Đường dẫn truy cập

Ðọc sách


Một trong những đam mê lớn nhất trong đời của tôi là đọc. Hầu như toàn bộ thời gian trong ngày của tôi, lúc nhỏ, ngoài việc học, là đọc; lớn lên, ngoài việc đi dạy để kiếm sống, và sau đó, viết lách, cũng dành cho việc đọc. Đọc, với tôi, là một lạc thú không thể thay thế được.

Hồi nhỏ, tôi đọc tất cả những gì tôi có; lớn lên, tôi đọc những gì tôi thích; sau này, khi tôi viết nhiều, hầu như tôi chỉ đọc những gì mình cần. Đọc cái mình có là cái thú của người thưởng ngoạn nhưng nghèo; đọc cái mình thích là cái thú của người thưởng ngoạn khá dư dật; còn đọc những thứ mình cần là cái thú của người nghiên cứu, ở đó, lạc thú có khi không nằm ở việc đọc mà nằm chủ yếu ở việc viết, ở việc chuyển hoá cái của người khác thành cái của mình; một thứ lạc thú khá thực dụng. Đọc như một người thưởng ngoạn là phiêu du vào một thế giới khác, ở đó, người ta tự đánh mất mình bao nhiêu thì càng thích thú và càng trở thành giàu có bấy nhiêu; đọc như một nhà nghiên cứu là tham gia vào một cuộc thu hoạch và biến chế, ở đó, càng tiếp nhận và tiêu hoá được bao nhiêu người ta càng sung sướng và trở thành giàu có bấy nhiêu.

Hồi nhỏ, tôi thích tất cả những cuốn sách nào thỏa mãn được sự tò mò của mình; lớn lên, tôi thích những cuốn sách gợi cho tôi cảm giác đồng điệu; sau này, tôi thích những cuốn sách mang lại cho tôi những gì thật mới mẻ, hơn nữa, tôi đặc biệt say mê những cuốn sách xuất hiện dưới mắt như một đối thủ hạ gục tôi ngay tức khắc: Đọc, thoạt đầu, tôi có cảm giác không hiểu gì cả; sau, nhận thức được là mình chưa hoặc không bao giờ viết được như vậy. Cảm giác thua trận, trong việc đọc, vừa có một chút buồn rầu lại vừa có chút ngây ngất khi ngước nhìn lên những đỉnh núi thật hùng vĩ và cao tít tắp, lúc ấy, gần như toàn bộ niềm vui đều nằm ở chỗ: cố trèo lên đỉnh núi ấy. Độ cao của núi trở thành một thách thức. Trèo được chừng nào vui chừng ấy.

Liên quan đến việc đọc, nhiều lúc tôi cảm thấy ghen tị với bạn bè và đồng nghiệp người Úc: Hồi nhỏ, cả hai cùng mê đọc sách như nhau, cùng đọc một số lượng sách giống nhau, nhưng trong khi các bạn tôi, những người nói tiếng Anh như ngôn ngữ thứ nhất, có thể đọc được vô số những cuốn sách hay, không những hay mà còn lớn, không những lớn về phương diện nghệ thuật mà còn lớn về phương diện tư tưởng, những tác phẩm được xem như những điển phạm trong phạm vi toàn cầu: với chúng, người ta có thể tự hào là có kiến thức; còn tôi thì chỉ mê mải đọc cả hàng ngàn cuốn sách nho nhỏ nhàn nhạt, như những ca khúc cải lương, chỉ thay đổi lời chứ không thay đổi điệu: Với chúng, thú thực, tôi cũng chả biết dùng làm gì. Nói cách khác, dễ hiểu hơn: đọc Shakespeare, chẳng hạn, người ta có thêm một cái gì đó có thể sử dụng cả đời; đọc Kim Dung, Quỳnh Dao hay hầu hết các tác giả viết feuilleton trên báo chí miền Nam ngày trước, chúng ta chỉ được một chút quên lãng, nghĩa là chỉ mất thì giờ.

Mỗi lứa tuổi nên có một loại sách thích hợp. Có những cuốn sách nên đọc lúc trẻ và có những cuốn sách nên đọc lúc đã lớn tuổi. Nhiều lúc tôi cảm thấy may mắn là lúc nhỏ, những năm đầu tiên của trung học, tôi đã đọc gần hết sách của Tự Lực văn đoàn và Thơ Mới. Nếu đọc muộn hơn, sẽ chỉ thấy đèm đẹp, càn cạn và nhàn nhạt. Nhưng nếu ở lứa tuổi ấy mà không đọc chúng, hoặc chỉ đọc những “Con trâu” (Nguyễn Văn Bổng) hay “Người mẹ cầm súng” (Nguyễn Thi) hay thơ Tố Hữu thì tâm hồn sẽ mất đi rất nhiều thứ, ít nhất là những mơ ước thật trong sáng và những mơ mộng thật nhẹ nhàng.

Ngày xưa, có câu nói của ai đó đã thành danh ngôn: “Họ chỉ sợ những người đọc một cuốn sách”. Có lẽ đó chỉ là một cách nói. Sự thật, không có ai hiểu một cuốn sách, dù chỉ ở mức vừa phải, nếu chỉ đọc một cuốn đó thôi. Người ta phải đọc cả ngàn cuốn sách mới hiểu được sâu sắc cuốn sách đầu tiên họ đọc. Lý do là cuốn sách nào cũng có tính liên văn bản: Nó có hàng ngàn sự nối kết chằng chịt với các cuốn sách khác. Chỉ dừng lại một cuốn sách không khác gì cảnh bị ở tù. Lại là tù biệt giam. Trong hầm kín.

Bởi vậy, tôi rất ngạc nhiên khi nghe, không phải một lần mà là nhiều lần, không phải từ một người mà từ nhiều người: Một số nhà văn lớn tuổi thường khuyên các nhà văn trẻ tuổi hơn là đừng đọc nhiều quá. Hai lý do thường được nêu lên là: Một, đọc kỹ một vài cuốn sách thì dễ có cơ hội đi sâu hơn là đọc cả hàng chục, hay hàng trăm, thậm chí, hàng ngàn cuốn sách; và hai, đọc nhiều quá sẽ bị ảnh hưởng từ người khác, do đó, sẽ đánh mất bản sắc riêng của mình. Xin nói ngay hai điều: Một, những lời khuyên kiểu ấy, tôi chỉ nghe từ giới cầm bút người Việt; ở Tây phương, có lẽ không có ai nói vậy; và hai, theo quan sát và đánh giá của tôi, những nhà văn thường đưa ra lời khuyên ấy đều lớn tuổi nhưng không phải là những tài năng lớn; tất cả các tác phẩm của họ đều khá nghèo nàn, hơn nữa, đều chịu ảnh hưởng nặng nề của những khuynh hướng cũ mèm chứ không có gì là của riêng họ cả.

Ở Tây phương, ngược lại, hầu như mọi người đều khuyên giống nhau: Để viết hay, trước hết, hãy đọc. Không có nhà văn lớn nào mà không đọc nhiều. Thử đọc các bài phê bình và tiểu luận của các nhà văn và nhà thơ lớn ở Tây phương thì thấy ngay: Họ không những nhạy cảm và có khả năng diễn đạt giỏi mà còn có kiến thức rất rộng và óc phân tích rất cao. Bởi vậy, nhiều người trong họ không phải chỉ là những người sáng tác mà còn được nhìn nhận như những nhà phê bình và lý thuyết gia xuất sắc. Tất cả những điều đó đều đến từ việc đọc.

Nhớ, nhà văn Phạm Thị Hoài, đâu đó, có nêu lên một ý mà tôi rất thích: Ở thời đại toàn cầu hóa như hiện nay, một nhà văn không có quyền cáo lỗi với độc giả về việc không biết các đồng nghiệp của mình trên thế giới nghĩ gì và viết gì. Lại nhớ Susan Sontag, đâu đó, có nói một ý rất hay: “Một nhà văn, trước hết, là một độc giả. Chính từ việc đọc mà tôi rút ra được những tiêu chuẩn để dựa vào đó tôi đánh giá các tác phẩm của chính tôi và cũng theo đó, tôi buồn bã nhận thấy tôi còn quá thấp. Cũng chính qua việc đọc, tôi trở thành một phần trong một cộng đồng văn học vốn bao gồm nhiều nhà văn đã mất hơn là những người còn sống.”

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Nguyễn Hưng Quốc

    Nhà phê bình văn học, nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ (http://tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc. Đã xuất bản trên mười cuốn sách về văn học Việt Nam.

VOA Express

XS
SM
MD
LG