Đường dẫn truy cập

Vụ H Xuân Siu: Thi hài đã được chôn ở Ả-rập Xê-út, gia đình thất vọng và tức giận


H Xuân Siu, thiếu nữ người Việt chết ở Ả-rập Xê-út sau hai năm đi xuất khẩu lao động, đã được chôn cất tại nước này, Đại sứ quán Việt Nam ở Riyadh cho biết, thay vì được đưa về nước theo nguyện vọng thiết tha của gia đình.

Tin tức này càng làm tăng thêm nỗi đau của gia đình cô bé 17 tuổi dân tộc Gia Rai, người mà trước khi qua đời đã liên tục kêu cứu để hoát khỏi điều mà em nói là sự bạo hành thể xác từ chủ nhà nơi em làm người giúp việc.

Vụ việc thu hút sự chú ý sau khi VOA tường trình về câu chuyện của em và cách thức mà một công ty tuyển dụng lao động ở Việt Nam đã sử dụng nhằm chiêu dụ các thiếu nữ thuộc sắc dân thiểu số từ những vùng quê nghèo hẻo lánh tham gia lực lượng lao động xuất khẩu ngày càng đông, dù một số em chưa đủ tuổi theo quy định của luật pháp Việt Nam.

VOA có được một công điện của Đại sứ quán Việt Nam ở Ả-rập Xê-út gửi cho các cơ quan hữu trách trong nước ngày 4 tháng 11 nói rằng thi hài của H Xuân Siu “đã được chôn cất cẩn thận theo quy định của nước sở tại” vào ngày 10 tháng 10, dẫn ra thông tin từ công hàm của Tổng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao Ả-rập Xê-út gửi cho đại sứ quán vào ngày 1 tháng 11.

Vị trí mộ được nói là nằm bên cạnh nghĩa trang Handesi ở thành phố Arar thuộc khu vực biên giới phía bắc của Ả-rập Xê-út.

H Xuân qua đời vào ngày 18 tháng 7 vì do “tim ngừng đập, thiếu oxy trong phổi, và thuyên tắc phổi,” theo báo cáo của Bệnh viện Burj Al Shimal ở Arar.

Công điện của đại sứ quán dường như gợi ý rằng các thủ tục đã diễn ra chậm trễ từ phía Việt Nam khiến cho thi hài người lao động không thể được hồi hương theo nguyện vọng của gia đình.

Đại sứ quán nói đã đề nghị phía Việt Nam, bao gồm công ty tuyển dụng H Xuân và gia đình của em, hoàn tất ủy quyền và đưa ra quyết định cuối cùng liên quan đến việc hồi hương thi thể từ ngày 13 tháng 9, nhưng đến ngày 11 tháng 10 đại sứ quán mới nhận được giấy ủy quyền đã dịch công chứng tiếng Ả-rập.

Đại sứ quán cho biết là đã hoàn tất thêm các thủ tục cần thiết với nước sở tại ngay trong ngày 11 tháng 10, nhưng mọi việc đã quá muộn.

“Trên cơ sở đó, [đại sứ quán] xin thông tin và đề nghị Cục Quản lý lao động ngoài nước giúp chỉ đạo Công ty Vinaco thông tin cho gia đình người lao động,” công điện của đại sứ quán nói thêm. “Tiếp tục phối hợp với chủ sử dụng và các cơ quan chức năng sở tại để hoàn tất các thủ tục cuối cùng, đồng thời hoàn trả đầy đủ tiền lương còn thiếu, tư trang/vật dụng cá nhân của lao động cho gia đình.”

H Soan Siu, chị gái của H Xuân ở Đắk Lắk, nói chị cảm thấy thất vọng và tức giận khi hay tin em gái đã được chôn cất ở Ả-rập Xê-út vào ngày thứ Sáu.

Cái chết của em đã khiến mẹ chị suy sụp tinh thần trầm trọng, chị cho biết. Khi cô bé còn nằm trong bệnh viện ở Ả-rập Xê-út, những yêu cầu của gia đình được nhìn thấy mặt em đã bị khước từ.

“Từ khi biết tin em Xuân mất mẹ chẳng ăn uống gì hết, ngày nào cũng khóc. Bây giờ mẹ đang ốm nên em không dám nói chuyện này với mẹ, tại vì hôm bữa họ đã gửi văn bản là sẽ đưa xác em Xuân về nên mẹ chỉ biết là họ đưa xác em Xuân về,” chị nói.

Giờ chị H Soan không biết khi nào chị mới có thể báo tin cho mẹ, nhưng chị biết chị sẽ không từ bỏ nỗ lực đưa em gái về nước.

“Chôn cũng phải đào mộ mà đem về,” chị quả quyết. “Bởi vì mẹ ngày nào cũng đợi em Xuân về, dù sống hay chết cũng phải về.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG