Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam (FAO), Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát Bệnh tật Hoa Kỳ (CDC Hoa Kỳ) hôm 28/9 cam kết cùng Việt Nam loại trừ các trường hợp tử vong ở người do bệnh dại.
Theo WHO, Ngày Thế giới phòng chống bệnh dại năm nay có chủ đề “Một Sức khỏe, Không người Tử vong”, nhấn mạnh cách tiếp cận Một Sức khỏe đang ngày càng trở nên phổ biến trong các chương trình kiểm soát dịch bệnh.
Tổ chức Y tế Thế giới nói rằng tại Việt Nam, Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, và các chính quyền địa phương, với sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế nói trên “đã và đang phối hợp thực hiện Chương trình quốc gia về phòng chống bệnh dại”.
“Giảm tử vong người bị bệnh dại do lây truyền từ chó là mục tiêu cấp bách và nhiều thách thức của nhiều quốc gia trong những thập kỷ gần đây. Tuy nhiên, thông qua sự phối hợp chặt chẽ và việc thực hiện ngay từng bước nhằm thúc đẩy việc kiểm soát bệnh dại sẽ có thể giúp đảm bảo việc loại trừ hoàn toàn người tử vong vì bệnh dại từ năm 2030”, WHO nói trong một tuyên bố.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, dù đã đạt được một số tiến bộ trong 10 năm qua, Việt Nam vẫn tiếp tục báo cáo từ 70 đến 100 trường hợp tử vong do bệnh dại mỗi năm. Trong 8 tháng đầu năm 2022, Việt Nam ghi nhận đã có 40 trường hợp tử vong.
Tổ chức này nói rằng mặc dù số trường hợp tử vong do bệnh dại ở một số tỉnh giảm đáng kể, nhưng số trường hợp tử vong từ năm 2017 đến năm 2021 vẫn tăng ở 20 tỉnh so với giai đoạn 2011-2016, và điều này nhấn mạnh sự cần thiết phải áp dụng các bài học kinh nghiệm và hợp tác chặt chẽ với chính quyền địa phương để đảm bảo giảm người tử vong do bệnh dại trong tương lai.
“Để cải thiện tỷ lệ bao phủ tiêm chủng cho chó, chúng ta cần đảm bảo tính sẵn có, khả năng tiếp cận, và khả năng chi trả đối với vắc xin phòng dại”, Bác sỹ Lindsay Kim, Giám đốc Chương trình An ninh Y tế Toàn cầu, Văn phòng CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam nhấn mạnh. “Hơn nữa, việc tăng cường giám sát bệnh dại theo cách tiếp cận Một sức khỏe và lồng ghép với hệ thống giám sát dựa trên sự kiện hiện đang được Bộ Y tế triển khai và vận động cũng cần được chú trọng để tiến gần hơn đến mục tiêu“Không còn người tử vong vì bệnh dại từ năm 2030”.
CDC Hoa Kỳ cho biết rằng nhóm chuyên trách về phòng chống bệnh dại đã hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực nâng cao năng lực giám sát bệnh dại và xét nghiệm trong phòng thí nghiệm ở miền Bắc Việt Nam.
Ngoài ra, tin cho hay, CDC cũng phát triển tài liệu đào tạo về giám sát dựa trên sự kiện đối với 10 bệnh ưu tiên, bao gồm bệnh dại, và làm việc với các đối tác trong nước và quốc tế để phát triển các cách tiếp cận khôn ngoan để loại trừ bệnh dại ở chó.