Một chuyên gia nghiên cứu lâu năm về Việt Nam mới cho rằng việc không công bố ngay ấn bản điện tử của Sách Trắng Quốc phòng 2019 là một “thất bại” về thông tin của Hà Nội, và nhận định rằng Việt Nam đã ra “chỉ dấu” về “tăng cường hợp tác quốc phòng với các nước khác” nếu chủ quyền bị đe dọa.
Việt Nam hôm 25/11 công bố Sách Trắng Quốc phòng, và tin cho hay, tài liệu lần đầu tiên được xuất bản trong 10 năm này đã được trao cho các tùy viên quốc phòng của các phái đoàn ngoại giao nước ngoài.
Tuy nhiên, theo giáo sư Carl Thayer từ Australia, “cho tới ngày 27/11, ấn bản điện tử, cả bằng tiếng Việt lẫn tiếng Anh, vẫn chưa thấy xuất hiện trên trang web của Bộ Quốc phòng Việt Nam”. “Đây có thể bị coi là một thất bại lớn trong việc quản lý thông tin của Việt Nam”, chuyên gia nghiên cứu lâu năm nói.
Trong phần về Sách Trắng trên trang web của Bộ Quốc phòng Việt Nam, phóng viên VOA tiếng Việt chưa thấy phiên bản năm 2019 mà chỉ thấy các năm 1998, 2004 và 2009.
Theo giới quan sát, một điểm đáng chú ý trong Sách Trắng năm nay là việc chính sách quốc phòng cốt lõi của Việt Nam chuyển từ “ba không” sang “bốn không”.
Nhận định về điều này, giáo sư Carl Thayer nói: “Cái ‘không’ thứ tư trong chính sách ‘bốn không’ của Việt Nam về việc ‘không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế’ nhấn mạnh tới tầm quan trọng của cam kết của Việt Nam về chính sách quốc phòng mang tính ‘hòa bình và tự vệ’”.
Theo chủ trương lâu nay của Việt Nam, chính sách “ba không” gồm “không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác”.
Trong lễ công bố Sách Trắng hôm 25/11, Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh được báo chí trong nước dẫn lời nói rằng “Việt Nam sẽ tăng cường hợp tác quốc phòng với các nước để nâng cao khả năng bảo vệ đất nước và giải quyết các thách thức an ninh chung”, và rằng “tùy diễn biến tình hình và trong những điều kiện cụ thể, Việt Nam sẽ cân nhắc phát triển các mối quan hệ quốc phòng, quân sự cần thiết với mức độ thích hợp trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhau cũng như các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế”.
Khi được hỏi về phát biểu này, giáo sư Thayer cho rằng tuyên bố đó “củng cố chính sách công bố trước đó trong Sách Trắng 2009”. Ông nói thêm: “Chính sách hợp tác quốc phòng chung của Việt Nam vẫn như cũ, nhưng đồng thời, Việt Nam ra chỉ dấu rằng nếu các mối đe dọa cụ thể đối với chủ quyền xảy ra, Việt Nam có quyền củng cố khả năng phòng thủ bằng việc tăng cường hợp tác quốc phòng với các nước khác tùy vào tình hình cụ thể”.
Ngoài ra, ông Thayer cho rằng “một điều đáng chú ý là việc ông Vịnh nói kỹ hơn về chính sách ‘vừa hợp tác vừa đấu tranh’”. Nhà nghiên cứu này dẫn lại lời của ông Vịnh trên truyền thông trong nước, nói về việc Việt Nam sẽ “kiên quyết, kiên trì đấu tranh và xử lý mọi bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế” nhưng “nếu đất nước có chiến tranh, chúng ta buộc lòng phải cầm súng vì hòa bình”.
Liên quan tới vấn đề tranh chấp lãnh hải, Thông tấn xã Việt Nam trích dẫn một phần trong Sách Trắng: “Tình hình Biển Đông thời gian gần đây mặc dù đã có một số chuyển biến tích cực, nhưng các yếu tố gây mất ổn định, căng thẳng vẫn tồn tại và diễn biến phức tạp đang đặt ra những thách thức mới đối với việc bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, bảo vệ hòa bình, ổn định của Việt Nam. Những diễn biến mới trên Biển Đông, trong đó có các hành động đơn phương, áp đặt dựa trên sức mạnh, bất chấp luật pháp quốc tế và các hoạt động quân sự hóa, làm thay đổi nguyên trạng, xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam theo luật pháp quốc tế, ảnh hưởng đến lợi ích của các quốc gia liên quan, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trong khu vực…”
Hiện chưa rõ Sách Trắng Quốc phòng lần này có bao nhiêu lần nhắc tới Biển Đông cũng như Trung Quốc và các nước tranh chấp chủ quyền khác với Việt Nam.
Trong khi đó, “Bạch thư Quốc phòng” được Trung Quốc công bố hồi tháng Bảy có nhắc tới Việt Nam và Biển Đông đồng thời nói rằng các lực lượng vũ trang của quốc gia đông dân nhất thế giới “quyết tâm bảo vệ chủ quyền” ở vùng biển tranh chấp.
Tài liệu có tựa đề “Quốc phòng Trung Quốc trong thời kỳ mới” viết rằng “tình hình Biển Nam Trung Hoa [Biển Đông] nhìn chung ổn định và cải thiện trong khi các nước trong khu vực đang xử lý phù hợp các rủi ro và khác biệt”.
Trong tuyên bố cho thấy Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ không nhượng bộ trong vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh hải, “Bạch thư Quốc phòng” nói rằng “mục tiêu cơ bản” của chính sách phòng thủ quốc gia của quốc gia đông dân nhất thế giới là nhằm bảo vệ “các quyền lợi và chủ quyền hàng hải của Trung Quốc”.
“Các hòn đảo trên Biển Nam Trung Hoa và quần đảo Điếu Ngư [tranh chấp với Nhật] là các phần lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc. Trung Quốc thực thi chủ quyền quốc gia để xây dựng cơ sở và triển khai khả năng phòng thủ cần thiết trên các hòn đảo và bãi đá ở Biển Nam Trung Hoa cũng như thực hiện các cuộc tuần tra ở vùng biển quanh quần đảo Điếu Ngư ở Biển Hoa Đông”, tài liệu có đoạn.