Thành phố Hà Nội đề nghị không sáp nhập quận Hoàn Kiếm với quận khác theo quy định mới của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khơi dậy luồng ý kiến đa chiều trong công luận.
Quy định mới yêu cầu mỗi quận phải có diện tích tối thiểu 35 cây số vuông và dân số 150.000 người. Quận Hoàn Kiếm, dù đủ tiêu chuẩn về dân số, nhưng chỉ đạt 15% diện tích với 5,35 km vuông nên nằm trong diện phải sáp nhập.
Hà Nội cho rằng nếu sáp nhập quận Hoàn Kiếm với quận khác sẽ ảnh hưởng tới quá trình hình thành đô thị văn hóa lâu đời của Thăng Long – Hà Nội và kinh tế xã hội của thành phố.
Anh Nguyễn Thành Trung, một cư dân sinh trưởng tại quận Hoàn Kiếm, nói anh ‘thở phào’ trước đề nghị của Hà Nội và hy vọng sẽ được đáp ứng bởi theo anh việc sáp nhập là không cần thiết và sẽ xáo trộn đời sống của cư dân trong quận như anh.
“Kể cả nó bé hay không bé, nhưng đã liên quan đến lịch sử thì các ông lại cứ vẽ nó ra. Bây giờ sáp nhập thì có đơn giản đâu. Còn bao nhiêu thứ đi theo nữa chứ ví dụ như thủ tục hành chính chẳng hạn, đi sau việc sáp nhập sẽ là phức tạp lắm,” anh Trung chia sẻ với VOA.
Theo anh, ngoài những ‘nhiêu khê’ trong việc sắp xếp lại bộ máy hành chính khiến người dân phải mất thời gian dài để thích nghi, việc sáp nhập cũng sẽ khiến Hà Nội mất đi một quận có văn hoá lịch sử đặc thù mà từ thời Pháp thuộc cho đến nay đã nổi tiếng với các phường buôn bán trong khu phố cổ mà mỗi khi nhắc tới Hà Nội là cả người Việt Nam lẫn du khách quốc tế đều biết tới.
“Bây giờ làm sao mà bỏ được quận đấy đi. Hà Nội mà không có quận đấy thì chẳng còn là Hà Nội nữa,” anh Trung nói thêm.
Trong khi có những người như anh Trung hào hứng với đề nghị của Hà Nội, cũng có không ít người tỏ ra dửng dưng với câu chuyện này. Họ nói họ đã quá chán ngán với chuyện tách-nhập các đơn vị hành chính và những thay đổi do nhà nước đưa ra trong nhiều năm qua vì nhập vào rồi rốt cuộc lại phải tách ra như cũ mà thôi. Theo họ, đây chẳng qua là để ‘cho mọi người biết là mình đang làm việc và có những đề xuất mới’.
“Cứ đánh trống múa rối lên vậy để thu hút dư luận thôi. Chứ có sáp nhập thì tôi lên đấy ăn chơi thì vẫn là những hàng quán đấy thôi,” anh Nguyễn Thành Nam, một cư dân sinh sống ở quận Hoàn Kiếm, cho VOA biết.
Đối với những người cao niên đã trải qua thời kỳ tách-nhập tỉnh cách đây mấy chục năm, thì chuyện không đơn giản là xóa hay đổi tên khi sáp nhập.
Ông Nguyễn Văn Thắng, người gốc Quảng Bình hiện sống ở quận Hoàn Kiếm, cho biết ông đã quá thấm thía câu chuyện sáp nhập 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế khi ông còn là một sinh viên mới ra trường.
“Hồi xưa sáp nhập thành Bình Trị Thiên đấy. Lúc nào cũng Bình Trị Thiên, cuối cùng khi tách ra trở lại thì Quảng Bình mới phát triển được. Chứ còn lúc sáp nhập xong thì họ gọi là Thiên Trị Bình chứ đâu phải Bình Trị Thiên, vì tỉnh Thừa Thiên Huế ở trong là nhất trụ mà, dẫn tới cả tỉnh Quảng Bình không có một đồng vốn ngân sách nào hết cả. Chiến tranh phá hoại như vậy mà thành phố Đồng Hới hay thị trấn Ba Đồn cứ vậy mãi, không có được một chế độ gì, không có một đồng ngân sách nào cấp về cho tỉnh cũ hết,” ông Thắng chia sẻ.
Theo ông Thắng, quy định mới của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra do Bộ Nội vụ đề xuất về diện tích và dân số của đơn vị hành chính cấp quận là hoàn toàn máy móc.
“Có động cơ, mục đích hết. Động cơ ở đây là kiếm chác thôi chứ chả phải vì dân vì nước gì đâu. Vì dân vì nước thì phải tiết kiệm ngân sách, tiết kiệm đến từng đồng. Mà bản thân họ trong những ngày đang ngồi vị trí quản lý đó phải lao tâm khổ tứ nghĩ đến việc làm sao để đất nước này tiến lên chứ không phải chỉ nghĩ đến mấy việc như vậy,” ông Thắng bày tỏ hoài nghi.
Anh N.Q.M, một nhà báo kỳ cựu tại Hà Nội, cho rằng quy định mới về diện tích và dân số các đơn vị hành chính của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là chưa hợp lý. Việc sắp xếp lại bộ máy công quyền của những đơn vị hành chính bị sáp nhập sẽ tạo ra nhiều tiêu cực và khiến người dân khổ sở hơn trong các vấn đề liên quan đến thủ tục, anh nói.
“Giống luật căn cước đó, ra cái luật căn cước để bỏ từ công dân trong căn cước công dân đi. Chả giải quyết vấn đề gì. Những cái thay đổi đó không vì lợi ích quốc gia, dân tộc mà chỉ vì lợi ích nhóm thôi. Vì thế mà nó không tạo ra những thay đổi tích cực mà chỉ làm cho người dân thêm khổ,” anh M chia sẻ.
Anh tán thành với đề nghị của Hà Nội là không sáp nhập quận Hoàn Kiếm với quận khác vì những lý do liên quan tới văn hóa lịch sử và điều kiện kinh tế xã hội của một quận thuộc diện ‘giàu có và văn hóa nhất’ của thủ đô.
“Nó có cái đặc thù là cả thủ đô chỉ có mỗi cái Hồ Gươm và phố cổ đấy. Bây giờ các ông đặt ra, dư luận người ta phản đối thì không dám nữa. Mà nó không hợp lý. Một cái quận Hoàn Kiếm tuy nhỏ nhưng thu ngân sách hơn cả một cái tỉnh miền núi đấy,” anh M nói thêm.
Kinh tế quận Hoàn Kiếm trong những năm gần đây liên tục tăng trưởng cao, thu ngân sách luôn vượt kế hoạch thành phố giao với hơn 14.000 tỉ đồng/năm, theo truyền thông nhà nước.
Bộ Nội Vụ nói việc sáp nhập theo dự kiến đối với 33 huyện và 1.300 xã là để tinh gọn bộ máy hành chính, tinh giảm biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ.
Báo trong nước dẫn lời ông Nguyễn Hữu Thành, Phó Vụ trưởng Vụ chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ, nói rằng trong quá trình thực hiện cũng sẽ tính tới yếu tố đặc thù và đây là một trong những yếu tố quan trọng để quyết định có sáp nhập hay không.
Tuy đề xuất không sáp nhập quận Hoàn Kiếm, nhưng Hà Nội vẫn sẽ sắp xếp lại các đơn vị hành chính khác theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Dự kiến Hà Nội sẽ giảm 70 đơn vị hành chính cấp xã. Thành phố dự kiến trong năm sausẽ hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và giải quyết chế độ cho cán bộ-công chức dôi dư, nếu đề án của thành phố được trung ương thông qua.
Diễn đàn