Bế tắc về mức giới hạn trần đối với nợ liên bang đã và đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế Hoa Kỳ, đẩy chi phí vay lên cao hơn và làm tăng thêm gánh nặng nợ nần của quốc gia, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen dự kiến sẽ phát biểu như vậy hôm 16/5 trong bài diễn văn được soạn sẵn về vấn đề này.
Bà Yellen sẽ gửi thông điệp tới một nhóm các chủ ngân hàng cộng đồng ở Washington, nhắc họ nhớ lại tình trạng “giờ chót bên bờ vực” của cuộc khủng hoảng trần nợ công hồi năm 2011 dẫn đến việc Hoa Kỳ lần đầu tiên bị hạ xếp hạng tín dụng.
“Thời gian đang hết dần. Cứ mỗi ngày Quốc hội không hành động, chúng ta lại phải gánh chịu chi phí kinh tế gia tăng có thể làm giảm tốc nền kinh tế Hoa Kỳ”, bà Yellen nói trong bài phát biểu được soạn để đọc trước một sự kiện của tổ chức Các chủ Ngân hàng Cộng đồng Độc lập của Mỹ.
“Nền kinh tế Hoa Kỳ đang ở thế bấp bênh. Sinh kế của hàng triệu người Mỹ cũng vậy. Không thể phí thời gian. Quốc hội nên giải quyết mức giới hạn nợ càng sớm càng tốt”.
Hôm 15/5, bà Yellen nói với Quốc hội Mỹ rằng Bộ Tài chính dự kiến chỉ có thể thanh toán các hóa đơn của chính phủ Hoa Kỳ cho đến hết ngày 1/6 nếu không tăng giới hạn nợ công, gây áp lực lên các đảng viên Cộng hòa tại Quốc hội và Nhà Trắng để họ đạt được thỏa thuận trong những ngày tới.
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden sẽ có cuộc gặp lúc 3 giờ chiều thứ Ba 16/5 với Chủ tịch Hạ viện McCarthy của đảng Cộng hòa và ba nhà lãnh đạo hàng đầu khác của Quốc hội để vạch ra một kế hoạch nhằm tránh tình trạng vỡ nợ lần đầu tiên của nước Mỹ.
Bà Yellen nói cuộc khủng hoảng năm 2011 - khi các nhà lập pháp nâng giới hạn nợ ngay trước khi chính phủ phải ngừng thanh toán - cho thấy những hậu quả nghiêm trọng nếu không hành động sớm hơn.
Bà cho biết niềm tin của người tiêu dùng đã giảm hơn 20% sau đó, trong khi chỉ số chứng khoán S&P 500 giảm 17%, và chi phí cho vay thế chấp và mua ô tô tăng lên.
Bà cho rằng việc để Mỹ vỡ nợ sẽ gây ra một thảm họa kinh tế và tài chính, gây nguy hiểm cho danh tiếng của đất nước và phá hoại nền tảng lãnh đạo kinh tế toàn cầu của Mỹ.
Bà nói các nhà đầu tư đã trở nên miễn cưỡng hơn trong việc nắm giữ các khoản nợ chính phủ đáo hạn vào đầu tháng 6 và sự bế tắc đang làm tăng gánh nặng nợ chung.
Bà Yellen đưa ra đánh giá lạc quan về tình trạng của các ngân hàng cộng đồng Hoa Kỳ, lưu ý rằng nhiều ngân hàng đã báo cáo thu nhập ròng cao hơn vào năm 2022 so với trước đại dịch, ngay cả khi một số ngân hàng khu vực chịu áp lực lớn hơn sau khi hai ngân hàng lớn trong khu vực - Silicon Valley và Signature - sụp đổ vào tháng ba.
Bà nói đã có một số “dư chấn”, bao gồm cả sự sụp đổ của ngân hàng First Republic, nhưng bà không thấy “bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy sự thay đổi về tình trạng cơ bản của hệ thống ngân hàng”.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính Mỹ vẫn thận trọng và đang tiếp tục theo dõi chặt chẽ các điều kiện, bà nói, đồng thời cho biết thêm rằng chính phủ sẵn sàng thực hiện các hành động tiếp theo nếu cần, kể cả nếu các tổ chức nhỏ hơn nhận thấy việc rút tiền gửi có nguy cơ lan rộng.
Diễn đàn