Đường dẫn truy cập

Doanh nghiệp trong chiến dịch ‘đốt lò’: Kẻ khóc, người cười


Ảnh tư liệu - Các nước cấp viện kêu gọi Việt Nam tăng tốc cải cách kinh tế
Ảnh tư liệu - Các nước cấp viện kêu gọi Việt Nam tăng tốc cải cách kinh tế

Chiến dịch ‘đốt lò’ chống tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng gần đây khiến quan chức các cấp chùn tay trong việc ký duyệt hay thông qua các dự án sử dụng ngân sách nhà nước và việc lựa chọn doanh nghiệp thực hiện các dự án giờ đây có vẻ dựa nhiều hơn về năng lực, kinh nghiệm với mức giá mời chào gần với giá thực tế trên thị trường hơn, theo chia sẻ của một số doanh nghiệp trong nước.

“Trong hoàn cảnh hiện nay thì lại tiện cho những công ty như kiểu bọn mình. Bọn mình là công ty lớn làm thật ăn thật. Còn những thằng quan hệ các cái kiểu sân sau, ngày xưa những thằng như thế chúng nó thao túng cuộc chơi…Thành ra những công ty làm việc thật người thật như chúng tôi lại ngon. Việc làm không hết,” anh N.M.H, giám đốc kinh doanh của một công ty lớn hoạt động trong lĩnh vực công nghệ tại Hà Nội, nói với VOA.

Anh cho biết giờ các công ty thẩm định giá cũng không còn dám làm ăn bát nháo như trước nữa và chỉ khi giá chào thầu sát với giá thị trường thì các công ty này mới dám làm chứng thư đảm bảo.

“Bây giờ người ta nhận ra là đổ tiền vào quan hệ hay chạy chức chạy quyền có thể sẽ bị lỗ nặng. Chạy chức chạy quyền xong rồi không ăn được mà nếu có ăn mà bị truy tố thì coi như là xong. Còn đổ tiền vào quan hệ thì những ông mà mình quan hệ lại bị xích thì thôi cũng như là lỗ nặng. Bây giờ thầu bè các cái không ai dám làm láo nữa. Tất cả đều sợ nơm nớp. Trước ví dụ như là một cái thiết bị cụ thể mua vào 5 đồng thì có thể báo giá bán tới 10 đồng nhưng giờ chỉ bán ra với giá 7 – 8 đồng thôi,” anh H cho biết thêm.

Theo anh H, như vậy là rất tốt và anh cũng ‘nhẹ đầu’hơn rất nhiều vì trước đây dù có nhận được mức giá thầu cao nhưng tiền chênh lệch đều phải đút vào túi quan chức phê duyệt dự án, chưa kể việc phải đi ‘giao tiếp’ với lãnh đạo và những nguy cơ rình rập khi bán thiết bị với giá cao gấp 2-3 lần giá trị thực.

Anh N.H.T, phó giám đốc phụ trách kinh doanh của một công ty chuyên cung cấp thiết bị y tế công nghệ cao tại Hà Nội, cho biết chiến dịch ‘đốt lò’ tạo ra một số khó khăn nhất định khi hàng loạt cán bộ cấp cao của Bộ Y tế bị bắt giam và truy tố, không một dự án hay giấy phép nhập khẩu thiết bị-thuốc men mới nào được ký. Nhưng giờ, anh nói, mọi chuyện cũng dần quay trở lại quỹ đạo đối với những doanh nghiệp ‘làm thật ăn thật’ như doanh nghiệp của anh.

“Doanh nghiệp nào có vấn đề thì mới bị sờ chứ bên mình thì cũng chẳng vấn đề gì vì làm toàn người thật việc thật cả. Ban đầu khó thì cũng khó, nhưng sau đó mình lại thúc cho các bệnh viện gào lên vì thiếu thuốc, thiếu thiết bị, thế là phải gỡ, thì sau một thời gian ngắn, họ lại phải gia hạn giấy phép nhập khẩu cho mình. Giờ chỉ khó những dự án mới thôi, chứ những dự án cũ, làm ăn đàng hoàng thì họ vẫn cho hoạt động bình thường.”

Tuy nhiên, niềm vui và sự an tâm của người này lại là nỗi lo của người khác. Anh D.M.H, chủ một doanh nghiệp truyền thông có nhiều mối quan hệ và chuyên thực hiện các dự án quảng bá cho các tập đoàn và doanh nghiệp lớn của nhà nước, cho biết từ sau đại dịch đến nay, doanh nghiệp của anh vẫn chỉ hoạt động cầm chừng và đang phải chuyển dần sang một số hoạt động khác để có đủ nguồn thu trả lương cho nhân viên.

“Bây giờ làm thừa tiền ra là dở hơi ngay. Mà giờ làm mà không có ăn thì ai người ta làm,” anh thẳng thắn chia sẻ về hoàn cảnh làm ăn của doanh nghiệp hiện nay khi không có một dự án mới nào được thông qua. Anh nói bây giờ anh cũng không còn mặn mà với những dự án kiểu ‘có lợi cả đôi bên’ như trước nữa vì rất dễ bị ‘sờ gáy’ và truy tố chứ không đơn giản như trước.

Theo nhận xét của một số doanh nghiệp, giờ đây việc thực hiện các dự án sử dụng ngân sách công tương đốiquy củ, gần với giá thị trường và ít lãng phí hơn rất nhiều so với trước. Các công ty sân sau đang dần không có đất sống. Nhưng họ cho rằng đây sẽ chỉ là giai đoạn nhất thời, khi chiến dịch ‘đốt lò’ được đẩy mạnh và quan chức tạm thời phải dừng ký duyệt các dự án đầu tư công.

Thực trạng đình trệ không ký duyệt, không tham mưu khi ‘không có ăn’ đang khiến nguồn vốn đầu tư công bị tắc nghẽn. Không ít cơ quan cấp bộ và ngang bộ hay các địa phương từ đầu năm đến nay không giải ngân được vốn đầu tư công. Điển hình như tại Tp.HCM, đầu tàu kinh tế của cả nước. Số vốn đầu tư công được giao cho thành phố trong năm nay tăng gần gấp đôi so với năm trước, nhưng trong hai tháng đầu năm, thành phố mới giải ngân được 1%, theo truyền thông nhà nước.

Báo điện tử Chính phủ Việt Nam cho biết hôm 14/03, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã lập 5 tổ công tác để kiểm tra, đôn đốc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG