Đinh Hoàng Thắng
“Chuyển đổi mềm” – Tại sao không?
Tổng bí thư – Chủ tịch nước Tô Lâm, một lần nữa lại được giới quan sát và các nhà phân tích “soi” kỹ lưỡng. Hội nghị Trung ương 10 của ĐCSVN [TW-10] từ 18 – 20/9 đã đưa ra nhiều quyết định then chốt cho tương lai của Đảng và Nhà nước, trong đó vai trò và định hướng quyền lực của ông Tô Lâm đang là một trong những điểm mấu chốt. Trong phát biểu bế mạc Hội nghị TW-10, ông Tô Lâm cho biết, Trung ương đã thống nhất xác định 4 nhóm vấn đề lớn để tiếp tục hoàn thiện Văn kiện Đại hội 14. Tại diễn đàn này, người đứng đầu ĐCSVN đã đảo ngược “phương thức lãnh đạo” xưa nay, đặt người dân lên vị trí hàng đầu: “Nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý, Đảng Cộng sản lãnh đạo” [1]. Nếu rồi đây, người dân có điều kiện để kiểm chứng được sự đảo trật tự xưa nay trên thực tế, thì rõ ràng Tổng b1i thư – Chủ tịch nước (TBT/CTN) Tô Lâm đã có bước chuyển nhất định trong phương thức lãnh đạo của Đảng. Đảng sẽ không bao biện làm thay chính quyền và người dân sẽ đứng ở vị trí trung tâm?
Sau Hội nghị trên, chuyến công tác Tây bán cầu của ông Tô Lâm (21 – 27/9) tạo kỳ vọng về “các bước chuyển đổi mềm” trong chính trị đối ngoại của Việt Nam. Thông báo Nhà Trắng đưa ra hôm 22/9 về các hoạt động dự kiến của Tổng thống Biden trong tuần này cho biết, “Tổng thống sẽ tham dự cuộc hội đàm với Tổng bí thư Tô Lâm” trong hoạt động đầu tiên của ông vào ngày 25/9 [2]. Theo Reuters, tại cuộc hội kiến Biden – Tô Lâm, ông Biden rất mong muốn làm sâu sắc hơn mối quan hệ với quốc gia Đông Nam Á có vị trí địa-chính trị và là trung tâm sản xuất nhiều mặt hàng chiến lược cho nước Mỹ. Tháng 9 năm ngoái, Biden đã đến thăm Việt Nam và đạt được các thỏa thuận về chất bán dẫn và khoáng sản quý hiếm, cũng như nâng cấp lên vị thế cao nhất trong thang bậc ngoại giao của Hà Nội [3]. Trong chuyến công du đầu tiên đến Mỹ từ khi giữ cương vị TBT/CTN, ông Tô Lâm đã phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về tương lai, thăm và phát biểu tại Đại học Columbia, gặp gỡ đại diện của một số tập đoàn Hoa Kỳ, gồm Google của Alphabet và Facebook của Meta... Nhân dịp này, chính quyền Việt Nam đã thả một số nhà hoạt động nổi tiếng, trong đó có Trần Huỳnh Duy Thức [4].
Và bức thư đầu tiên của Trần Huỳnh Duy Thức – mà nhiều mạng xã hội tôn vinh, ông là một Nelson Mandela của xứ này – được đọc thấy trên mạng xã hội như vầy: “Hãy tin rằng dân tộc ta đang bước vào một cuộc chuyển mình vĩ đại không thể đảo ngược. Đó là tiến trình chuyển đổi ôn hòa được dẫn dắt bởi Trào lưu mềm với năng lượng mềm, giúp chuyển hóa mọi năng lượng giận dữ tích tụ bao đời. Điều tốt đẹp đó đang đến gần hơn bao giờ hết. Mong quý đồng bào giữ vững niềm tin!” Có thể hoàn toàn chia sẻ với Facebooker Nguyễn Thông khi trả lời những ai thắc mắc, ông Thức làm gì mà phải ca ngợi, phải quan tâm đến vậy? Xin thưa, Trần Huỳnh Duy Thức chỉ làm điều mà biết bao người an phận đã không dám làm! Ông sẵn sàng chấp nhận sự tù đày, tự gánh lấy nỗi buồn thế sự cho biết bao người tử tế khác [5]. Hãy nhớ, một tù nhân lương tâm sau hơn 15 năm bị cách ly khỏi xã hội, bị đọa đầy cùng cực, nhưng ngay cả khi “bị cưỡng chế đặc xá”, trong lời chào đầu tiên gửi đến quý đồng bào thân yêu, không thấy một lời oán thán, trách móc… Chỉ người có trí huệ thượng thừa mới hành xử được như vậy!
Trong bối cảnh trên, nếu có một nét đồng điệu nào đó giữa nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng/Nhà nước với một tù nhân lương tâm như Trần Huỳnh Duy Thức – vì cả hai đều hy vọng về sự chuyển đổi mạnh mẽ của đất nước trong tương lai – thì liệu có thể đánh dấu bước chuyển mình về nhận thức của giới cầm quyền về người dân? Nếu trước đây lãnh đạo Đảng thường nhấn mạnh quyền kiểm soát và quản lý xã hội, thì nay “chuyển đổi mềm” có mở ra được một hướng đi mới, nơi mà những năng lượng tích cực và sự đồng thuận giữa người dân, chính quyền và bản thân các nhà lãnh đạo có thể dẫn đến một quá trình tiến hóa ôn hòa, nhưng sâu rộng và bền vững? Hay diễn đạt như cựu Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Đình Bin, một người đang bước vào lứa tuổi U-90 mà vẫn canh cánh bên lòng: “Không có giải pháp nào khác là phải thực hiện đổi mới chính trị thực sự toàn diện và triệt để, hội nhập toàn diện và thực sự vào dòng chẩy chủ lưu của tự do, dân chủ, văn minh trên thế giới hiện nay, như không ít lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các cấp, đảng viên, trí thức thực sự tâm huyết, trí tuệ… và cá nhân tôi đã góp ý với Đảng” [6].
Quốc tế biến động, quốc nội có đứng yên?
Mới đây, các nhà lãnh đạo của Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ nói, sẽ công bố kế hoạch cho các sáng kiến an ninh mới ở Ấn Độ Dương, khi Tổng thống sắp mãn nhiệm Joe Biden tiếp đón những người đồng cấp từ nhóm Bộ Tứ (Quad) tại Mỹ, do những lo ngại chung về Trung Quốc [7]. Như vậy, Trung Quốc đâu chỉ hiếp đáp Philippines hay xả nước xuống vùng đồng bằng Bắc Bộ của Việt Nam cho lũ lụt trầm trọng thêm. Bắc Kinh khiến cả các nước lớn quan ngại. Ấn Độ, cho đến nay chưa tham gia bất kỳ liên minh quân sự nào, “nhưng các hành động xâm lược trên biển gần đây của Trung Quốc có thể ‘thay đổi phương trình’ đối với Ấn Độ và có thể thúc đẩy Ấn Độ cởi mở hơn với ý tưởng hợp tác an ninh Bộ Tứ", bà Lisa Curtis, chuyên gia chính sách châu Á tại Trung tâm An ninh Hoa Kỳ Mới, người trước đây từng làm việc tại Nhà Trắng, CIA và Bộ Ngoại giao, cho biết như thế. Riêng Việt Nam cũng đang tính toán nâng cấp quan hệ cao nhất với Indonesia giữa biến thiên địa-chính trị [8].
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, một nhà nghiên cứu độc lập tại Việt Nam nói với VOA, Hà Nội đang có kế hoạch nâng cấp quan hệ lên mức đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam với Indonesia, Philippines, Thái Lan và Singapore; riêng đối với Philippines và Indonesia có thể sẽ nhanh hơn [9]. Sở dĩ Hà Nội có sự “ưu tiên” nâng mức độ quan hệ với hai nước trên, là vì lý do địa-chính trị, một uyển ngữ để nói tránh đi sự đe dọa và ăn hiếp của Trung Quốc. Nhân chuyên công du của ông Tô Lâm ở Mỹ dịp này, Giáo sư Zachary Abuza, chuyên gia về Đông Nam Á tại Đại học Chiến tranh Quốc gia ở Washington từng hy vọng rằng, ông Tô Lâm sẽ đến Washington, nhưng rồi cả hai nước đã bỏ lỡ một cơ hội. Ông Abuza phân trần: “Hai nước đang kỷ niệm một năm nâng cấp quan hệ, và sẽ có một loạt các vấn đề trong quan hệ song phương cần thảo luận… Cả hai bên lẽ ra nên thúc đẩy tổ chức một cuộc gặp giữa hai nguyên thủ, nhất là khi ông Tô Lâm có thể sẽ trao lại chức Chủ tịch nước”. Ông Abuza cho rằng Hà Nội quá thận trọng, không muốn bị coi là can thiệp vào chính trị Mỹ, nếu ông Tô Lâm giờ này lại đến Nhà Trắng vào lúc bầu cử Mỹ vào hồi cao trào [10].
Vậy, ngã rẽ quyền lực của Tô Lâm sẽ đi về đâu? Rõ ràng, trong bối cảnh quốc tế ngày càng phức tạp và căng thẳng như hiện nay, sự lựa chọn của Tô Lâm không chỉ ảnh hưởng đến tương lai của Đảng Cộng sản Việt Nam mà còn định hình vị thế của đất nước trên trường quốc tế. Việc tham gia sâu hơn vào các cơ chế an ninh khu vực như các “tiểu liên kết” hay nâng cấp quan hệ đối tác với các nước láng giềng là những bước đi cần thiết để Việt Nam bảo vệ lợi ích quốc gia trước sự lấn lướt của Trung Quốc. Tuy nhiên, bài toán khó ở đây là cân bằng giữa nhu cầu hợp tác an ninh quốc tế với yêu cầu giữ vững chính sách đối ngoại độc lập và không bị cuốn vào các liên minh quân sự. Điều này đặt ra thách thức lớn đối với Tô Lâm và giới lãnh đạo Việt Nam: Liệu họ có thể thực hiện thành công “chuyển đổi mềm” trong chính trị quốc tế mà vẫn duy trì được ổn định nội bộ và quyền lực của Đảng? Các tín hiệu tích cực từ chuyến công du Tây bán cầu, kết hợp với xu hướng “chuyển đổi mềm” trong phương thức lãnh đạo trong nước, có thể tạo ra một mô hình quyền lực mới cho ông Tô Lâm và ban lãnh đạo mới, nơi sự linh hoạt, mềm dẻo nhưng vẫn kiên định với nguyên tắc chủ quyền là kim chỉ nam trong cả đối nội lẫn đối ngoại.
Cũng cần phải phòng xa một kịch bản không mong muốn, khi sự “chuyển đổi mềm”, có thể dẫn đến sự tự mãn trong cả lãnh đạo lẫn công chúng. Bằng cách đưa ra những cải cách nửa vời, hoặc chỉ thay đổi ngôn từ, giới lãnh đạo có thể làm dịu đi những đòi hỏi ngày càng tăng về một nền quản trị dân chủ hơn, mà không thực sự giải quyết các vấn đề cấu trúc sâu xa. Điều này có thể tạo ra cảm giác về một tiến bộ giả tạo, và có thể phản tác dụng, nếu người dân nhận ra không có thay đổi thực sự và đi đến vỡ mộng. Ngoài ra, cách tiếp cận “chuyển đổi mềm” có thể giúp Việt Nam điều hướng các mối quan hệ quốc tế phức tạp, đặc biệt là trong việc cân bằng mối quan hệ với Trung Quốc, Mỹ và phương Tây. Tuy nhiên, ngoại giao mềm nhiều khi không đủ để đối phó với những chiến thuật hung hăng của một cường quốc lớn như Trung Quốc. Việt Nam, vì vậy, có thể và cần phải tính toán trước các chiến lược quyết đoán hơn trong cả chính sách an ninh quốc tế lẫn kinh tế để bảo vệ lợi ích quốc gia. Một cách tiếp cận quá mềm dẻo có thể bị coi là yếu đuối bởi các đối thủ.
Tham khảo:
[2] /a/nha-trang-tong-thong-biden-se-gap-tong-bi-thu-viet-nam-to-lam-new-york/7794860.html
[6] https://www.facebook.com/dinh.nguyen.94009841
[8 và 9] /a/7794485.html
[10] /a/to-lam-den-my-nhung-khong-vao-nha-trang-la-dieu-dang-tiec-/7794685.html
Diễn đàn