Các chuyên gia nhân quyền của Liên Hiệp Quốc kêu gọi Thái Lan không trục xuất 48 người Duy Ngô Nhĩ đang bị giam giữ về Trung Quốc, cảnh báo rằng họ có nguy cơ bị tra tấn, ngược đãi và “tổn hại không thể khắc phục” nếu bị trả về.
Các nhóm nhân quyền và một số nhà lập pháp Thái Lan đã nêu lên mối lo ngại trong tuần qua rằng việc giải giao người Duy Ngô Nhĩ, những người đã bị giam giữ trong trại giam nhập cư trong hơn một thập kỷ, cho Trung Quốc là điều sắp xảy ra. Chính phủ cho biết họ không có kế hoạch như vậy.
Các nhóm nhân quyền cáo buộc Bắc Kinh lạm dụng người Duy Ngô Nhĩ, một nhóm dân tộc thiểu số chủ yếu theo đạo Hồi với khoảng 10 triệu người ở khu vực phía tây Tân Cương, bao gồm cả việc sử dụng hàng loạt biện pháp giám sát và lao động cưỡng bức trong các trại. Bắc Kinh phủ nhận mọi hành vi lạm dụng.
“Những người này không nên bị trả về Trung Quốc”, báo cáo viên đặc biệt về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc nói trong một tuyên bố vào thứ Ba về 48 người Duy Ngô Nhĩ.
“Thay vào đó, họ phải được tiếp cận các thủ tục tị nạn và các hỗ trợ nhân đạo khác”, các chuyên gia nói, đồng thời thêm rằng một nửa trong số nhóm này có tình trạng sức khỏe nghiêm trọng.
Phó Thủ tướng Thái Lan Phumtham Wechayachai tuần trước nói rằng không có kế hoạch trục xuất người Duy Ngô Nhĩ về Trung Quốc ngay lập tức, trong khi cảnh sát trưởng quốc gia Kittirat Panpetch cho biết vào thứ Hai rằng không có lệnh của chính phủ về việc trục xuất họ.
Babar Baloch, người phát ngôn của cơ quan tị nạn Liên Hiệp Quốc cho biết tuần trước rằng cơ quan này đã được chính quyền Thái Lan đảm bảo rằng họ sẽ không bị chuyển về Trung Quốc.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Thái Lan không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của Reuters vào thứ Tư.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ sắp nhậm chức, Marco Rubio, cho biết trong phiên điều trần phê chuẩn tuần trước rằng ông sẽ sử dụng mối quan hệ gần gũi của đất nước mình với Thái Lan để ngăn chặn người Duy Ngô Nhĩ bị trục xuất.
BỊ GIAM GIỮ CẢ THẬP KỶ
Những người bị giam giữ là một số của nhóm 300 người Duy Ngô Nhĩ đã trốn khỏi Trung Quốc và bị bắt tại Thái Lan vào năm 2014.
Thái Lan đã trục xuất hơn 100 người Duy Ngô Nhĩ về Trung Quốc vào tháng 7 năm 2015, khiến quốc tế lên án và lo ngại rằng họ có thể phải đối mặt với tra tấn sau khi trở về. Số phận của họ hiện vẫn chưa được biết.
Hơn 170 người khác, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, được đưa sang Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 6 năm 2015, còn lại hơn 50 người Duy Ngô Nhĩ bị giam giữ tại Thái Lan. Theo các nhóm nhân quyền, ít nhất năm người trong số họ đã chết.
Các nhà chức trách Trung Quốc vào thời điểm đó cho biết nhiều người Duy Ngô Nhĩ trốn sang Thổ Nhĩ Kỳ qua ngả Đông Nam Á đã lên kế hoạch mang thánh chiến trở lại Trung Quốc, nói rằng một số người đã tham gia vào “các hoạt động khủng bố”.
Trong nhiều năm qua, hàng trăm, thậm chí có thể là hàng ngàn người Duy Ngô Nhĩ đã trốn khỏi Tân Cương bằng cách đi lén lút qua Đông Nam Á đến Thổ Nhĩ Kỳ.
Các nhà ngoại giao và chuyên gia phân tích an ninh cho biết việc Thái Lan trục xuất người Duy Ngô Nhĩ sang Trung Quốc vào năm 2015 đã dẫn đến một vụ đánh bom chết người một tháng sau đó tại một ngôi đền ở Bangkok, khiến 20 người thiệt mạng, trong vụ tấn công tồi tệ nhất từng xảy ra trên đất Thái Lan.
Chính quyền Thái Lan kết luận rằng vụ tấn công có liên quan đến cuộc đàn áp đường dây buôn người, mà không chỉ rõ nhóm này có liên quan đến người Duy Ngô Nhĩ hay không.
Hai người đàn ông Duy Ngô Nhĩ đã bị bắt, bị buộc tội giết người và tàng trữ chất nổ trái phép. Phiên tòa xét xử họ, vốn đã bị trì hoãn nhiều lần, vẫn đang diễn ra.
Diễn đàn