Đường dẫn truy cập

Ngoại trưởng Clinton thấy thay đổi về môi trường, chính trị ở Bắc Cực


Ngoại trưởng Clinton (phải) nói chuyện với Viện trưởng Đại học Tromso trong chuyến tham quan khu vực duyên hải trên tàu Helmer Hassen, chiếc tàu dùng cho công tác nghiên cứu vùng Bắc cực hôm 2/6/12
Ngoại trưởng Clinton (phải) nói chuyện với Viện trưởng Đại học Tromso trong chuyến tham quan khu vực duyên hải trên tàu Helmer Hassen, chiếc tàu dùng cho công tác nghiên cứu vùng Bắc cực hôm 2/6/12
Lớp băng bao phủ Bắc cực ngày một mỏng đi có nghĩa là sẽ có thêm nhiều tàu bè đi qua Bắc cực vào một lúc có những lời tuyên bố nhận chủ quyền tại một nơi mà trữ lượng dầu khí có thể chiếm đến 20% con số chưa được khám phá của thế giới. Thông tín viên đài VOA tường trình từ thành phố Tromso, nơi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã họp với các giới chức Na Uy để thảo luận về khu vực Bắc cực đang biến đổi.

Trong 20 năm qua, các khoa học gia của Na Uy cho biết mỗi năm lớp băng bao phủ Bắc cực đã tan mất 45.000 kilomét vuông. Sự kiện này đã mở ra những thủy lộ mới ở phía bắc giúp cho sự thông thương của tàu bè giữa Âu châu và Á châu rút ngắn được thời gian đến 40% so với việc sử dụng kênh đào Suez.

Vì vậy các quốc gia Bắc cực đang tìm cách bảo vệ một khu vực mà bộ trưởng Ngoại giao Na Uy Jonas Gahr Stoere cho biết đang trải qua một chuyển đổi sâu rộng. Ông nói:

”Đang có những thay đổi đưa tới sự xuất hiện của một khu vực trước đây bị đóng băng cả về chính trị lẫn khí hậu, và bây giờ đang tan chảy.”

Bộ trưởng Ngoại giao Na Uy đã đưa Ngoại trưởng Clinton đến thành phố phía bắc của Vòng Bắc cực để gặp các khoa học gia và giới lãnh đạo doanh nghiệp đang chuẩn bị cho lưu lượng tàu bè đông đúc hơn ngoài biển khơi và công cuộc thăm dò dầu khí bận rộn hơn trong một khu vực mà sở Địa chất Hoa Kỳ cho hay có thể có trữ lượng dầu khí và khoáng sản trị giá đến 9.000 tỉ đôla. Bà nói:

”Rất nhiều quốc gia đang xem xét tiềm năng thăm dò và khai thác các tài nguyên thiên nhiên cũng như những hải lộ mới và ngày càng bày tỏ sự chú ý đến Bắc cực. Hoa Kỳ và Na Uy cam kết cổ vũ cho việc quản trị có trách nhiệm những tài nguyên đó và làm tất cả những gì mà chúng ta có thể làm để ngăn chặn và giảm thiểu hệ quả của tình trạng biến đổi khí hậu.”

Nhiệt độ ấm hơn của nước biển và lớp băng thu nhỏ lại có nghĩa là có những thay đổi lớn trong nguồn cung cấp thức ăn tại Bắc cực cho các loài thú gồm gấu bắc cực và hải cẩu.

Chuyên gia Geir Wing Gabrielsen là giám đốc các chương trình nghiên cứu môi trường nhiễm độc tại viện Nghiên cứu Bắc cực của Na Uy. Ông nói:

”Tại vịnh Svalbard trước đây có rất nhiều băng đá và đây là nơi sinh sản rất tốt cho loài hải cẩu. Nó cũng là nơi cung cấp thức ăn cho gấu Bắc cực. Giờ đây không còn băng đá nữa. Điều này có nghĩa là những con hải cẩu này sẽ phải tìm ra những nơi khác để sinh sản. Loài gấu Bắc cực không còn tìm ra thức ăn như trước đây ở nơi này nữa.”

Mức độ át xít cao hơn trong nước biển cũng có một hệ quả làm giảm nguồn cung cấp thức ăn khi mà vỏ của các loài tôm cua sò ốc bị mềm đi. Điều đó có nghĩa là các loại cá trích và cá tuyết không còn có nguồn thực phẩm dồi dào như trước nữa. Ông cho biết tiếp:

”Chúng tôi thấy hệ quả của các chất gây ô nhiễm đối với các loài vật này. Nó là hệ quả của việc chuyên chở các chất gây ô nhiễm từ những khu vực công nghiệp, từ Trung Âu, từ Bắc Mỹ, Á châu, Nga. Và điều này đã đưa đến hệ quả cho lượng thực phẩm cung cấp của các loài sinh vật tại Bắc cực.”

Chuyên gia Gunhild Hoogensen Gjorv là giáo sư khoa chính trị tại đại học Tromso. Ông giải thích:

”Môi trường tại đây vẫn còn nguyên tính sơ khai, rất cần được bảo tồn. Những gì xảy ra trong môi trường ở đây có những hệ quả cho toàn cầu. Chúng ta biết như vậy.”

Giảm thiểu những hệ quả đó liên quan đến 5 quốc gia chính nằm dọc theo bờ biển Bắc cực: Canada, Greenland, Na Uy, Nga và Hoa Kỳ. Mỗi quốc gia có một vùng đặc khu kinh tế với 200 hải lý tính từ bờ biển và đang phân định diện tích băng đá còn lại chung quanh Bắc cực qua Ủy Ban Đặc Trách Thềm Lục Địa của Liên Hiệp Quốc.

Hải phận được một hiệp ước về luật biển qui định. Bản hiệp định này được tất cả các quốc gia Bắc cực ký kết ngoại trừ Hoa Kỳ. Một số thành viên bảo thủ trong Quốc hội Mỹ chống đối việc ký kết hiệp ước vì họ cho rằng nó hạn chế quá đáng sự di chuyển của Hải quân Hoa Kỳ.

Ngoại trưởng Clinton nói với các giới chức Na Uy rằng chính quyền Obama đang gắng sức thúc đẩy để quốc hội thông qua Hiệp Ước về Luật Biển.

Giáo sư khoa chính trị Gjorv nói chuyện này là một phần quan trọng để tiến tới trong vấn đề Bắc cực:

”Sẽ khó cho những quốc gia còn lại ngồi vào bàn thương thảo nếu như sau một thời gian họ cảm thấy là Hoa Kỳ không cùng hưởng ứng bản hiệp ước quan trọng này. Nhất là khi nó được khai mở và chúng ta sắp có thêm những hoạt đông tại khu vực này. Sự lừng khừng của Hoa Kỳ rõ ràng sẽ gây căng thẳng vì chúng ta cần đến nó như một diễn đàn để từ đó có thêm các cuộc thương thuyết khác về những vấn đề mà chúng ta chưa thể tiên đoán được. “

Trong chuyến đi này, bà Clinton cho hay bà đã biết được rằng rất nhiều trong số những tiên đoán về nhiệt độ ấm lên của vùng Bắc cực đang bị những dữ liệu xác thực qua mặt. Theo bà đây là một điều gì đó không nhất thiết là gây ngạc nhiên nhưng chắc chắn nó là chuyện đáng cho chúng ta thức tỉnh.

VOA Express

XS
SM
MD
LG