Đường dẫn truy cập

Cựu đại sứ VN tại Mozambique bị cáo buộc tiếp tay buôn lậu ngà voi


Vai trò của Việt Nam trong buôn bán ngà voi bất hợp pháp toàn cầu đã tăng nhanh trong thập niên qua, theo một báo cáo của Cơ quan Điều Tra Môi trường.
Vai trò của Việt Nam trong buôn bán ngà voi bất hợp pháp toàn cầu đã tăng nhanh trong thập niên qua, theo một báo cáo của Cơ quan Điều Tra Môi trường.

Cựu đại sứ Việt Nam tại Mozambique Nguyễn Văn Trung được nêu tên là người giúp móc nối những kẻ buôn lậu ngà voi người Việt với các quan chức cao cấp trong lực lượng cảnh sát và hải quan của quốc gia Châu Phi này, cũng như báo động cho họ khi họ bị nhà chức trách nhắm mục tiêu, theo một báo cáo được công bố hồi gần đây.

Bản báo cáo của Cơ quan Điều tra Môi trường (EIA), một tổ chức phi chính phủ ở Anh chuyên điều tra và vận động chống lại tội phạm và lạm dụng về môi trường, phơi bày hoạt động của những đường dây vận chuyển và buôn bán ngà voi bất hợp pháp từ Châu Phi và tiết lộ danh tính của những cá nhân người Việt tham gia trong hoạt động này. Các nhà điều tra của EIA đã giả dạng làm người mua tiềm năng để tiếp cận các đối tượng và lén quay lại các cuộc trao đổi với họ, bắt đầu từ tháng 4 năm 2016.

EIA xác định người cầm đầu đường dây này là Phan Chí, được nói là lãnh đạo một băng nhóm tội phạm có tổ chức gồm ít nhất 10 “lính,” vốn là những người buôn lậu trong những giai đoạn khác nhau của chuỗi buôn bán, để thực hiện các công việc cần thiết từ thu mua, đóng gói, vận chuyển và bán ngà voi và sừng tê giác.

Ông Chí khoe với các nhà điều tra EIA rằng ông có mối quan hệ thân thiết với ông Nguyễn Văn Trung, người giữ chức đại sứ Việt Nam tại Mozambique tới ít nhất là đầu năm 2018, và rằng ông Trung đã giới thiệu với ông các quan chức cao cấp trong giới cảnh sát và hải quan của chính phủ Mozambique, theo một chú thích dưới hình ảnh chụp ông Chí đang nói chuyện với các nhà điều tra EIA trong bản báo cáo.

Một người buôn lậu khác ở Mozambique, được xác định danh tính là Nguyễn Thành Trung, nói với các nhà điều tra EIA rằng ông ta cũng quen biết Đại sứ Trung và rằng ông ta đã được Đại sứ Trung cảnh báo nên thận trọng hơn vì ông ta đang bị tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (INTERPOL) theo dõi.

Cựu đại sứ Trung hiện là phó tổng biên tập của báo Thế giới & Việt Nam trực thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam, EIA cho biết. Báo này không hồi đáp email của VOA yêu cầu xác nhận mối quan hệ giữa ông Trung và ông Chí. Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng không trả lời những câu hỏi của VOA gửi qua email về những cáo buộc nhắm vào ông Trung.

Đại sứ Việt Nam tại Mozambique Nguyễn Văn Trung (phải) nhận quà từ Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang khi ông đến thăm Mozambique, ngày 12 tháng 3, 2016. (Hình: Báo Thế giới & Việt Nam)
Đại sứ Việt Nam tại Mozambique Nguyễn Văn Trung (phải) nhận quà từ Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang khi ông đến thăm Mozambique, ngày 12 tháng 3, 2016. (Hình: Báo Thế giới & Việt Nam)

Ông Trung là một trong những người thuộc phái đoàn Việt Nam tới thảo luận với những người đồng cấp ở Mozambique để hướng tới một thỏa thuận nhằm ngăn chặn tình trạng săn bắn trộm, buôn bán, vận chuyển trái phép các mẫu vật động vật hoang dã, theo một bản tin đăng trên website của Đại sứ quán Việt Nam ở Mozambique vào năm 2015.

“[Ông Trung] đã nhấn mạnh sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ đối với các cơ quan chức năng của Việt Nam trong việc tăng cường kiểm soát, bảo tồn các loài động vật hoang dã, đồng thời nhấn mạnh các nước cần tăng cường hợp tác, trao đổi giữa các cơ quan quản lý Nhà nước và cơ quan thực thi pháp luật, đồng thời, mở rộng sự hợp tác này ra quy mô tiểu vùng và khu vực,” bản tin viết.

Không rõ nhà chức trách Việt Nam có biết về những mối quan hệ bị cáo buộc giữa ông Trung và những người buôn lậu bị nêu tên hay không, và cũng không rõ việc thay đổi công tác của ông Trung có liên quan tới vấn đề này hay không.

Đại sứ Việt Nam tại Mozambique hiện là ông Lê Huy Hoàng, người chính thức nhận nhiệm sở vào tháng 5.

Trong một email gửi cho VOA, một đại diện của EIA cho biết họ đã chia sẻ một “tập hồ sơ thông tin mật toàn diện” với cơ quan chấp pháp hữu trách trước đó trong năm nay. “Bản báo cáo công khai chỉ bao gồm một số thông tin từ tập hồ sơ mật lớn hơn và chúng tôi chưa trình bày chi tiết về tất cả các đối tượng trong bản báo cáo công khai,” Shruti Suresh, chuyên gia Vận động Dã sinh Cao cấp của EIA, nói với VOA.

EIA cho biết họ đã chia sẻ bản báo cáo công khai của mình tới giới hữu trách Việt Nam cũng như Mozambique và các nước khác nằm trong tuyến đường vận chuyển trái phép.

“Chúng tôi đang liên lạc với nhà chức trách Việt Nam, tuy nhiên không rõ có hành động thích hợp nào đang được thực hiện hay không dựa trên bản báo cáo của chúng tôi,” bà Suresh nói. Bà cho VOA biết thêm rằng tới giờ những cá nhân bị nêu tên trong bản báo cáo chưa có ai lên tiếng.

Bộ Ngoại giao Việt Nam không trả lời câu hỏi của VOA về việc cải thiện hoạt động chấp pháp trong lĩnh vực buôn lậu ngà voi.

Báo cáo nói mặc dù là đối tượng của nhiều cuộc điều tra và những vụ phanh phui về vai trò trong hoạt động buôn bán bất hợp pháp động vật hoang dã quốc tế, Việt Nam vẫn tiếp tục là tâm điểm của hoạt động buôn lậu ngà voi.

Nghiên cứu và phân tích của cơ quan này cho thấy từ năm 2009, 56 tấn ngà voi đã bị thu giữ tại Việt Nam và 20 tấn ngà voi có liên quan tới Việt Nam bị thu giữ tại các quốc gia khác, “tương đương với lượng ngà voi bắt nguồn từ khoảng 11.414 con voi,” theo bản báo cáo.

Vai trò của Việt Nam trong buôn bán ngà voi bất hợp pháp toàn cầu đã tăng nhanh trong thập niên qua, theo EIA. Được nói là một tuyến trung chuyển chính cho các lô ngà voi lớn sang Trung Quốc, Việt Nam cũng sở hữu ngành công nghiệp chạm khắc ngà voi đang phát triển và là một trong những thị trường buôn bán ngà voi lớn nhất thế giới.

Báo cáo của EIA khuyến nghị Việt Nam điều tra và khởi tố các đối tượng có liên quan đến hành vi tham nhũng cho phép hoạt động buôn lậu động vật hoang dã diễn ra ở Việt Nam, đảm bảo sự hợp tác hữu hiệu giữa các cơ quan và hoạt động chấp pháp, cũng như cải thiện hợp tác quốc tế với các quốc gia nguồn, trung chuyển và tiêu thụ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG