Trung Quốc hôm 8/10 áp dụng các biện pháp chống bán phá giá tạm thời đối với hàng rượu mạnh nhập khẩu từ EU, đánh vào các thương hiệu của Pháp bao gồm Hennessy và Remy Martin, vài ngày sau khi khối gồm 27 quốc gia này bỏ phiếu, nhất trí áp thuế đối với xe điện do Trung Quốc sản xuất.
Bộ Thương mại Trung Quốc nói rằng những phát hiện sơ bộ của một cuộc điều tra đã xác định rằng việc bán phá giá rượu mạnh từ Liên minh châu Âu đe dọa gây "thiệt hại đáng kể" đối với ngành này của Trung Quốc.
Bộ Thương mại Pháp cho biết các biện pháp tạm thời của Trung Quốc là "không thể hiểu nổi" và vi phạm thương mại tự do, và nói rằng họ sẽ làm việc với Ủy ban châu Âu để phản đối động thái này tại Tổ chức Thương mại Thế giới.
Trong một dấu hiệu cho thấy căng thẳng thương mại gia tăng, Bộ Thương mại Trung Quốc đã nói thêm trong một tuyên bố khác hôm 8/10 rằng cuộc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đang diễn ra đối với các sản phẩm thịt lợn của EU sẽ đưa ra các quyết định "khách quan và công bằng" khi kết thúc.
Bộ này cũng cho biết họ đang xem xét tăng thuế đối với việc nhập khẩu xe có động cơ lớn, vốn sẽ ảnh hưởng nặng nề nhất đến các nhà sản xuất Đức. Xuất khẩu xe có động cơ 2,5 lít trở lên của Đức sang Trung Quốc đạt 1,2 tỷ đô la vào năm ngoái.
Pháp được coi là mục tiêu của cuộc điều tra rượu mạnh của Bắc Kinh do nước này ủng hộ thuế quan đối với xe điện do Trung Quốc sản xuất. Các chuyến hàng rượu mạnh của Pháp sang Trung Quốc đạt 1,7 tỷ đô la vào năm ngoái và chiếm 99% lượng rượu mạnh nhập khẩu của nước này.
Bộ Thương mại Trung Quốc nói rằng tới ngày 11/10, các nhà nhập khẩu rượu mạnh có nguồn gốc từ EU sẽ phải trả tiền đặt cọc, ở mức từ 34,8% đến 39,0% giá trị nhập khẩu.
"Thông báo này cho thấy rõ ràng rằng Trung Quốc quyết tâm đánh thuế chúng tôi để đáp trả các quyết định của châu Âu về xe điện của Trung Quốc", nhóm sản xuất rượu cognac của Pháp BNIC cho biết trong một email.
Tuần trước, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng cuộc điều tra rượu mạnh của Trung Quốc là "hành động trả đũa thuần túy", trong khi thuế quan đối với xe điện là cần thiết để duy trì một sân chơi bình đẳng.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu rượu cognac lớn thứ hai sau Hoa Kỳ, nhưng lại là lãnh thổ có lợi nhuận cao nhất của ngành. Tình hình kinh tế khó khăn ở cả hai thị trường đã thúc đẩy doanh số bán rượu cognac giảm mạnh.
Cổ phiếu hàng xa xỉ đã giảm tới 7% hôm 8/10. Một nhà giao dịch cho rằng điều này là do lo ngại rằng lĩnh vực này, vốn phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc, có thể là lĩnh vực tiếp theo phải chịu các biện pháp thương mại.
Các biện pháp của Trung Quốc đối với rượu mạnh được đưa ra sau cuộc bỏ phiếu của EU về việc sẽ áp dụng thuế quan đối với xe điện do Trung Quốc sản xuất vào cuối tháng 10.
Diễn đàn