Đường dẫn truy cập

Đại diện Sứ quán Mỹ nghe tường trình vụ Đồng Tâm


Nhà hoạt động Trịnh Bá Phương (trái) gặp bà Michele Roulbet - Trưởng bộ phận Nội chính phòng Chính trị của ĐSQ Hoa Kỳ - vào ngày 6/2/2020.
Nhà hoạt động Trịnh Bá Phương (trái) gặp bà Michele Roulbet - Trưởng bộ phận Nội chính phòng Chính trị của ĐSQ Hoa Kỳ - vào ngày 6/2/2020.

Đại diện của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội vừa có cuộc họp với nhà hoạt động Trịnh Bá Phương vào ngày 6/2 để nghe ông tường thuật chi tiết về cuộc đột kích xảy ra tại Đồng Tâm vào ngày 9/1 và nhận đơn kêu cứu từ bà Dư Thị Thành, vợ ông Lê Đình Kình – người được xem “thủ lĩnh tinh thần” của người dân Đồng Tâm đã bị thiệt mạng trong cuộc bố ráp.

Theo lời ông Trịnh Bá Phương nói với VOA, cuộc họp của ông với ba viên chức Đại sứ quán Hoa Kỳ, đại diện là bà Michele Roulbet – Trưởng Bộ phận Nội chính phòng Chính trị của Đại sứ quán – đã diễn ra trong 2 tiếng đồng hồ.

“Tôi đã chuyển bức thư của cụ Dư Thị Thành. Và trong hai tiếng đó, tôi đã trao đổi với Đại sứ quán Mỹ rất nhiều tình tiết liên quan đến vụ việc ở Đồng Tâm. Tất cả mọi khía cạnh, từ việc cụ Kình chết cũng như những cái chết khuất tất của 3 viên cảnh sát mà phía nhà nước cho rằng đã chết ở giếng trời”, ông Phương kể lại với VOA.

“Khi kết thúc buổi làm việc, các nhân viên Sứ quán Mỹ có hỏi rằng nguyện vọng của cá nhân tôi và người dân Đồng Tâm hiện nay là gì. Tôi đã trả lời rõ rằng (chúng tôi) mong muốn Đạo luật nhân quyền Magnitsky (được áp dụng) và có một cuộc điều tra độc lập. Phía Đại sứ quán Hoa Kỳ nói rằng chúng tôi chưa hứa chắc nhưng chúng tôi sẽ nghiên cứu rất kỹ về đề xuất này”.

Ông Trịnh Bá Phương cho VOA biết thêm rằng vào ngày 7/2, nhân viên của Đại sứ quán Mỹ tiếp tục liên lạc với ông để tìm hiểu thêm về các chi tiết trong lá thư kêu cứu của bà Dư Thị Thành mà ông đã chuyển đến cho Đại sứ quán trong cuộc làm việc ngày hôm trước.

Trong lá thư viết tay, bà Thành đã kể lại tất cả những gì bà chứng kiến vào ngày 9/1, khi lực lượng chức năng, được cho là lên tới cả ngàn người, kéo đến thôn Hoành vào nửa đêm, rạng sáng bao vây người dân và đột kích vào nhà ông Lê Đình Kình (cụ Kình), 84 tuổi, người đại diện cho dân làng trong vụ khiếu kiện đất đai kéo dài nhiều năm nay, và bắt đi hàng chục người.

Vụ đột kích đã khiến cho ít nhất 4 người thiệt mạng, bao gồm ông Lê Đình Kình và 3 công an thiệt mạng.

Bộ Công an Việt Nam nói các lực lượng chức năng đã được điều tới Đồng Tâm là để “bảo vệ công trình từ xa” (tức công trình xây dựng tường rào quanh sân bay Miếu Môn, mặc dù vào thời điểm diễn ra vụ đụng độ, việc xây dựng chưa tiến hành đến khu vực này). Lý do đưa ra là vì “biết được nhóm quá khích chuẩn bị vũ khí để đốt trụ sở UBND xã Đồng Tâm”, theo lời Tướng Lương Tam Quang – Thứ trưởng Bộ Công an – thông tin cho báo chí ngày 14/1.

Sau khi bị bắt và được thả về, bà Dư Thị Thành, vợ ông Lê Đình Kình, cho biết bà và hàng chục người dân đã bị tra tấn, ép cung và đánh đập nếu không trả lời theo ý những người hỏi cung.

Thư kêu cứu của bà Dư Thị Thành (vợ ông Lê Đình Kình) gửi cho Đại sứ quán Hoa Kỳ vào ngày 6/2/2020.
Thư kêu cứu của bà Dư Thị Thành (vợ ông Lê Đình Kình) gửi cho Đại sứ quán Hoa Kỳ vào ngày 6/2/2020.


“Tôi nhìn thấy lực cảnh sát tra tấn con trai tôi Lê Đình Công rất dã man. Nó không thể đi được mà phải lết dưới đất để di chuyển. Tôi còn nghĩ Công chết ngay sau đó. Tôi nhìn thấy họ đánh ông Bùi Viết Hiểu đến bất tỉnh rồi chuyền nước cho ông ấy nhưng ông Hiểu bị sốc nước vì chuyền nước quá nhanh. Ông Hiểu bị lên cáng và bê ra bên ngoài ngay. Tôi thấy tất cả những người dân Đồng Tâm bị bắt đều đau đớn với rất nhiều thương tích trên người. Có người còn bị gãy xương sườn, xương quai hàm. Bản thân tôi là Dư Thị Thành bị cảnh sát tát vào mặt liên tục và ép phải nhìn thấy lựu đạn trên tay. Tôi bị đánh vào đầu vào tai cho đến nay vẫn còn choáng và ù hết cả 2 bên tai, họ đánh vào hai ống chân tôi đau lắm...”, lá thư tay của bà Thành viết.

Sau vụ đột kích, Công an Hà Nội ngày 13/1 ra quyết định khởi tố 22 người dân Đồng Tâm đã bị bắt giam, theo sau quyết định khởi tố của Bộ Công an đối với họ về 3 tội danh “giết người; tàng trữ, sử dụng vũ khí trái phép; và chống người thi hành công vụ”.

“Tôi cũng đề xuất thêm rằng mong Đại sứ quán Mỹ giám sát, theo dõi hoặc xác minh xem ngoài cụ Kình đã chết thì trong 27 người bị bắt có ai thiệt mạng nữa không, bởi vì cho đến hiện nay, các gia đình có người thân bị bắt vẫn chưa nhận được bất kỳ giấy tờ, quyết định khởi tố bị can, khởi tố vụ án từ phía công an”, ông Phương cho biết thêm.

Sau khi chứng kiến vụ đột kích đẫm máu, ông Trịnh Bá Phương cho biết tâm trạng của người dân Đồng Tâm hiện nay “rất hoang mang” và “không còn tin tưởng vào chính quyền này nữa”.

Trong thời gian qua, nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế đã lên tiếng kêu gọi Việt Nam cho phép tiến hành một cuộc điều tra độc về vụ tranh chấp đất đai dẫn đến chết người ở Đồng Tâm. Nhưng cho tới nay, theo lời ông Phương, mặc dù lệnh phong tỏa Đồng Tâm đã được dỡ bỏ, nhưng “an ninh, mật vụ vẫn được cài cắm ở thôn Hoành, với nhiều camera giám sát 24/24” và một số người dân thỉnh thoảng vẫn bị công an triệu tập để “trấn áp, khủng bố tinh thần”.

VOA Express

XS
SM
MD
LG