Bản cáo bạch của hãng ô tô VinFast thuộc tập đoàn Vingroup ở Việt Nam nộp cho Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ ngày 6/12 cho thấy hãng này có tổng tài sản hơn 4,4 tỷ đô la, nhưng đang nợ tổng cộng xấp xỉ 8,8 tỷ đô la và bị lỗ lũy kế lên đến gần 4,7 tỷ đô la.
Theo dữ liệu tài chính tóm tắt được liệt kê ở hai trang 21 và 22 trong bản cáo bạch, tính đến ngày 30/9/2022, tổng tài sản của VinFast - trên giấy tờ là một hãng Singapore - là hơn 105 nghìn 380 tỷ đồng, tương đương 4,409 tỷ đô la.
Cũng ở thời điểm đó, nợ ngắn hạn của hãng - tức nợ phải trả cho các chủ nợ trong vòng 12 tháng - là gần 127 nghìn tỷ đồng, tương đương hơn 5,3 tỷ đô la. Bên cạnh đó, nợ dài hạn của hãng là hơn 83 nghìn tỷ đồng, gần bằng 3,5 tỷ đô la.
Lỗ lũy kế của hãng vào cuối quý 3/2022 là gần 112 nghìn tỷ đồng, tức gần 4,7 tỷ đô la. Lỗ ròng tính theo từng năm là gần 19 nghìn tỷ đồng (gần 800 triệu đô la) vào năm 2020; hơn 32 nghìn tỷ đồng (hơn 1,3 tỷ đô la) vào năm 2021; và hơn 34,5 nghìn tỷ đồng (hơn 1,4 tỷ đô la) trong 9 tháng đầu năm 2022.
Giáo sư, tiến sỹ Khương Hữu Lộc, một giám đốc tài chính và chuyên gia kinh tế ở Texas, Mỹ, nhận xét với VOA rằng khi một công ty bất kỳ có tỷ lệ tài sản trên số nợ và số lỗ như nêu trên, sức khỏe của công ty đó “rất xấu”, với hiểm họa về tính thanh khoản “rất lớn”.
Theo chuyên gia này, tỷ lệ lý tưởng giữa tài sản và nợ là 2:1, đồng nghĩa là tài sản gấp đôi số nợ. Khi một công ty có tài sản là 4,4 tỷ đô la nhưng nợ ngắn hạn là 5,3 tỷ đô la cộng với lỗ 4,7 tỷ đô la, có nghĩa là công ty đang rất “khó khăn, nguy hiểm”, ông Lộc nói.
“Khoản lỗ đó làm cho công ty không trả nợ ngắn hạn được. Tỷ lệ tài sản trên nợ ngắn hạn là 1:1 đã là tệ rồi, đằng này lại còn nhỏ hơn 1 nữa. Chưa kể lãi vay phải trả và nợ dài hạn nữa. Nhìn chung, các chỉ số tài chính như vậy rất là xấu”, vị chuyên gia phân tích với VOA.
Ông Lộc hiện đang giảng dạy chương trình thạc sỹ quản trị kinh doanh (MBA) tại trường Keller Graduate School of Management. Ông có hơn 20 năm kinh nghiệm làm chánh thanh tra kiểm toán và giám đốc tài chính (CFO) cho một số hãng lớn ở Mỹ.
SEC hiện đang xem xét hồ sơ của VinFast về chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) ở Mỹ và sẽ có hồi đáp sau 27-30 ngày.
Hãng này không tiết lộ về thời điểm sẽ chính thức IPO, số lượng cổ phiếu sẽ chào bán và số tiền vốn mà họ kỳ vọng sẽ huy động được.
Trong một tuyên bố đưa ra hôm 7/12, bà Lê Thị Thu Thủy, Tổng Giám đốc Điều hành VinFast, cho hay rằng hãng sẽ thực hiện IPO sau khi SEC tuyên bố là hồ sơ đăng ký có hiệu lực và các điều kiện thị trường cho phép.
Trả lời câu hỏi của VOA là với các chỉ số tài chính như nêu trên, liệu một công ty như vậy có được SEC đồng ý cho IPO hay không, giáo sư, tiến sỹ Khương Hữu Lộc nói rằng “họ vẫn có thể bán cổ phiếu”.
Với kinh nghiệm của mình, ông Lộc đưa ra nhận định: “Khi một công ty bán cổ phiếu, ăn thua là nhà đầu tư họ có thích không. Nếu họ thích thì họ mua. Ví dụ, như trước đây, các hãng Tesla, Apple, Google, Amazon… họ bị lỗ nhiều năm, nhưng các nhà đầu tư thích và chấp nhận triển vọng thị trường của các hãng đó, họ vẫn mua”.
Mặc dù vậy, giáo sư, tiến sỹ Lộc lưu ý rằng nhà đầu tư nên hết sức thận trọng đối với một hãng mới bắt đầu chế tạo ô tô, lệ thuộc phần lớn vào công nghệ và linh kiện nhập cảng, cũng như chưa có tên tuổi đáng kể trên thế giới.
Nếu ai đó hỏi ông có nên mua cổ phiếu của một công ty như vậy không, ông sẽ khuyên là “không”. Tuy nhiên, ông cũng liên hệ đến hãng ô tô điện Tesla ở Mỹ để chỉ ra rằng điều quan trọng là sản phẩm của một hãng có được ưa chuộng không.
“Hồi xưa, Tesla cũng có một giai đoạn xấu như vậy, nhưng người ta vẫn mua cổ phiếu vì xe của hãng được ưa chuộng. Cái xe có được ưa chuộng hay không là câu hỏi lớn. Nếu xe được ưa chuộng, người ta vẫn đổ tiền vào, thanh khoản của hãng tốt lên, việc thanh toán nợ và các chi phí được cải thiện nhiều”, ông Lộc nói.
Chỉ ít ngày trước khi VinFast nộp hồ sơ IPO ở Mỹ, một tài khoản có tên là Tom Peng đăng lên YouTube vào ngày 3/12 một đoạn video dài hơn 20 phút cho thấy xe VF8 của hãng bị nhiều lỗi, chủ yếu là lỗi phần mềm, khiến xe không đi được, không điều khiển được.
VF8 và VF9 là hai loại xe ô tô điện thuộc dòng tiện ích thể thao (SUV) mà VinFast xem là sản phẩm chủ lực để xuất khẩu sang Mỹ.
Trong phần lời chú thích về đoạn video được ghi lại ở thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam, Tom Peng viết rằng ông yêu thích hãng VinFast và chiếc VF8. Nhưng gần đây, lỗi trên chiếc VF8 của Tom Peng xuất hiện ngày càng thường xuyên, chẳng hạn như xe đang đi thì tự dừng lại, đèn xi nhan và đèn pha tự tắt, các lỗi phần mềm, các lỗi “báo động ảo”, lỗi hệ thống chuyển động, lỗi sạc acquy 12v, v.v…
Ông cho rằng có nhiều người khác mua xe của VinFast cũng bị tương tự, phải gọi cho hãng, thậm chí mang xe trở về hãng để sửa lỗi nhưng một số vấn đề trong phần mềm vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Video trên YouTube có đoạn Tom Peng nói rằng “mọi thứ đều hỏng … này, VinFast, các bạn đang tra tấn chúng tôi đấy”.
Tom Peng cho biết mục đích của anh ấy vào ngày hôm đó là chạy thử để đưa ra đánh giá về VF8 và nói thêm rằng cho dù đã xảy ra những lỗi như đã nêu, nhưng vào những lúc khác, khi xe chạy bình thường, "phải nói rằng VF8 là một chiếc xe rất xịn, xe lái rất đã và rất thoải mái ... Mà xui là hôm nay lại gặp vấn đề này".
Theo tìm hiểu của VOA, vào ngày 5/12, vẫn Tom Peng đăng một video nữa cho hay chiếc VF8 lại bị lỗi và không chạy được.
Cho đến nay, theo quan sát của VOA, VinFast chưa có tuyên bố công khai gì về hai video này, hiện đã có tổng cộng gần 37.000 lượt xem và gần hơn 800 lời bình luận.
VOA cố gắng liên lạc với VinFast, đề nghị họ bình luận về vấn đề “sức khỏe tài chính” của hãng và lỗi của xe VF8, nhưng chưa nhận được hồi đáp.
Diễn đàn