang bị kín mặt, gồm cả những người thuộc đội vệ sinh môi trường và nhiều tổ chức khác của nhà nước.
Bà con VRLH đã gặp những người mà chính quyền đưa tới để phản đối nhưng không có xô xát xảy ra, theo anh Trực.
Truyền thông Việt Nam không đưa bất kỳ thông tin nào về những gì xảy ra sáng ngày 3/12 tại VRLH và VOA không thể liên lạc được với chính quyền quận Tân Bình để xác minh về việc này.
Từ năm 2001, theo anh Trực, chính quyền bắt đầu không xác nhận cơ sở pháp lý (tức không cấp quyền sử dụng đất) cho bà con, phần lớn là người miền Bắc di cư vào miền Nam từ năm 1954, ở khu vực VRLH.
Theo một văn bản của Tòa Giám mục TPHCM gửi Ủy ban Nhân dân TPHCM và các cơ quan liên quan hồi năm 2007 được đăng trên trang Facebook Vườn Rau Lộc Hưng, Tòa Tổng Giám mục khẳng định không có cơ sở pháp lý nào xác định khu đất VRLH là “đất công” như chính quyền nói.
Giữa tháng 9 vừa qua, một phái đoàn của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Mỹ (USCIRF) đã lần đầu tiên gặp gỡ các đại diện của cộng đồng Công giáo sinh sống ở VRLH để tìm hiểu về “sự kiện nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam phá hủy 503 căn nhà và cưỡng chiếm mảnh đất VRLH hồi đầu tháng 1/2019.”
Dân biểu Mỹ Alan Lowenthal hồi tháng 1 đã yêu cầu Đại sứ Mỹ ở Việt Nam Daniel Kritenbrink xem xét việc cưỡng chế và phá hủy vườn rau và nhà cửu ở cộng đồng Lộc Hưng. Theo vị dân biểu thường lên tiếng về các vấn đề nhân quyền của Việt Nam, mặc dù đất đai do nhà nước quản lý nhưng việc tịch thu đất đã trở thành điểm gây tranh cãi khi một số dân cư cho rằng chính phủ “đang gạt những người chủ sở hữu đất nhỏ sang một bên để ủng hộ các dự án bất động sản sinh lời”.