Bà Yingluck Shinawatra sinh ở tỉnh Chiangmai của Thái Lan vào năm 1967 và là người con thứ chín trong một gia đình có truyền thống chính trị. Bà là em gái út của chính trị gia nổi tiếng đang sống lưu vong, ông Thaksin Shinawatra.
Mặc dù có bằng đại học về chính trị của trường đại học ở tỉnh Chiangmai và bằng thạc sĩ của trường đại học Kentucky State, Hoa Kỳ, nhưng bà chưa từng tham gia chính trường trước khi được chỉ định làm lãnh đạo đảng Pheu Thai hồi tháng 5 năm 2011.
Trả lời trong một cuộc họp báo, sau khi được chỉ định làm ứng viên thủ tướng, về những hoài nghi đối với kinh nghiệm chính trị của bà, bà Yingluck nói rằng cha bà và các anh trai bà đã từng làm chính trị gia, vì vậy bà hiểu về chính trị từ khi còn nhỏ tuổi.
Theo kết quả bầu cử sơ khởi của cuộc bầu cử hôm chủ nhật vừa qua, đảng Pheu Thai do bà Yingluck Shinawatra lãnh đạo, và được cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra hỗ trợ, đã chiếm được đa số phiếu và giúp bà chắc chắn trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Thái Lan.
Lên tiếng trên đài truyền hình quốc gia từ trụ sở của đảng Pheu Thai, bà Yingluck nói lên quyết tâm sẽ thực thi những lời hứa khi bà vận động bầu cử và sẽ không làm người dân thất vọng. Bà cho biết sứ mạng trước mắt đầy khó khăn, ví dụ như việc giải quyết vấn đề cơm áo cho dân, cải thiện nền kinh tế và lãnh đạo quốc gia để đi đến chỗ đoàn kết và hòa giải.
Trước cuộc bầu cử, một số nhà quan sát cho rằng bà Yingluck có thể tận dụng lợi thế là một phụ nữ để “hàn gắn” những vết thương chính trị mà các phe phái đối lập ở Thái Lan đã gây nên.
Còn đối với phụ nữ Thái thì sao? Việc một phụ nữ trở thành nữ thủ tướng đầu tiên có ý nghĩa gì với họ?
Trong một cuộc phỏng vấn với đài VOA nhà nghiên cứu chính trị Bridget Welsh tại Trường Quản lý Singapore ở Bangkok nhận định rằng Thái Lan là một trong những nước có tỷ lệ đại diện của nữ chính trị gia thấp nhất ở Đông Nam Á vì vậy đây là một bước đột phá về quyền lực chính trị đối với phụ nữ.
Tuy nhiên, một phụ nữ Thái Lan, cô Chalisa, người có bằng tiến sĩ ở Hoa Kỳ và hiện đồng sở hữu một doanh nghiệp ở Thái Lan, cho biết mặc dù cô không đại diện cho ý kiến của tất cả phụ nữ Thái Lan, nhưng theo quan điểm của cô thì vấn đề giới tính không phải là vấn đề quan trọng trong chính trường Thái Lan:
“Thái Lan không phải là nước có tình trạng quá bất bình đẳng giới tính. Vì vậy, chưa bao giờ chúng tôi cần phải có một phụ nữ làm thủ tướng, vì phụ nữ Thái Lan có rất nhiều cơ hội để trở thành nhà lãnh đạo. Nhưng trong trường hợp này, câu hỏi của tôi là 'với tư cách là một nữ thủ tướng đầu tiên, bà ấy có đủ kinh nghiệm, có đủ khả năng để điều hành đất nước hay không?' Đó là điều mà tôi quan ngại. Với tôi, giới tính không phải là điều quan trọng, mà điều quan trọng là chúng tôi cần một người có thể lãnh đạo đất nước tiến tới một tương lai tốt đẹp hơn.”
Nhiều người cho rằng bà Yingluck là người đại diện cho anh trai bà, ông Thaksin, một người mặc dù đã hai lần thắng cử với số phiếu áp đảo, nhưng đã bị quân đội lật đổ năm 2006 vì họ lo ngại ông chiếm quá nhiều quyền lực.
Những người chỉ trích ông Thaksin nói rằng ông tham nhũng, độc tài và bất trung đối với nền quân chủ được dân chúng Thái tôn sùng. Ông bác bỏ tất cả mọi cáo buộc và đã trốn sang nước ngoài lưu vong để tránh bị ngồi tù vì tội tham nhũng.
Ông Thaksin đã trở nên nổi tiếng ở Thái Lan với tư cách là một doanh nhân trong ngành viễn thông. Ông đã sáng lập công ty Advanced Info Service (AIS), một trong những mạng di động đầu tiên của Thái Lan, và đã đưa gia đình ông trở thành một trong những gia đình giàu có nhất nước.
Ông Thaksin khi đó cũng giao cho các thành viên trong gia đình các vị trí quản lý hàng đầu của tập đoàn viễn thông của ông. Bà Yingluck cũng nằm trong số các thành viên này và đã từng giữ chức giám đốc điều hành cấp cao của AIS và sau đó trở thành chủ tịch của công ty SC Asset Corporation, là một trong những công ty của dòng họ Thaksin kinh doanh lĩnh vực bất động sản.
Nói về sự nghiệp của mình, bà Yingluck cho rằng tất cả các công việc của bà đều có liên quan đến việc phục vụ người dân.
Mặc dù vậy, theo Tiến sĩ Chalisa thì điều hành một đất nước không giống như điều hành một công ty:
“Nếu bà Yingluck đi theo con đường của anh trai bà, nghĩa là coi đất nước giống như một công ty chứ không phải là một quốc gia, thì chúng tôi sẽ lại gặp rất nhiều vấn đề. Chúng ta không thể thu nhỏ một nước thành một công ty, đó là hai cá thể hoàn toàn khác nhau, nhưng ông Thaksin đã coi đất nước như công ty của ông ấy và triết lý của ông Thaksin khác xa so với thực tế, vì vậy mà chính trường Thái Lan hiện nay đã trở thành chia rẽ và có nhiều phe phái.”
Kể từ vụ đảo chính năm 2006, Thái Lan đã chứng kiến các vụ biểu tình và bạo động giữa những người ủng hộ ông Thaksin thuộc giới nông dân và công nhân với những người ủng hộ cho giới cầm quyền truyền thống và quân đội.
Năm 2008, phe áo vàng đã tiến hành các cuộc biểu tình với biểu tình tuyên bố bảo vệ chế độ quân chủ đã tạo áp lực với các chính phủ đồng minh với ông Thaksin bằng cách bao vây trụ sở quốc hội và họ đã chiếm các phi trường ở Bangkok.
Hồi năm ngoái, những vụ đụng độ giữa quân đội và phe áo đỏ của ông Thaksin đã khiến 90 người thiệt mạng, hầu hết các nạn nhân là thường dân.
Các nhà phân tích lo ngại rằng thắng lợi của em gái ông Thaksin có thể sẽ dẫn đến thêm những vụ biểu tình của phe áo vàng hoặc một vụ đảo chính nữa.
Với tư cách là một người dân Thái Lan, Tiến sĩ Chalisa cho rằng sẽ khó có thể xảy ra một cuộc đảo chính nữa trong thời gian tới vì cuộc đảo chính hồi năm 2006 và các cuộc biểu tình sau đó đã bị chỉ trích ở cả trong nước lẫn quốc tế và đã làm tổn hại tới Thái Lan, và theo vị tiến sĩ này thì các phe phái đều hiểu rõ điều đó.
Với thắng lợi của đảng Pheu Thai trong cuộc bầu cử mới đây ở Thái Lan, lãnh đạo đảng này, bà Yingluck Shinawatra, sẽ trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Thái Lan. Trước cuộc bầu cử, một số nhà quan sát cho rằng bà Yingluck có thể tận dụng ưu thế là một phụ nữ để “hàn gắn” vết thương chính trị ở Thái Lan. Tuy nhiên, nhiều người vẫn còn hoài nghi về khả năng lãnh đạo đất nước của bà và đặc biệt là mối liên hệ của bà với cựu thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra.