Báo cáo mới nhất của Viện Nghiên cứu Hoà bình Stockolm (SIPRI) về chi tiêu quốc phòng của các quốc gia trên thế giới không có dữ liệu về Việt Nam và cho biết đây là bí mật nhà nước. Tuy nhiên, Sách trắng Quốc phòng của Việt Nam gần đây lại công bố các con số cho thấy ngân sách của Hà Nội dành cho quốc phòng theo phần trăm GDP.
Vậy Việt Nam không còn bí mật về những con số này?
Báo cáo mà SIPRI công bố hôm 27/4 cho thấy thống kê về chi tiêu quốc phòng của hơn 170 quốc gia trên toàn thế giới trong nhiều năm từ 1988 đến 2019, trong đó cho thấy xu hướng các nước tăng cường chi tiêu nhiều hơn cho năng lực phòng vệ của mình đặc biệt trong những năm trở lại đây. Theo SIPRI, chi tiêu quốc phòng trên toàn thế giới năm 2019 tăng 3,6% so với năm trước đó và cũng là con số tăng trưởng hàng năm lớn nhất kể từ 2010. Mỹ vẫn đứng đầu thế giới về chi tiêu quốc phòng với 732 tỷ USD, theo sau là Trung Quốc với 261 tỷ USD. Ấn Độ trở thành quốc gia châu Á thứ 2 trong top 3 nước đứng đầu về chi tiêu quốc phòng, với 71,1 tỷ USD.
Việt Nam không cung cấp con số chính thức về chi tiêu quân sự vì các lý do an ninh.Siemon T. Wezeman, nhà nghiên cứu cao cấp của chương trình Chi tiêu Vũ khí và Quân sự tại SIPRI
Thống kê của SIPRI, được tổng hợp từ các nguồn mở, cho thấy dữ liệu chính thức về chi tiêu quốc phòng của Việt Nam từ 2003 đến 2011, với mức chi tiêu trung bình hàng năm là hơn 7,5% mức chi tiêu của chính phủ trong vòng 9 năm đó.
“Việt Nam không cung cấp con số chính thức về chi tiêu quân sự vì các lý do an ninh,” Siemon T. Wezeman, nhà nghiên cứu cao cấp của chương trình Chi tiêu Vũ khí và Quân sự tại SIPRI, cho VOA biết. “Vì SIPRI dựa trên các nguồn mở cho công chúng để thu thập dữ liệu nên (chúng tôi) không thể có được một sự đánh giá độc lập và có thể kiểm chứng về tổng chi tiêu quân sự của Việt Nam.”
Ngân sách quốc phòng của Việt Nam là một bí mật nhà nước về mặt chính thức, theo Giáo sư Carl Thayer của Học viện Quốc phòng Hoàng gia Úc, người có nhiều hiểu biết về chính trị và quốc phòng Việt Nam.
Tuy nhiên, dù Việt Nam không công bố con số chi tiêu quốc phòng như các quốc gia khác, một con số tương đối có thể được tìm thấy trong một tài liệu mà Việt Nam gọi là Sách trắng Quốc phòng.
“Việt Nam đã phá lệ khi công bố Sách trắng Quốc phòng 2009,” ông Thayer, cũng là giáo sư của Đại học New South Wales, nói với VOA. “Lần đầu tiêu Việt Nam cung cấp các con số về ngân sách quốc phòng.”
Mặc dù đúng là Việt Nam tuyên bố rằng ngân sách quốc phòng là một bí mật nhà nước nhưng họ đã công bố các con số này cho các năm từ 2010 đến 2019 vào tháng 11/2019.Carl Thayer, GS Học viện Quốc phòng Hoàng gia Úc
Theo Sách trắng Quốc phòng 2009, chi tiêu quân sự của Việt Nam tăng từ 16.278 tỷ đồng năm 2005 lên 27.024 tỷ đồng năm 2008. Số phần trăm GDP giành cho chi tiêu quân sự của Việt Nam giữ nguyên mức 1,8% nhưng con số tăng lên vì kinh tế của Việt Nam tăng gấp đôi trong 4 năm đó.
Con số phần trăm GDP giành cho chi tiêu quốc phòng của những năm từ 2010 đến 2018, được công bố trong Sách trắng Quốc phòng 2019 ra mắt hồi tháng 11 năm ngoái, cho thấy mức chi tiêu trung bình cho quốc phòng của Việt Nam là hơn 2,45% trong vòng 13 năm qua.
“Điều ngạc nhiên và mâu thuẫn là Việt Nam trong Sách trắng Quốc phòng 2019 cho thấy con số ngân sách quốc phòng qua phần trăm GDP, nhưng không phải là con số toàn bộ,” nhà nghiên cứu Wezeman của SIPRI nói qua email. “Độ lớn về ngân sách quốc phòng luôn được xem là bí mật nhà nước nhưng dường như nó không còn là như vậy nữa.”
“Mặc dù đúng là Việt Nam tuyên bố rằng ngân sách quốc phòng là một bí mật nhà nước nhưng họ đã công bố các con số này cho các năm từ 2010 đến 2019 vào tháng 11/2019,” GS Thayer nói và cho rằng điều này không có gì là mâu thuẫn vì Việt Nam chỉ công bố con số phần trăm GDP chung chung. “Họ không đưa ra chi tiết về ngân sách quốc phòng được chi tiêu như thế nào trong các ngành dịch vụ (của quân đội), các thương vụ mua vũ khí, công nghiệp quốc phòng, và chi trả lương thưởng.”
Việt Nam đã gia tăng chi tiêu quân sự đáng kể trong những năm gần đây giữa bối cảnh Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng trên Biển Đông và khu vực.
Theo GS Thayer, chúng ta thực sự không biết “những gì được bao gồm trong ngân sách quốc phòng Việt Nam và những gì không được bao gồm trong đó.”
Việt Nam đã gia tăng chi tiêu quân sự đáng kể trong những năm gần đây giữa bối cảnh Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng trên Biển Đông và khu vực, và theo dự báo của chuyên viên phân tích Công nghiệp Quốc phòng châu Á Thái Bình Dương tại HIS Jane’s, Jon Grevatt, chi tiêu quốc phòng của Việt Nam sẽ tăng lên 6,2 tỷ USD đến năm 2020.
Vào tháng 3 năm ngoái, SIPRI cũng đưa ra một phúc trình về các giao dịch vũ khí quốc tế, trong đó nói Việt Nam nằm trong top 10 nước mua nhiều thiết bị quân sự nhất thế giới.
Trong những năm gần đây, khoảng hơn 80% đơn hàng quân sự của Việt Nam đặt mua của Nga, theo CNN. Việt Nam sử dụng các khoản chi để hiện đại hóa khả năng – đặc biệt là các đội tầu ngầm và chiến hạm.
Kể từ khi Tổng thống Barack Obama dỡ bỏ lệnh cấm vận bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, Hà Nội đã có các hợp đồng mua các thiết bị quân sự với Mỹ trị giá tới 94,7 triệu USD, theo một nguồn tin của Bộ Ngoại giao Mỹ cho VOA biết.
“Chính sách quốc phòng của Việt Nam”, theo Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết năm 2018, “là để bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc, hòa bình của đất nước và đóng góp vào hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới”.